214 thôn, bản vùng đệm rừng đặc dụng chờ tiền hỗ trợ

24/10/2016 08:23 GMT+7

Sau hơn 3 năm chính sách được ban hành, nhưng đến nay 214 thôn, bản thuộc vùng đệm rừng đặc dụng ở các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn không được hỗ trợ kinh phí.

Ngày 1.6.2012, Thủ tướng ban hành Quyết định số 24 về "Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020". Theo đó, hàng năm, mỗi thôn, bản thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Nguồn kinh phí này để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi; gắn sinh kế của người dân với phát triển rừng, đồng thời hạn chế việc phá rừng của người dân.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh này có trên 82.000 ha rừng đặc dụng, trong đó có đầy đủ các loại hình như Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và các khu rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt, với 214 thôn, bản nằm trong vùng đệm. Đến nay, sau hơn 3 năm chính sách được ban hành, chỉ mới có 25 thôn, bản được hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ cũng chỉ được cấp vào năm 2013, còn từ năm 2014 đến nay, 25 thôn, bản trên vẫn chưa được cấp.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND H.Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, là địa phương có tới 37 thôn, bản được thụ hưởng “Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2012-2020” của Chính phủ, nhưng hiện nay huyện này mới có 5 thôn, bản được hỗ trợ kinh phí vào năm 2013. “Chính sách này nhằm kích cầu, tạo điều kiện hỗ trợ về sinh kế cho người dân, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, động viên bà con bảo vệ rừng, không phá hoại rừng. Tuy nhiên, đến nay việc chậm chuyển kinh phí cấp phát của cấp trên đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, phát triển hạ tầng của các thôn bản, đồng thời gây khó khăn cho chính quyền cơ sở khi giải thích với bà con”, ông Khoa nói.
Ông Lê Văn Đốc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận việc chậm trễ trong cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các thôn bản, đồng thời cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do tỉnh thiếu kinh phí, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư cũng chưa kịp thời. “Để cấp kinh phí hỗ trợ cho 214 thôn, bản thuộc vùng đệm rừng đặc dụng, mỗi năm Thanh Hóa phải chi gần 8,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, những năm qua tỉnh thường xuyên bội chi ngân sách nên chưa cân đối được. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cân đối từ nguồn vốn của T.Ư và địa phương để sớm cấp cho các thôn, bản”, ông Đốc hứa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.