Thời kỳ đen tối của thuyết ưu sinh

20/08/2017 08:52 GMT+7

Kho tư liệu về thời kỳ lây lan của thuyết ưu sinh được công bố sau một thế kỷ bị che giấu, bóc trần giai đoạn đen tối mà thế giới muốn quên lãng.

Có một thời thuyết ưu sinh được thế giới phương Tây hết sức ưa chuộng và nhanh chóng lây lan tại Anh trước khi truyền ra châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và cả châu Á. Nói một cách đơn giản, đây là phong trào xã hội phổ biến vào đầu thế kỷ 20, dựa trên cơ sở “cải thiện chất lượng gien di truyền của con người”. Cụ thể, học thuyết phi nhân này kêu gọi đánh giá các nét tiêu biểu của con người, theo đuổi các đặc điểm mong muốn và loại bỏ những nhóm bị liệt vào dạng xấu và thấp kém.
Nguồn gốc của thuyết ưu sinh
Vào thế kỷ 19, nhà bác học người Anh Charles Darwin đã gây rúng động cả thế giới với những tác phẩm về tự nhiên học, nổi tiếng nhất là quyển Nguồn gốc các loài được xuất bản vào năm 1859. Khoảng 25 năm sau, tức vào năm 1883, em họ của Darwin là nhà nhân chủng học Francis Galton đã đưa ra thuật ngữ thuyết ưu sinh, sau thời gian bị ám ảnh bởi những công trình nghiên cứu của người anh. Ông cho rằng ưu sinh là một môn khoa học xử lý mọi tác động theo hướng cải thiện chất lượng giống loài ở khía cạnh bẩm sinh; cũng như nghiên cứu cách thức giúp hoàn thiện chủng tộc thông qua các lựa chọn về di truyền. Từ đó, nhà nhân chủng học này tin tưởng rằng cần phải lựa chọn những đặc điểm tốt đẹp nhất về mặt thể chất lẫn tâm lý để tạo ra những con người hoàn hảo nhất, cải thiện cả xã hội theo hướng ưu việt hơn, theo báo Daily Mail.
Ông Galton đã được phong hiệp sĩ vì những đóng góp khoa học. Những báo cáo và giải thích về thuyết ưu sinh của ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động phong trào ưu sinh ở Anh và Mỹ. Bắt đầu từ Anh, phong trào triệt sản hoặc sát hại những người có khiếm khuyết, thuộc nhóm “bị thoái hóa” được nhiều nước áp dụng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhân vật ủng hộ và áp dụng tinh thần thuyết ưu sinh một cách triệt để và cực đoan nhất chính là nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler. Bản thân ông này đã khuếch đại tinh thần học thuyết theo hướng xây dựng giống loài thượng đẳng và giết sạch cái gọi là nhóm hạ đẳng.
Với những hành động quá khích và ý đồ diệt chủng điên rồ của Đức Quốc xã, thế giới ngày nay luôn muốn chối bỏ thực tế rằng đã có lúc con người tìm cách loại bỏ những cá thể mang gien không mong muốn để “cải tạo giống nòi”. Thế nhưng, những hình ảnh vừa được Thư viện Quốc hội Mỹ công bố đã vạch trần vết sẹo xấu xí, chứng tỏ phe ủng hộ thuyết ưu sinh thực sự đã đạt được những bước tiến đầy quan ngại vào đầu thế kỷ 20.
Thời kỳ đen tối của thuyết ưu sinh1
Những người bị liệt vào dạng cần phải loại khỏi kho gien chung của nhân loại thời đó
Những chứng cứ đầy ám ảnh
Trong một bức ảnh vào năm 1912, những đứa trẻ của một gia đình người Anh bị còi cọc đã được Tổ chức Eugenics Society ghi hình nhằm chứng tỏ rằng căn nguyên của tình trạng này là di truyền và có thể được kiểm soát thông qua sinh sản chọn lọc. Ở một tấm ảnh khác, các gia đình ngụ tại bang Kansas (Mỹ) cùng nhau so tài trong cuộc thi “Gia đình khỏe nhất” vào năm 1925, với mục tiêu tìm kiếm gia đình hoàn hảo nhất về mặt ưu sinh ở Mỹ. Còn trong một bức ảnh chụp năm 1912, một đứa trẻ bị hở hàm ếch lọt vào ống kính ở London, để chứng tỏ những trường hợp tương tự không nên được phép sản sinh hậu duệ.
Trang web của Thư viện Quốc hội Mỹ cho hay vào năm 1907, Tổ chức Giáo dục ưu sinh đã được thành lập tại xứ sở sương mù, bắt đầu quảng bá các biện pháp triệt sản và cấm kết hôn ở những người “yếu” và có nhược điểm gien thể hiện bên ngoài, với mục tiêu ngăn chặn sự thoái hóa của dân số Anh. Để thuyết phục giới chức cầm quyền và lập pháp, những người ủng hộ thuyết ưu sinh lập luận rằng những đặc điểm di truyền “không mong muốn” như lùn, còi cọc, điếc hoặc thậm chí những dị tật nhỏ như hở hàm ếch cũng cần bị xóa sổ khỏi kho gien chung của mỗi nước. Các nhà khoa học tiến hành đo đạc hộp sọ của tội phạm trong nỗ lực loại bỏ tội ác khỏi xã hội, và thậm chí có những đề xuất loại bỏ cả gia đình, dòng tộc chỉ vì màu da của họ.
Một năm sau, nhà thần kinh học James Crichton-Browne đã đệ trình “chứng cứ” trước Ủy ban Hoàng gia về chăm sóc và kiểm soát sức khỏe tâm thần của Anh và đề xuất triệt sản cưỡng bức đối với mọi cá nhân có vấn đề về đầu óc và thiểu năng trí tuệ. Nghị sĩ Winston Churchill, sau này là thủ tướng thời chiến lừng lẫy của Anh, đã ủng hộ quyết định trên. Kế đến, vào năm 1931, nghị sĩ Công đảng Archibald Church đã giới thiệu dự luật áp dụng biện pháp triệt sản bắt buộc đối với một số dạng “bệnh nhân tâm thần” tại quốc hội. Dù dự luật bị bác, nhưng điều này cũng không ngăn được nhiều trường hợp triệt sản thông qua nhiều hình thức cưỡng bách, theo trang tin Quartz.
Trong khi đó, từ năm 1907, Mỹ đã buộc triệt sản đối với đàn ông, đàn bà, trẻ con bị liệt vào dạng “điên, ngu si, khờ khạo, ngốc hoặc bị động kinh”, và đa số nạn nhân bị phẫu thuật mà không được thông báo hoặc giải thích chuyện gì đang chờ đón họ. Đến năm 1938, tổng cộng có đến 33 tiểu bang cho phép triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ có khả năng nhận thức hạn chế. Cùng thời gian này, 29 tiểu bang thông qua luật tương tự đối với những người có vấn đề về gien di truyền. Luật tại Mỹ cũng hạn chế quyền lập gia đình ở những người khuyết tật. Thế nhưng, đôi khi mọi chuyện còn đi xa hơn thế. Một viện tâm thần ở bang Illinois đã ban “cái chết êm ái”, hay còn gọi là an tử, cho các bệnh nhân bằng cách khiến họ nhiễm lao, với mục tiêu chặt đứt mối liên kết yếu ớt trong nòi giống nhân loại.
Nhiều nước khác đã thông qua luật triệt sản như Mỹ vào thập niên 1920 và 1930, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan. Tuy nhiên, khi những ý tưởng này bắt đầu bám rễ và lây lan mạnh mẽ ở Đức thời Hitler, thế giới kinh hoàng chứng kiến thảm cảnh diệt chủng đối với dân Do Thái, và kể từ đó, thuyết ưu sinh trở thành một từ ngữ đồng nghĩa với sự xấu xa. Khi mà mặt xấu xa nhất của nó đã bị phơi bày, giới hữu trách các nước đột nhiên phát hiện khó có thể thanh minh về hành động triệt sản bắt buộc đối với những người “có vấn đề”. Thế là mọi luật liên quan dần dần bị hủy bỏ vào thập niên 1940, và kế đến lịch sử đã được viết lại, với thuyết ưu sinh gắn liền với Đức Quốc xã, còn mọi nước liên quan đều phủi tay sạch sẽ.
Tuy nhiên, sau gần 100 năm, sự xuất hiện của những tấm hình đầy ám ảnh một lần nữa đã khơi gợi hồi ức tối tăm, cho thấy triệt sản hoặc giết người không dừng lại ở ý tưởng của người Đức, mà kẻ đồng lõa chính là cả thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.