Bài toán nợ quốc gia

28/05/2010 02:10 GMT+7

* Bội chi chủ động thì không sợ *Sắp đến ngưỡng mất an toàn Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh) khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội (QH) sáng 27.5 xoay quanh các giải pháp kiểm soát dư nợ quốc gia, khả năng trả nợ cũng như kế hoạch vay nợ để đầu tư vào các “siêu dự án” như đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội... Nghe đọc bài

 

Ảnh:  N.T.D

* Rất nhiều đại biểu QH bày tỏ lo ngại về dư nợ quốc gia đã sắp chạm trần an toàn cho phép. Phó thủ tướng nhìn nhận ra sao trước lo ngại này?

- Nợ quốc gia của mấy nước phát triển đang diễn biến xấu. Ngày nay, nợ quốc gia không chỉ là vấn đề của chính quốc gia ấy, mà đã được thị trường hóa trên thị trường tài chính quốc tế rồi. Tất cả các trái phiếu của người ta phát hành ra đều do các tổ chức tài chính trung gian mua vào, cho nên sẽ ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế của các nước đó mà còn ảnh hưởng tới cả thị trường tài chính tiền tệ, kinh tế toàn cầu. Ta cũng phải đề phòng. Chủ trương của chúng ta từ lâu đã đưa ra hệ số an toàn. An toàn này phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng nước. Có nước người ta có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100%, dưới 100%, còn ta khoảng 50% GDP. Về nợ quốc gia, chúng ta cũng đã có đề phòng rồi vì trong nợ quốc gia của mình, nợ ODA và dài hạn là chính.

* Theo nhiều chuyên gia tài chính thì việc tăng trưởng GDP ở mức nào không quan trọng bằng khả năng trả nợ ra sao. Phó thủ tướng đánh giá thế nào về khả năng trả nợ của nước ta?

- Vay ODA có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất là thời gian vay 30 - 40 năm, thời gian trả nợ rất lâu, khi mình phát triển rồi thì có khả năng trả nợ. Thứ hai là cơ cấu nợ, ngoài khoản nợ quốc gia, phải đưa vốn vào những doanh nghiệp đầu tư có khả năng trả được nợ. Bởi vay cho doanh nghiệp nhưng quốc gia phải đứng ra bảo đảm. Sau thời điểm xử lý nợ của thời kỳ bao cấp, mình đã trở lại là một nước sòng phẳng nợ nần. Giai đoạn tới, mình chuyển từ một nước kém phát triển sang một nước bắt đầu phát triển ở mức trung bình thấp, có thể bắt đầu vay một số khoản nợ dành cho hạ tầng, cho giáo dục đào tạo, làm trường, đầu tư vào các vùng nghèo. Những khoản đầu tư này chưa thể đi vào ICOR ngay được, như làm điện tận miền núi hay làm cơ sở hạ tầng cho các đồng bào vùng sâu vùng xa, đầu tư giảm nghèo, cải tạo đồng ruộng... ICOR(*) thấp. Cho nên mình phải tính một tỷ lệ hợp lý.

Năm nay, Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới để xem trong giai đoạn phát triển trung bình thì mức an toàn bao nhiêu là hợp lý.

Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền phát hành theo qui định của pháp luật. Nợ Chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật VN.

(Trích Điều 3, Luật Quản lý nợ công)

* ICOR là một chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong kỳ đó. Đây là tập hợp các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh Incremental Capital - Output Ratio. Trong tiếng Việt, ICOR còn được gọi là hệ số sử dụng vốn, hay hệ số đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm...

* Thưa Phó thủ tướng, sắp tới chúng ta dự định thực hiện nhiều dự án với số vốn đầu tư rất lớn, như 56 tỉ USD để xây đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, khoảng 100 tỉ USD thực hiện quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội... Với mức dư nợ đã chạm sát trần an toàn như hiện nay thì Chính phủ sẽ tính toán vay nợ thực hiện các dự án trên như thế nào mà vẫn kiểm soát được tổng dư nợ trong vòng cho phép?

- Đó là bài toán tổng thể. Chúng ta vay nợ gồm có ODA, có khoản tài trợ không hoàn lại, có khoản có lãi thấp. ODA thường là của các tổ chức tài chính quốc tế mà một số nước phát triển dành cho mình. Ví dụ như WB, IMF chẳng hạn, nó là quỹ của thế giới, chúng ta là cổ đông có cổ phần trong đó, thuộc loại đối tượng những nước được ưu tiên hơn, phải tranh thủ nguồn đó. Còn các khoản vay khác, phải chuyển dần sang đầu tư. Ví dụ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, lâu nay vẫn để cho nhà đầu tư nước ngoài mua, nghĩa là họ mang vốn vào chứ không phải mình nợ. Trong một số trường hợp mình đi vay để đầu tư 100% thì không ổn. Cơ cấu đầu tư trong tương lai phải thay đổi.

* Thế cụ thể việc thay đổi sẽ như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

- Cái đó còn đang tính. Trong giai đoạn nền kinh tế còn phát triển thấp thì giữ ở mức 50%, nhưng nếu thời gian tới phát triển, tức là làm ra nhiều của cải, tăng thu, khả năng trả nợ lớn hơn thì lúc đó mình có thể vay cao hơn. Cao hơn bao nhiêu thì phải tính. Ngoài việc xem xét tỷ lệ dư nợ mới là bao nhiêu, chúng ta cũng cân nhắc lại cơ cấu, kể cả nợ quốc gia và nợ nước ngoài của Chính phủ, xem Chính phủ vay bao nhiêu, doanh nghiệp vay bao nhiêu. Thứ nữa là thời hạn vay dài hay ngắn, tất cả đều là kỹ thuật chi tiết mà nếu mình không lên một bài toán chiến lược tổng thể, không có tầm nhìn dài thì một lúc nào đó, đến ngày trả nợ mà mình không trả nợ được thì rất bất cập. Chẳng hạn Hy Lạp, hay trước đây như Argentina. Argentina cách đây 5-7 năm cũng lâm vào tình cảnh khủng hoảng nợ quốc gia. Nguyên nhân chính của họ là bảo lãnh cho doanh nghiệp vay quá nhiều, sau đó chuyển từ nợ doanh nghiệp sang nợ chính phủ. Và khi đó Chính phủ trở thành con nợ rất lớn.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Bội chi chủ động thì không sợ nữa

Quan điểm của tôi rất rõ, bản chất nợ không phải là xấu, vấn đề là người ta nói rằng một quốc gia hay một doanh nghiệp kinh doanh được, xài được tiền của người khác là giỏi, chỉ có điều người ta không cho mượn tiền mới là xấu. Chúng ta cần phải xác định muốn phát triển nhanh phải sử dụng tiền người khác. Nhưng sử dụng thế nào có hiệu quả và đặc biệt không để tình trạng không trả nợ đúng hạn. Tránh khuynh hướng là chúng ta không phân tích kỹ rồi chúng ta lo lắng. Bây giờ đầu tư cái gì cũng sợ nợ không dám làm thì lo là đúng, nhưng nếu lo quá không dám vay để làm gì thì chúng ta không phát triển nhanh được.

Tôi đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách phân tích kỹ về cơ cấu nợ hiện nay, nợ quốc gia, nợ Chính phủ, nguồn sử dụng và đặc biệt chúng ta phải dự báo từ nay đến năm 2020 chẳng hạn, hằng năm nợ đáo hạn phải trả bao nhiêu và cân đối sổ nợ đáo hạn phải trả với nguồn thu ngân sách để chúng ta thu trả nợ, còn đầu tư được không. Tất cả cái đó chúng ta gọi là chủ động để chúng ta chuyển quan điểm từ cân bằng ngân sách nhà nước thụ động sang bội chi chủ động để đầu tư, nếu ta chủ động rồi thì chúng ta không sợ nữa.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: VN không phải là nước có gánh nặng về nợ

Cơ cấu nợ hiện nay của chúng ta là vay nợ nước ngoài thì vay trung hạn, dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%, vay Ngân hàng Thế giới có thời hạn 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn lãi suất 0,75%/năm, vay ADD là 30 năm trong đó 10 năm ân hạn lãi suất 1%/năm... Với các dự án vay ODA này chủ yếu cho các trục đường quan trọng và các công trình có tầm cỡ quốc gia. Tôi ví dụ như đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cải tạo QL1, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, cảng Cái Nước, Thị Vải, các công trình điện và thủy điện, thủy lợi... đều đã phát huy tác dụng rất tốt. Chính vì thế cho nên cơ cấu nợ của chúng ta cũng khá bền vững và được các nước đánh giá nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

ĐB Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH: Dư nợ quốc gia tăng hơi nhanh so với mức bình thường

Rõ ràng tăng dư nợ quốc gia trong 3 năm trở lại đây hơi nhanh so với mức bình thường. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, tổng dư nợ của Chính phủ cũng phải tăng tới 44,6% GDP, như vậy thì rõ ràng trần an toàn của chúng ta không còn nhiều nữa và điều hành ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo tôi, GDP cao hay thấp không quan trọng bằng chúng ta có đủ khả năng trả nợ hay không. Muốn vậy, một trong những biện pháp cần thực hiện là rà soát lại chi tiêu tài chính công, cơ cấu lại chi ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách, thận trọng với những dự án đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Cần làm rõ các loại nợ

Chính phủ cần làm rõ trong tổng dư nợ 41,9% GDP năm 2009, nợ Chính phủ là bao nhiêu và trong dư nợ của Chính phủ thì tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp mà Chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu? Các kỳ họp sau cũng phải thể hiện rõ trong báo cáo để các ĐBQH có thể giám sát tốt hơn.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Sắp đến ngưỡng mất an toàn

Dư nợ Chính phủ đến 31.12.2009 đã 41,9% GDP và dư nợ nước ngoài là 38,9%, tuy Chính phủ khẳng định nằm trong giới hạn an toàn cho phép nhưng sắp tới ngưỡng mất an toàn. Một vấn đề nữa tôi cũng như nhiều đại biểu rất lo lắng, đó là chỉ số ICOR ngày càng tăng. Năm 2007 là 5,2%, năm 2006 là 6,6% và đến năm 2009 chúng ta đã trên 8%. Chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư rất thấp, cần làm rõ những nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nguyệt Minh (ghi)

Nguyệt Minh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.