14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương do ‘thu không đạt’

08/12/2015 16:54 GMT+7

Liên quan đến thông tin 14 bệnh viện trong tỉnh Đắk Lắk hết tiền trả lương, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này nói “không do lạm chi mà do nguồn thu không đạt”.

Liên quan đến thông tin 14 bệnh viện trong tỉnh Đắk Lắk hết tiền trả lương, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này nói “không do lạm chi mà do nguồn thu không đạt”.

Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều nay 8.12 về thông tin 14 bệnh viện trong tỉnh thiếu hụt nguồn chi lương, dẫn đến chậm trả lương tháng 11 cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công nhân, viên chức, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết trong tuần sau các bệnh viện trong tỉnh sẽ có nguồn lương cấp từ ngân sách để chi lương đến tháng 12.
Ông Long cho biết thêm, ngày 30.11 vừa qua Sở Y tế đã gửi công văn đề nghị Sở Tài chính Đắk Lắk “bổ sung kinh phí chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp do nguồn cải cách tiền lương năm 2015 không đạt” và đã được Sở Tài chính đồng ý làm thủ tục để UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định chi trong những ngày tới.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, hiện có 14 bệnh viện trong tỉnh hụt nguồn thu lớn so với dự toán ban đầu. Dự toán thu năm 2015 của 14 bệnh viện là gần 311,6 tỉ đồng nhưng ước chỉ thực hiện được gần 282 tỉ đồng, hụt thu tới 29,6 tỉ đồng; trong đó hụt nguồn cải cách tiền lương (35%) hơn 15 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền các bệnh viện nợ lương người lao động.
Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Lao - bệnh phối là những đơn vị thu không đủ dẫn đến thiếu nguồn chi lương - Ảnh: Ngọc Quyền
Theo thống kê, Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ hụt thu nguồn cải cách tiền lương (35%) nhiều nhất: (3,2 tỉ đồng); tiếp đó là Bệnh viện đa khoa TP.Buôn Ma Thuột (3,1 tỉ đồng), 12 bệnh viện còn lại chủ yếu ở các huyện; thiếu ít nhất là Bệnh viện Tâm thần (131 triệu đồng).
Ông Trần Vũ Sơn, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Sở Y tế Đắk Lắk, giải thích theo quy định (tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập), trong nguồn thu của các bệnh viện, sau khi trừ các chi phí khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân thì số tiền còn lại được sử dụng theo tỉ lệ: 65% dành cho chi thường xuyên, lập quỹ (phúc lợi, khen thưởng, dự phòng); 35% còn lại đưa vào quỹ cải cách tiền lương (trong trường hợp có biến động tăng lương).
Ông Sơn cũng cho biết trước đây lương được ngân sách chi trả hoàn toàn cho các đơn vị y tế, nhưng những năm gần đây do thu ngân sách trên địa bàn khó khăn, UBND tỉnh đã yêu cầu các bệnh viện sử dụng 35% quỹ cải cách tiền lương để chi lương. “Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn thu chung của các bệnh viện, dẫn đến nguồn 35% cũng thiếu nên không bảo đảm chi đủ lương”, ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, năm 2014 cũng đã xảy ra tình trạng thiếu tiền lương, Sở Y tế đã đề nghị Sở Tài chính Đắk Lắk cấp bổ sung 5,7 tỉ đồng; năm nay đề nghị cấp bổ sung hơn 16 tỉ đồng; trong đó cấp cho 14 bệnh viện hơn 15 tỉ đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Doãn Hữu Long nhấn mạnh việc thiếu nguồn chi trả lương tại các bệnh viện hoàn toàn không do lạm chi mà là do nguồn thu không đạt. Ông Long giải thích: thường thì các đơn vị trong ngành khi lập dự toán thu năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước nhưng thực tế thu có thể không đạt do nhiều nguyên nhân. “Các dịch vụ y tế tư nhân bên ngoài đang phát triển mạnh nên có thể người bệnh ít đến bệnh viện công, dẫn đến nguồn thu tại đây ít hơn dự kiến. Đó cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có đánh giá đầy đủ vì sao thiếu hụt nguồn thu tại các bệnh viện”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.