3 năm nữa sẽ cảnh báo được chi tiết phạm vi lũ quét, sạt lở đất

12/04/2018 19:33 GMT+7

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ cung cấp cho người dân, cộng đồng những bản tin chi tiết, phạm vi hẹp về lũ quét , lũ ống và sạt lở đất.

Chiều nay, 12.4, tại Hà Nội, Bộ TN-MT đã tổ chức họp báo thường kỳ của ngành trong quý 1, với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quý Kiên.
Liên quan đến bản đồ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc các địa phương phản ánh không đạt hiệu quả và chính xác, ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết để cảnh báo được lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, công tác dự báo mưa phải chính xác. Nhưng thực tế, dự báo mưa vẫn là lĩnh vực khó nhất trong ngành lĩnh vực khí tượng thế giới, ngay cả với những nước có trình độ khoa học, công nghệ dự báo hiện đại như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Còn ở Việt Nam, khó khăn nữa là hệ thống trạm quan trắc đo mưa chỉ đạt khoảng 30 % so với tiêu chuẩn thế giới, trong điều kiện đó phải sử dụng thêm các trạm đo mưa nhân dân đặt tại các nhà dân, nhưng số liệu truyền về không đảm bảo đồng bộ, nên thông tin truyền về không đảm bảo tin cậy, chỉ mang tính chất tham khảo.
Ông Trần Hồng Thái thừa nhận, dù đã cố gắng nhưng công tác dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hạn chế và là điều trăn trở của ngành khí tượng thủy văn. “Trong năm nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ làm việc với các đơn vị chuyên môn trong Bộ TN - MT để rà soát và đánh giá lại hiện trạng về mạng lưới quan trắc. Cố gắng đến 2020 - 2021, chúng tôi sẽ cung cấp được cho người dân và cộng đồng các bản tin cảnh báo chi tiết, phạm vi hẹp dự báo xảy ra lũ quét và sạt lở đất”, ông Thái nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN - MT Trần Quý Kiên cho biết, hiện nay các đơn vị chuyên môn đã hoàn thành bản đồ phân vùng lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc với tỉ lệ 1/10.000 và tỉ lệ 1/25.000, đã chi tiết hơn về khu vực, phạm vi cảnh báo so với bản đồ trước đây. Dự kiến, cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, Bộ TN - MT sẽ bàn giao các tài liệu này để chính quyền các địa phương khai thác, đưa vào công tác phòng chống lũ ống và lũ quét ngay trong mùa mưa bão năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.