Ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo dịp Tết: Không phải chuyện cá biệt!

10/02/2009 00:09 GMT+7

Từ phản ánh của hàng loạt bạn đọc gửi về những ngày qua, PV Thanh Niên tiếp tục tìm hiểu và kết quả cho thấy tình trạng cán bộ cơ sở ăn chặn, địa phương khấu trừ... tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán 2009 không phải là cá biệt. Nghe đọc bài

Hà Tĩnh: Tiếp tục rà soát việc hỗ trợ   

Chiều 9.2, UBND tỉnh Hà Tĩnh triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các huyện và sở, ban, ngành liên quan để nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý việc tiền tết hỗ trợ cho người nghèo bị chia "nhầm" đối tượng.

Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, qua kiểm tra bước đầu ở các xã bị người dân tố cáo, đều phát hiện tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết không đến tay hoặc đến nhưng dân được nhận rất ít. Tại thôn Minh Tiến, xã Đức Đồng (Đức Thọ), đến ngày 3.2 (tức ngày 9.1 âm lịch), trưởng thôn mới chỉ cấp cho mỗi hộ nghèo 200.000 đồng; nhiều hộ không nghèo vẫn được xóm, xã đưa vào diện nghèo để được nhận hỗ trợ. Tại xã Đức Châu (Đức Thọ), xóm 5 xã Tùng Lộc (Can Lộc) và 26 xóm khác ở H.Kỳ Anh, tiền hỗ trợ được cào bằng chia đều cho cả xóm, không phân biệt giàu nghèo.

Tại Nghệ An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chiều qua cũng cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát việc cấp tiền hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết Kỷ Sửu. Nơi nào phân phát sai sẽ phải thu hồi và cấp phát lại theo đúng quy định của Chính phủ.

Ở các xã Đức Tùng, Đức Yên (Đức Thọ), xã và xóm giữ lại tiền mà không cấp đủ cho hộ nghèo. Thậm chí tại xã Thạch Tiến (Thạch Hà), tiền hỗ trợ được cấp “nhầm” cho người... không nghèo để mua điện thoại di động, trong khi một số hộ thực sự nghèo lại không được đồng nào. Một số xã như Hương Bình, Hòa Hải, Phú Gia (Hương Khê) thì mỗi hộ nghèo chỉ được cấp từ 100.000 đồng - 110.000 đồng/khẩu; số tiền còn lại trưởng xóm tự quyết chia đều cho những hộ khác từ 47.000 - 50.000 đồng/khẩu, kể cả hộ giàu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã chỉ đạo lãnh đạo các huyện, sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ các xã việc cấp phát tiền hỗ trợ dân nghèo ăn Tết, địa phương nào làm sai phải xử lý nghiêm, nơi nào cấp phát sai phải thu hồi ngay để cấp lại cho đúng đối tượng. 

Khánh Hoan

Quảng Nam: Dân quây chủ tịch xã hỏi tiền Tết

 
Người dân xã Bình Giang tìm gặp chủ tịch xã để trình bày chuyện bất công trong phân phát tiền hỗ trợ Tết - Ảnh: Lê Huy
Suốt buổi sáng 9.2, gần 100 người dân thuộc diện hộ nghèo ở xã Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam) đã đến vây kín phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã bày tỏ chung một bức xúc là họ đều thuộc diện hộ nghèo nhưng không được nhận tiền của Chính phủ hỗ trợ ăn Tết. Ông Trần Văn Vinh (tổ 2, thôn 1) cho biết ông có 4 con, trong đó 2 người bị tàn tật, mất trí, nhà thuộc diện hộ nghèo nhưng không được nhận đồng nào. Hộ bà Trần Thị Đành (tổ 20, thôn 4) có 3 con, diện hộ nghèo cũng không được cấp tiền hỗ trợ Tết. Hay như hộ Lê Thị Liễu, Nguyễn Tấn Châu, đều nghèo khó cũng không được nhận tiền hỗ trợ... Ngoài ra, người dân cũng phản ảnh việc chính quyền từ xã tới thôn thực hiện cấp phát tiền Chính phủ hỗ trợ dân nghèo ăn Tết không công khai, vị nể tình cảm bà con, thân quen nên có những hộ khá giả vẫn được nhận tiền, trong khi một số hộ đau yếu, bệnh tật hiểm nghèo lại không được xét diện hộ nghèo, không có tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, thừa nhận những sai sót vừa qua là do cán bộ cơ sở chủ quan, việc bình xét hộ nghèo chưa đúng. Ông Anh cho biết ngay trong ngày hôm nay (10.2) xã sẽ cử cán bộ kiểm tra, rà soát lại để thu hồi số tiền cấp không đúng đối tượng.

Tương tự, người dân các xã Bình Sa, Bình Tú, Bình Lãnh (Thăng Bình) cũng phản ánh bị các “quan thôn” ăn chặn tiền Chính phủ hỗ trợ Tết. Tại H.Quế Sơn, ông Võ Thuật, Chủ tịch UBND huyện cho biết chỉ riêng 2 thôn Lộc Sơn (Quế Minh) và Châu Sơn (Quế An), khi huyện trực tiếp kiểm tra đã phát hiện việc cấp phát sai đối tượng quá nhiều. Chưa hết, nhiều hộ nghèo ở Quế Sơn cũng chưa được nhận đủ số tiền theo quy định, có trường hợp 1 hộ với 5 khẩu chỉ được nhận 600 ngàn đồng. Ông Thuật cho biết huyện đã cử nhiều đoàn công tác đi về 14 xã thị trấn kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này.

Lê Huy

Trà Vinh: Chủ tịch tỉnh gửi công văn khẩn yêu cầu kiểm tra

 
Ông Phạm Văn Quyến đang đứng trước con lộ nông thôn mà ông bị trừ tiền ăn Tết - Ảnh: Mai Trâm
Chiều ngày 9.2, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết ngay sau khi Thanh Niên ngày 9.2 phản ánh việc nhiều người dân ở Trà Cú chưa được nhận tiền Chính phủ trợ cấp Tết, sáng cùng ngày Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Hoàn Kim đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND H.Trà Cú yêu cầu kiểm tra lại sự việc báo nêu, đồng thời báo cáo về UBND tỉnh nguyên nhân chậm trễ phát tiền cho dân. Cùng ngày, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tiến hành hành rà soát, kiểm tra lại quy trình thực hiện việc cấp phát tiền Chính phủ trợ cấp cho dân tại các huyện, thị còn lại để báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trong một diễn biến khác, chiều 9.2 PV Thanh Niên đến ấp Bờ Kinh 2, xã Mỹ Hòa, H.Cầu Ngang, tiếp xúc với nhiều người dân đang khiếu nại về việc tiền Chính phủ hỗ trợ ăn Tết bị chính quyền xã cấn trừ vào tiền làm đường nông thôn của xã, mà các hộ dân còn thiếu cách đây 5 - 6 năm. Ông Phạm Văn Quyến và ông Phạm Văn Luyến, đều là gia đình liệt sĩ, bức xúc cho biết: hiện ấp 2 có 70 hộ được hưởng tiền trợ cấp Tết thì cả 70 hộ đều bị xã trừ theo định mức. Hộ nào nhận được 1 triệu thì bị trừ 300 ngàn, nhận 800 ngàn thì bị trừ 200 ngàn, nhận 600 ngàn thì bị trừ 100 ngàn... Ông Trương Văn Mên, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa, khẳng định việc trừ cấn nợ tiền tại ấp Bờ Kinh 2 không phải là chủ trương của xã, mà do ấp gợi ý, vận động, nhân dân tự nguyện trả (?!)...

Riêng về thông tin nhiều người nghèo tại xã Đức Mỹ, H.Càng Long phản ánh đến nay họ cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ ăn Tết, bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh cho biết trước đó UBND H. Càng Long báo cáo về tỉnh là đã cơ bản hoàn thành việc cấp phát tiền ăn Tết cho dân. “Nhưng chúng tôi sẽ cho kiểm tra vụ việc ngay trong ngày mai (10.2)”, bà Bình nói.  

Mai Trâm

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm

Chiều 9.2, trao đổi qua điện thoại, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo yêu cầu các địa phương cho kiểm tra lại chặt chẽ, nếu phát hiện ra các trường hợp vi phạm trong việc chi tiền hỗ trợ Tết của Chính phủ cho người nghèo thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng nhấn mạnh: việc hỗ trợ cho người nghèo không phải là cái gì mới, các địa phương cũng hiểu rõ, nắm chắc hết rồi, còn các sai trái cụ thể đó là do chủ quan của đơn vị, cá nhân ở địa phương. Vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe. Cá nhân làm sai thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, trước mắt các địa phương phải tự kiểm tra, rà soát. Trên cơ sở báo cáo của địa phương, Bộ Tài chính sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra để nắm lại tình hình rồi báo cáo về cách xử lý. Có thể phải có những quy định chi tiết hơn, cái gì thiếu sẽ tiếp tục bổ sung.

Xuân Toàn (ghi)

Phải làm rõ để kiểm điểm

 

Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với Thanh Niên chiều 9.2, Cục trưởng Cục Bảo trợ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Trọng Đàm (ảnh) bày tỏ quan điểm:

- Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, Bộ Tài chính là đơn vị cấp tiền trên cơ sở danh sách các hộ nghèo và khẩu nghèo đã được rà soát theo chuẩn hiện hành. Mức tiền được đưa ra cũng rất rõ, mỗi người nghèo là 200.000 đồng và không quá 1 triệu đồng mỗi hộ gia đình. Các địa phương theo danh sách những hộ nghèo đã rà soát và theo mức tiền Chính phủ hỗ trợ mà cấp. Tuy nhiên, cho tới nay các địa phương làm đã có những sai sót.

* Số tiền và cách thức hỗ trợ đã được nêu cụ thể trong Quyết định 81, vậy theo ông vì sao tới nay lại có chuyện người thì nhận được 50.000 đồng, người lại nhận được 100.000, 200.000 đồng?

- Đó là sự tùy tiện trong triển khai thực hiện tại các địa phương. Có thể nói đó là sai phạm.

* Một số địa phương biện hộ việc người dân chậm nhận được tiền hỗ trợ là do quản lý các hộ nghèo ở địa phương lỏng lẻo, thậm chí không đúng đối tượng?

- Không phải. Việc xác định hộ nghèo có vai trò rất quan trọng của cấp xã. Năm nào Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện rà soát lại các hộ nghèo từ cấp xã, và cấp huyện là đơn vị phê duyệt rà soát đó, sau đó báo cáo tỉnh và tỉnh phê duyệt chung toàn tỉnh. Do đó, xã nói rà soát rồi mà không tin cậy lắm là không thể chấp nhận được. Danh sách những hộ nghèo được nhận hỗ trợ của Chính phủ dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua trên cơ sở kết quả rà soát năm 2008. Nếu sai phạm trong chi trả mà nói là do rà soát chưa chuẩn là không hợp lý.

Kết quả rà soát cuối năm 2008 cho thấy, theo chuẩn nghèo hiện nay cả nước có xấp xỉ 2,4 triệu hộ nghèo với hơn 10 triệu khẩu.

* Ông cho rằng hình thức xử lý những sai phạm trong cấp phát tiền hỗ trợ cho người nghèo nên như thế nào?

- Theo tôi, đã sai thì phải sửa. Nếu cấp sai tiền phải thu hồi lại hoặc đúng đối tượng mà chưa được cấp thì phải bù ngay, mặc dù ý nghĩa của đồng tiền có bị giảm đi. Cán bộ các cấp theo trách nhiệm được phân công làm chưa hoàn thành nhiệm vụ, làm sai thì phải làm rõ trách nhiệm. Các địa phương phải làm rõ để kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tùy mức độ nặng nhẹ phải làm rõ cho đúng người, đúng việc.

* Từ vụ việc này cho thấy một thực tế là tiền hỗ trợ người nghèo chưa hẳn đã đến được với tay người nghèo, ông có nghĩ như vậy?

- Tôi cho rằng sai phạm là cá biệt, không phải ở đâu cũng sai. Chúng tôi nhận được báo cáo của hầu hết các địa phương là đến ngày mùng 5 Tết đã hoàn thành việc cấp tiền cho người nghèo ăn Tết.

Minh Phương
(thực hiện)

>> Ăn chặn tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo
>> Lập đoàn thanh tra vụ chặn tiền Tết cho người nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.