31 ha rừng, chỉ thu hơn 40 m3 gỗ

12/07/2012 03:05 GMT+7

Hôm 11.7, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập đoàn kiểm tra công tác tận thu rừng tràm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (H.Xuyên Mộc).

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 1, tại tiểu khu 23 và 24 có khoảng 31 ha rừng tràm bị ngã, gãy đè lên nhau. Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (gọi tắt là khu bảo tồn) có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép thuê nhân công thu dọn vệ sinh kết hợp thu gom. Được sự đồng ý của Sở NN-PTNT, BQL Khu bảo tồn cho ông Nguyễn Văn Phương (ngụ H.Xuyên Mộc) vào tận thu. Theo đó, ông Phương chỉ được tận thu cành nhánh cây tràm có đường kính từ 9 cm trở xuống, còn đường kính từ 10 cm trở lên (dài hơn 1,1 m) phải thu gom, vận chuyển về Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 6 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu).

Quá trình dọn dẹp cây gãy, không được cán bộ BQL Khu bảo tồn kiểm tra, theo dõi nên dẫn đến nhiều vấn đề mờ ám. Cụ thể, theo biên bản xác minh hiện trường cây rừng bị thiệt hại do bão số 1 thì tại tiểu khu 23 và 24, có gần 10.000 cây tràm (trên dưới 10 năm tuổi) bị ngã, gãy. Sau khi nhận được biên bản, Sở NN-PTNT có báo cáo cho tỉnh với ước tính số thiệt hại phải trên 530 m3. Tuy nhiên, sau nhiều tháng "tận thu", ông Phương chỉ đưa về Trạm quản lý bảo vệ rừng số 6 khoảng 500 - 600 lóng gỗ (tương đương hơn  40 m3 gỗ). “Hằng ngày có hơn 10 chiếc cưa máy vào rừng cưa tràm. Họ cưa cả ngày lẫn đêm ròng rã suốt 2 tháng trời. Khi đi vào vị trí khai thác, chúng tôi thấy có những cây đường kính gốc gần nửa mét bị hạ xuống hàng loạt. Vậy mà chỉ có hơn 40 khối gỗ thì quả là khó tin”, một người dân khu 1, xã Bình Châu (H.Xuyên Mộc) nhận xét.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Sung, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, lại nói: "Chỉ có 700 - 800 cây bị ngã gãy. Trong đó, người dân vào cưa trộm trên 100 cây nên chỉ còn đưa về Trạm quản lý bảo vệ rừng số 6 có 500 - 600 lóng thôi”.

Theo kinh nghiệm của người dân, cây tràm trồng được 4 - 5 năm tuổi, có giá trị từ 70 - 80 triệu đồng/ha, còn từ 10 tuổi trở lên phải trên 100 triệu đồng/ha. "Như vậy, hơn 30 ha tràm này, nếu tận thu phải đến hàng tỉ đồng, chứ không thể vài trăm lóng gỗ như hiện nay", một người dân ước tính.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Văn  Nghĩa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng nghi ngờ: "Theo báo cáo số lượng cây tràm ngã, gãy của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thì số lượng gỗ khi thu về phải là hàng trăm khối chứ không thể chỉ có hơn 40 khối được".  Ông Nghĩa đã cho thành lập đoàn kiểm tra để xác minh lại vụ việc nêu trên.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.