Hàng trăm thanh niên ở xã Tân Khánh Hòa (H.Giang Thành, Kiên Giang) đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn nhờ mô hình nuôi bò.
Mô hình nuôi bò giúp nhiều thanh niên ở Giang Thành thoát nghèo
|
Tân Khánh Hòa là một xã vùng giáp biên của H.Giang Thành, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Xã có 112 đoàn viên, 383 hội viên Hội LHTN VN, chủ yếu sống bằng nghề nông, làm thuê làm mướn nên còn nhiều khó khăn. Để giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, Huyện đoàn Giang Thành đã lập dự án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản nhằm giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi. Mỗi thanh niên tham gia dự án được hỗ trợ 30 triệu đồng, từ nguồn vốn vay 4,3 tỉ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội VN H.Giang Thành.
Sau 4 năm nuôi bò thịt, bò giống, đến nay gia đình anh Võ Văn Sữa (ngụ ấp Hòa Khánh) đã có đàn bò 10 con. Anh Sữa cho biết sau khi nhận nguồn vốn hỗ trợ, anh mua 2 con bò về vỗ béo. Nuôi bò không tốn nhiều tiền thức ăn, công chăm sóc nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Chỉ sau 3 tháng nuôi là có thể bán được, trừ chi phí anh còn lãi trên 1 triệu đồng/con. Nếu may mắn gặp được bò tốt có thể để lại làm giống, không bao lâu sẽ có bê con.
Còn anh Trần Hữu Tài được xem là người nuôi bò hiệu quả nhất trong số thanh niên ở xã Tân Khánh Hòa. Năm 2005, nhận được vốn vay từ Hội LHTN VN H.Giang Thành cộng với số tiền dành dụm, anh Tài mua một con bò mẹ và một con bê về nuôi. Sau 4 năm, anh xuất bán 5 con bò để trả tiền vay và còn lãi hơn 20 triệu đồng. Năm 2010, anh tiếp tục làm hồ sơ vay 30 triệu đồng để mua thêm 6 con bò. Đến nay, đàn bò của gia đình đã lên đến 30 con, mang về thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Anh Danh Diệp, Phó chủ tịch Hội LHTN VN H.Giang Thành, cho biết từ hiệu quả của mô hình nuôi bò trên, mới đây, xã Tân Khánh Hòa đã thành lập thêm 2 tổ nuôi bò vỗ béo tại ấp Hòa Khánh và Tân Thạnh, với 22 thành viên tham gia nuôi 125 con bò. Ngoài việc hỗ trợ vốn vay, địa phương còn tổ chức cho thanh niên đi học tập mô hình, khảo sát con giống, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... “Đây là mô hình hay, phù hợp với thanh niên địa phương, đặc biệt là phần lớn đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển mô hình này mạnh hơn nữa”, anh Danh Diệp nói.
Bình luận (0)