Ba lao động Việt Nam tại Malaysia kêu cứu

13/11/2014 15:30 GMT+7

(TNO) Tin theo lời hứa mức lương 12-20 triệu đồng/tháng, các lao động quê Thanh Miện (Hải Dương) đã vay 1.700 USD nộp cho công ty môi giới để sang Malaysia làm công nhân xây dựng. Nhưng sau gần 2 tháng, lương chưa nhận được, các lao động phải sống trong cảnh khổ sở, nơm nớp sợ bị bắt giữ.

Trong đơn gửi tới Thanh Niên Online ngày 7.11, bà Đỗ Thị Thủy, mẹ của lao động Đặng Tuấn Linh, quê xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, tháng 7.2014, người môi giới cùng xã tên Đỗ Thị Hạnh đã giới thiệu cho gia đình bà cùng hai gia đình khác là Nguyễn Thị Xa và Vũ Văn Quang cho con đi Malaysia làm việc trong ngành xây dựng, ốp lát gạch do Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo quốc tế Sài Gòn (trụ sở tại lô số 1 đường Lương Thế Vinh, TP.Hải Dương) tổ chức.

Theo thông báo tuyển dụng, công ty này liên kết với Công ty cổ phần tập đoàn FLC đưa lao động sang Malaysia, cam kết mức lương tối thiểu 12 triệu đồng/người/tháng (tương đương khoảng 2.000 RM). Nếu làm thêm giờ, tổng mức thu nhập của lao động có thể lên tới trên 20 triệu đồng (hơn 3.000 RM). Chi phí xuất cảnh là 2.000 USD. Lao động nộp 1.000 USD đặt cọc, số tiền còn lại, công ty sẽ cho vay và trừ dần vào lương khi qua Malaysia làm việc.

Bà Thủy trần tình: “Tại chi nhánh công ty ở Hải Dương, nhân viên bật đĩa cho chúng tôi xem nơi ăn chốn ở và nơi làm việc tại Malaysia. Đó là tòa nhà cao tầng đã hoàn thiện, chỉ còn ốp lát bên trong. Ai chưa có nghề thì phụ ốp lát, không phải làm ngoài trời. Phòng ở từ 4 - 6 người, có xe đưa, xe đón. Bữa trưa chủ sẽ cung cấp miễn phí. Con tôi học hết cấp 3, đang thất nghiệp ở nhà, thấy lời giới thiệu hấp dẫn, nên tôi đăng ký cho cháu đi liền”.

 lao-dong-keu-cuu
Gia đình các lao động đến Báo Thanh Niên kêu cứu - Ảnh: H.Bình

Do công ty có chương trình bốc thăm trúng thưởng, nên thay vì phải trả chi phí 2.000 USD, các lao động chỉ phải trả 1.700 USD, trong đó nộp tiền đặt cọc 1.000 USD, còn 700 USD, công ty cho nợ. Ngày 9.9, trước khi lên máy bay, các lao động mới được công ty đưa hợp đồng ký kết. Bản hợp đồng chỉ ghi chung chung, công việc lao động phổ thông. Mức lương cơ bản 1.040 MR/tháng (hơn 6 triệu đồng). Dù thất vọng với bản hợp đồng, song các lao động không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục lên đường sang Malaysia.

Thế nhưng, vừa sang đến nơi, còn chưa ấm chỗ, anh Đặng Tuấn Linh bị cảnh sát bắt giam 5 đêm. Quần áo, tiền bạc mang theo đều bị lột sạch. Phải gọi điện về nhà cầu cứu gia đình, công ty mới cử người đến bảo lãnh cho lao động.

Qua điện thoại gia đình cung cấp, Thanh Niên Online đã liên lạc với anh Đặng Tuấn Linh, anh cho biết: “Điều lo lắng nhất hiện nay là nơi ở không đảm bảo an toàn, tính mạng luôn bị đe dọa. Có hôm chúng tôi đang ngủ, bị bọn xã hội đen gọi xuống khám người để lấy tiền. Tôi không có, chúng hẹn tuần sau sẽ quay lại, nếu ai không có chúng dọa cắt cổ. Cuối tuần vừa rồi, cảnh sát truy quét lao động bất hợp pháp, chúng tôi lại phải chạy trốn. Sống trong mệt mỏi, sợ hãi, chúng tôi không thể yên tâm làm việc”.

Không chỉ lo lắng về an toàn tính mạng, các lao động còn phải đối mặt với bệnh tật. Theo phản ánh của anh Vũ Văn Thuấn, chỗ ăn ở môi trường sinh hoạt không đảm bảo, lộn xộn bẩn thỉu. 30 người/phòng, rận rệp đốt mẩn ngứa khắp người. Nước sinh hoạt, tắm giặt không có, nước uống thì thiếu. “Tôi sang gần 2 tháng, mới được lĩnh lương 2 ngày là 95 RM. Giấy tờ tùy thân không có, tiền ăn cũng không, chẳng dám đi đâu, lúc nào cũng nơp nớp bị cảnh sát bắt giữ. Để sống qua ngày, chúng tôi phải đi làm khoán cho người Việt”, anh Thuấn kể.   

Bà Đỗ Thị Thủy, mẹ anh Đặng Tuấn Linh nghẹn ngào: “Con tôi sốt nặng 20 ngày nay. Từ một thanh niên khỏe mạnh 70 kg, cháu đã sút gần 20 kg. Tôi đã cầu cứu công ty xin cho con tôi về nước cả tháng, họ hứa lần này đến lần khác không giải quyết. Gia đình tôi cũng mong cháu đi có việc làm tốt có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Nhưng từ ngày cháu đi, bao nhiêu chuyện xảy ra, gia đình tôi suy sụp cả về kinh tế lẫn tinh thần”.  

Sẽ đưa lao động về nước trong tuần này

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Thanh Niên Online, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn FLC, đơn vị hợp tác với Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo quốc tế Sài Gòn đưa các lao động trên sang Malaysia phải kiểm tra, báo cáo vụ việc.

Ngày 11.11, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Hiện Công ty FLC đã cử người đại diện sang Malaysia giải quyết vụ việc. Trước mắt, phải đảm bảo lao động về nước an toàn, sau đó sẽ tính đến thanh lý hợp đồng”.

Về mức phí thu của lao động, ông Nam cho hay, thị trường Malaysia là thị trường không đòi hỏi tay nghề cao, rất phù hợp với các lao động nông thôn. Do khó tuyển nguồn nên mức phí hiện tại các doanh nghiệp thu của người lao động chỉ trên dưới 1.000 USD. Theo ông Nam, mức phí thu 1.700 USD như lao động phản ánh là quá cao. “Nếu đúng doanh nghiệp thu như vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu giải trình, làm rõ mức phí thu của người lao động”, ông Nam nói.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đào Công Hải, Trưởng ban Truyền thông, Công ty cổ phần tập đoàn FLC giải thích, việc lao động bị bắt là sự cố đáng tiếc. “Nguyên nhân là do nhóm lao động vừa sang Malaysia đã bị mất hộ chiếu. Khi cảnh sát đến kiểm tra, lao động không có giấy tờ nên bị tạm giữ. Trong thời gian này, chủ lao động đi công tác nước ngoài nên không thể làm thủ tục nhanh chóng. Sau đó, chủ sử dụng lao động đã cử người đến bảo lãnh cho lao động ra khỏi đồn cảnh sát”, ông Hải nói. Về hướng giải quyết vụ việc, ông Hải khẳng định, trong tuần này, công ty sẽ làm thủ tục đưa lao động về nước.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Hải cho hay, công ty đã ra quyết định tạm dừng ngay hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài đối với chi nhánh TP.HCM. Đồng thời yêu cầu chi nhánh báo cáo và giải trình về tình hình hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài và báo cáo sự việc liên quan đến việc liên kết với Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo quốc tế Sài Gòn, Chi nhánh tại Hải Dương.

Hải Bình

>> Lừa đưa đi lao động xuất khẩu
>> Rà soát tình hình lao động xuất khẩu tại Malaysia, Đài Loan
>> Nghiêm cấm liên kết tạo nguồn lao động xuất khẩu
>> Giảm chi phí cho lao động xuất khẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.