60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 5: Cuộc chia ly trong những cuộc chia ly

18/07/2014 03:05 GMT+7

Là một người lãnh đạo cấp cao của Đảng, gia đình Tổng bí thư Lê Duẩn cũng chịu cảnh chia ly sau khi hiệp định Genève được ký kết.

Là một người lãnh đạo cấp cao của Đảng, gia đình Tổng bí thư Lê Duẩn cũng chịu cảnh chia ly sau khi hiệp định Genève được ký kết.

60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 5: Cuộc chia ly trong những cuộc chia ly
Tổng bí thư Lê Duẩn và một số người con, cháu vào năm 1982 - Ảnh: Gia đình cung cấp

Trở lại miền Nam

Thời điểm hiệp định ký kết, Tổng bí thư Lê Duẩn, được nhiều vị lãnh đạo thân mật gọi là anh Ba, là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ cương vị Bí thư Xứ ủy Nam bộ (sau đổi thành Trung ương Cục miền Nam).

Chúng tôi đã trực tiếp trò chuyện với ông Lê Kiên Thành (một trong những người con của ông Lê Duẩn). Ông Thành sinh năm 1955, con của bà Nguyễn Thụy Nga - người vợ miền Nam của Tổng bí thư Lê Duẩn. Từ những chia sẻ của cha mẹ và gia đình trong những năm tháng lớn lên và trưởng thành, cho đến giờ ông Thành vẫn còn nhớ nhiều chuyện về những tháng ngày đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Lần đầu tiên ông Thành công bố lá thư tay của Tổng bí thư Trường Chinh viết ngày 22.7.1954 gửi cho cha ông (sau khi hiệp định ký kết 1 ngày). Lá thư có đoạn: “Anh Ba! Tin thắng lợi ngoại giao anh đã rõ. Nhưng đây mới là thắng lợi bước đầu, còn phải đấu tranh gay go, phức tạp nhiều nữa mới đạt được mục tiêu của chúng ta. Vấn đề trước mắt bây giờ là tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, bộ đội và đồng bào để đánh thông tư tưởng, đạt tới sự nhất trí, trên dưới một lòng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bác, của Trung ương và Chính phủ (...) Thì giờ gấp quá không viết được nhiều. Mong anh vào Nam bộ thuyết phục cho anh chị em và bà con trong đó nhận rõ vấn đề đình chiến và điều chỉnh khu vực đóng quân, có kết quả tốt”. Lá thư cũng đề cập việc ông Lê Duẩn vào nam là do chỉ thị của Bác Hồ và Bộ Chính trị. Lý do là “vì chúng tôi biết rằng cán bộ, đồng bào trong nam rất tin tưởng ở anh; việc giải thích trong đó rất là khó, cần phải người có uy tín” (trích thư).

Ông Thành nói: “Mẹ tôi có kể lại, khi về miền Nam, qua những lần tiếp xúc với cán bộ, gặp gỡ đồng bào, thấy trong lớp người ở lại có người lo âu, cha tôi càng băn khoăn ray rứt. Một luồng ý kiến rộ lên lúc đó là ta ráng thêm chút nữa là thống nhất luôn miền Nam, vì ngoài bắc chúng ta thắng lớn trận Điện Biên Phủ, còn trong nam thì đã kiểm soát được phần lớn địa bàn. Một điều đáng tiếc là lúc đó có sự can thiệp của nước lớn. Gần đến thời điểm ký kết hiệp định, phía ta mới được mời vào bàn đàm phán. Điều này hoàn toàn khác xa so với việc ký hiệp định Paris sau này là chúng ta hoàn toàn trên thế thắng”. “Bài học lớn nhất mà cha tôi cảm nhận được từ hiệp định Genève là không bao giờ để vận mệnh đất nước, dân tộc nằm trong tay người khác, để người khác quyết định”, ông Thành nói thêm.

Ngày ngày xuôi ngược các dòng kênh

Theo lời kể của ông Thành, trước ngày 21.7.1954, ông Lê Duẩn lên đường ra bắc báo cáo với Bác Hồ và Trung ương tình hình toàn miền Nam để cùng thống nhất lại những điều khoản quan trọng làm tinh thần cốt lõi phục vụ cho cuộc đàm phán. Ra đến miền Trung (thuộc địa bàn Khu 5) thì bất ngờ hay tin hiệp định đã ký kết. Trên đường quay trở lại miền Nam, nhìn hai bên đường có nhiều người đưa hai ngón tay lên vui vẻ chào nhau (như một lời hẹn hai năm sau sẽ đoàn tụ trong ngày đất nước thống nhất), ông đã bật khóc. Bởi là người trong cuộc, ông dự liệu ngày đó sẽ không dễ dàng đến được, và rồi đây sẽ phải đối mặt, ứng phó với một chặng đường dài đầy cam go phía trước.

Đúng như dự liệu, ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1956 đã không đến theo lộ trình cam kết trước đó của hiệp định Genève. Những tháng ngày ở lại miền Nam của Bí thư Xứ ủy Nam bộ gian nan và nguy hiểm đến tột cùng. Là một người lãnh đạo cấp cao của Đảng, gia đình “anh Ba” cũng chịu cảnh chia ly sau khi hiệp định Genève được ký kết.

Ông Thành bồi hồi nhớ lại: “Chuyến tàu Kéreinsky của Ba Lan là chuyến áp chót, chở khoảng 2.000 người, trong đó có gia đình tôi và bác Sáu Thọ (ông Lê Đức Thọ khi đó là Phó bí thư Xứ ủy Nam bộ) đi tập kết. Suốt quãng đường đi lên tàu, cha tôi không hề nói gì về việc ông sẽ ở lại, có lẽ vì sợ mẹ và chị tôi (bà Lê Vũ Anh) lo lắng quá mức, đi không đành. Khoảng 12 giờ đêm tàu nhổ nheo, cha tôi mới ôm hôn, nước mắt in dấu mặt mẹ tôi, nói: “Anh thương vợ con anh như thế nào thì anh cũng thương vợ con đồng bào, đồng chí như thế đó, cho nên anh phải ở lại. Em ra miền Bắc ráng nuôi dạy hai con nên người”. “Sau này, khi gặp lại vợ con, những lúc tâm tình trong gia đình, cha tôi trước sau luôn căn dặn một điều là để có cuộc sống đúng nghĩa phải sống với nguyên tắc tình thương, lao động và lẽ phải”, ông Thành nói thêm về một kỷ niệm với người cha.

Dù Bí thư Xứ ủy Nam bộ bí mật ở lại miền Nam nhưng sau đó phía địch vẫn phát hiện, vì như lời kể của ông Thành, “qua theo dõi họ không thấy Bí thư Xứ ủy Nam bộ xuất hiện ở miền Bắc hay ở đâu cả”. Những cuộc “khủng bố trắng” từ đó bắt đầu. “Thoát được những cuộc “khủng bố trắng”, bố tôi kể là nhờ may mắn, sự cảnh giác của bản thân, nhưng đặc biệt là nhờ sự kiên trung của những cán bộ, chiến sĩ thân cận. Có những năm tháng cha tôi để râu dài để ngụy trang. Ngày ngày cứ ở trên xuồng xuôi ngược các dòng kênh nhằm tránh sự truy lùng, bắt bớ”.

Dự liệu sẽ ở lại miền Nam 20 năm để đấu tranh vì khát vọng hòa bình, thống nhất nhưng 4 năm sau ngày hiệp định Genève ký kết, ông Lê Duẩn ra bắc theo sự điều động của Trung ương. Trở lại miền Nam vào trưa 8.5.1975 cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, theo hồi ức của ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt), trước nhiều vị lãnh đạo hai miền, ông đã thẳng thắn bộc bạch ngay khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất: “Không một người nào được nói chiến công này là của mình. Để giải phóng được riêng Sài Gòn này đã có mấy ngàn bà mẹ mất con rồi...”.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.