Việc kéo dài thảo luận thêm 36 giờ đã có tác dụng thiết thực giúp Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu ở Durban (Nam Phi) kết thúc với sự nhất trí về lộ trình tiếp theo trong vấn đề bảo vệ trái đất.
Theo tuyên bố cuối cùng của hội nghị thì không chỉ Nghị định thư Kyoto được gia hạn hiệu lực mà còn sẽ có hiệp ước mới có tính ràng buộc chung cho tất cả. Đây sẽ là những trụ cột của cấu trúc bảo vệ khí hậu trái đất trong tương lai. Việc tiến hành đàm phán sẽ được bắt đầu từ năm 2012, kết thúc năm 2015 và hiệp ước mới sẽ có hiệu lực từ năm 2020.
Thỏa thuận đạt được vào phút cuối giúp hội nghị không bị thất bại và duy trì được tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, thực chất nó lại khiến kết quả này chỉ là giải pháp tình thế bởi thỏa thuận như thế chẳng khác gì tiếp tục chờ giải pháp.
Việc xác định được lộ trình đàm phán hiệp ước mới là điều tích cực và đáng khích lệ. Nhưng chỉ vậy thôi thì sẽ không thể tạo ra được bước chuyển cơ bản và đột phá bởi quá trình đàm phán rồi cũng sẽ dền dứ và kéo dài như chính quá trình đàm phán thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto từ suốt mấy năm nay. Muốn để những gì đã được thỏa thuận ở hội nghị này trở thành hiện thực thì tất cả các quốc gia không chỉ phải thực hiện nghiêm chỉnh những gì đã cam kết mà còn phải hợp tác và thôi thúc lẫn nhau đi cùng đường và đúng hướng.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)