39 thuyền viên kêu cứu vì bị bỏ rơi

10/08/2011 23:37 GMT+7

Nợ nước ngoài, tàu vận tải của Công ty TNHH vận tải biển Gia Hải bị bắt giữ. Do không có khả năng thanh toán nên công ty bỏ mặc cho hàng chục thuyền viên tự “bơi” ở nước ngoài. Họ đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Thanh Niên.

Từ tháng 10.2010, tàu vận tải Seahome Sapphire, thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH vận tải biển Gia Hải do ông Vũ Quang làm giám đốc, đã bị bắt giữ tại cảng Male của Maldives. Theo đơn cầu cứu của 19 thuyền viên trên tàu thì từ tháng 12.2010 đến nay, Gia Hải đã không thanh toán tiền lương cho thuyền viên, không cung cấp dầu D.O cho tàu chạy máy phát điện và nước ngọt. Thức ăn trên tàu cũng đã hết, các thuyền viên rơi vào cảnh đói khát.

 
Thuyền viên trên tàu Seahome Shine - Ảnh do thuyền viên cung cấp

Tương tự, 20 thuyền viên trên tàu Seahome Shine (cũng của Công ty Gia Hải) vừa gửi đơn kêu cứu đến Báo Thanh Niên vì bị bỏ rơi tại cảng Kota Kinabalu, Malaysia. Suốt 7 tháng qua, công ty đã không trả lương cho các thuyền viên. Tàu Seahome Shine đã bị cắt lương thực, nước ngọt và dầu kể từ tháng 5.2011. Để tồn tại, các thuyền viên phải đi câu cá và xin cơm gạo, nước ngọt của những tàu gần đó.

Bà Lê Thị Tuyết Hoa, mẹ của thuyền viên Nguyễn Trần Anh (tàu Seahome Sapphire), cho biết bà đã cùng một số thân nhân của các thuyền viên khác nhiều lần liên hệ với ông Vũ Quang để yêu cầu được công ty giải quyết đưa các thuyền viên về nhưng chỉ nhận được những lời hứa. Gần đây, Công ty Gia Hải đã trả lại trụ sở. Điện thoại của ông Quang cũng không thể liên lạc được khiến người nhà càng lo lắng. Người thân đã chủ động gửi tiền sang Maldives để tự đưa các thuyền viên về nhưng cũng không được do hộ chiếu của các thuyền viên đã bị cảng vụ thu giữ.

Chúng tôi đã đến trụ sở của Công ty Gia Hải tại 223 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thì bảo vệ tòa nhà cho biết công ty đã trả lại văn phòng cả tháng nay. Chúng tôi cũng đã liên lạc bằng điện thoại cho ông Quang nhưng điện thoại luôn nằm ngoài vùng phủ sóng.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cả hai con tàu trên đều là tài sản của Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC2, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho Gia Hải thuê theo hình thức cho thuê tài chính. Một lãnh đạo của ALC2 cho biết mặc dù trên danh nghĩa là tài sản của ALC2 nhưng việc quản lý, khai thác và sử dụng con tàu là thuộc quyền của Gia Hải. Do Công ty Gia Hải có nợ nhiều đại lý và đối tác nước ngoài nên đã bị nước ngoài giữ lại. Để đưa tàu và thuyền viên trở về, bắt buộc phải giải quyết hết các khoản nợ nhưng Công ty Gia Hải đã mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, một ngày neo đậu ở cảng là một ngày phát sinh thêm chi phí. ALC2 đã tính đến chuyện trả nợ giùm cho Gia Hải trước để đưa tàu về nhưng phương án này có nhiều bất cập, vì không thể rút tiền nhà nước để trả nợ cho một công ty tư nhân. Để bảo vệ tài sản nhà nước và tính mạng các thuyền viên trên tàu, ALC2 đã có tờ trình đến các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Sở Ngoại vụ, Công an, Sở Tài chính TP.HCM… để tìm hướng giải quyết và đang nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa tàu về.

Được biết, ngoài 2 con tàu này, Gia Hải còn có thêm 1 tàu vận tải khác cũng lâm vào tình trạng tương tự, đang bị nước ngoài giữ.

Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.