|
Thói xấu thành… thói quen !
Vừa qua 3 bài hát của Sơn Tùng M-TP là Cơn mưa ngang qua, Đừng về trễ, Em của ngày hôm qua bị phát hiện “mượn” bản phối (beat) của một số bài hát Hàn Quốc mà không xin phép, không rõ nguồn gốc và tên tác giả. Thực ra việc mượn bản phối của người khác để sáng tác đã trở nên phổ biến trong giới làm nhạc underground và lan sang cả giới chuyên nghiệp. Thói xấu này đã trở thành thói quen và không ít người làm nhạc coi đây là chuyện bình thường. Thậm chí một nhạc sĩ cho rằng việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, đây là xu hướng sáng tác của giới trẻ mà thế giới đã áp dụng từ cách đây hàng trăm năm.
Sự việc đã có thể chìm đi (giống như việc chấp nhận thói quen vay mượn lâu nay trong nhạc Việt) nếu như nhạc sĩ Dương Khắc Linh không đăng đàn cho biết phía nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc đã rất phẫn nộ khi phát hiện các bài hát của Sơn Tùng. Dưới góc nhìn của người đã học tập và làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc nhiều năm tại nước ngoài, Dương Khắc Linh nói rõ: “Hòa âm chiếm tới hơn 50% thành công của bài hát, nhất là đối với các bài hát mang tính giải trí, vì thế việc Sơn Tùng lấy beat của người khác là không chấp nhận được”. Nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ: “Việc sử dụng beat có sẵn của nước ngoài để sáng tác ca khúc và không ghi nguồn là điều rất tồi, là thói hư, tôi không thấy một xu hướng sáng tác âm nhạc tiến bộ nào như thế hết, đó là cách dân amateur chơi nhạc như một trò giải trí”.
|
Vì đâu nên nỗi ?
Một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến chuyện đi “mượn” nhạc là trong suốt một thời gian dài, cho đến nay nhạc Việt chưa thực sự coi trọng vai trò của nhạc sĩ phối khí. Trong khi thực tế nhạc sĩ phối khí đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho thành công của bài hát, như nhận xét của nhạc sĩ Việt Anh: “Đôi khi họ là người quyết định thành bại cho cả tác phẩm”. Còn theo lời nhạc sĩ phối khí kỳ cựu Thanh Phương thì “nhạc càng hay càng nhờ tài người phối. Nếu nhạc sĩ viết giai điệu giống như người vẽ nên các nét cơ bản cho bức tranh, thì nhạc sĩ phối khí lại giống như người tô màu làm cho bức tranh sinh động, lôi cuốn”.
Vậy nhưng khi nói đến tác giả bài hát, người ta thường nghĩ ngay đến nhạc sĩ sáng tác giai điệu, trong khi công sức của nhạc sĩ phối khí lại dễ dàng bị lãng quên. Một giải thưởng âm nhạc lớn như Bài hát yêu thích cũng không có mục nào dành cho nhạc sĩ phối khí. Còn nhớ năm ngoái, bài hát Chiếc khăn piêu đã giành giải Bài hát của năm. Nhìn nhận một cách công bằng thì sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho được “sống lại” là nhờ công lớn của nhạc sĩ phối khí Nguyên Lê, nhưng vị nhạc sĩ gốc Việt này đã không hề được nhắc tên khi bài hát được trao giải. Và luật Sở hữu trí tuệ cũng chỉ quy định chung chung cho tác giả bài hát, không có bất cứ quy định cụ thể nào cho nhạc sĩ phối khí. Đến giờ, gần như chưa có một nhạc sĩ nào được bảo vệ tác quyền cho các bản hòa âm phối khí. Cách đây mấy năm, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đi đăng ký tác quyền cho 3.000 ca khúc mà anh đã phối khí. Việc nhạc sĩ phối khí đòi quyền lợi cho mình đã làm xôn xao cả giới làm nhạc trong nước. Trong khi ở một nền âm nhạc chuyên nghiệp, đó là chuyện “thường ngày ở huyện”, luật pháp quy định rõ ràng và cụ thể quyền lợi của các tác giả trong từng khâu sáng tác đã được chuyên môn hóa: viết lời, giai điệu, hòa âm - phối khí.
Nếu thiếu, ắt phải đi “mượn” của người khác. Câu chuyện đạo nhạc sẽ vẫn còn tiếp tục khi nguyên nhân gốc rễ không được giải quyết, đó là số lượng nhạc sĩ phối khí chuyên nghiệp và có khả năng sáng tạo chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một nhạc sĩ phối khí kỹ tính như Đỗ Bảo đã không ngại nhìn vào sự thật: “Nhạc sĩ Việt Nam ta lúc này trình độ rất hạn chế, phần đông giống như đang làm thợ và điều này là do áp lực của cuộc sống. Tôi cho rằng sự ảnh hưởng trong âm nhạc là chuyện bình thường, chứ việc mượn nhạc của người khác thì không thể nào chấp nhận được. Có rất nhiều việc nho nhỏ nhưng làm người Việt mất phẩm giá và tôi nghĩ đó là tổn thất siêu lớn, là sự giả dối siêu lớn”.
Minh Ngọc
Bình luận (0)