Bàn thêm về chuyện nhân tài

26/01/2005 00:10 GMT+7

Trong giai phẩm Thanh Niên Xuân Ất Dậu (2005), tôi có dành cho đầu năm “Chuyện nhân tài”. Nhân tài là chuyện lớn, cho nên tôi xin được bàn thêm, cũng trong dịp đầu năm.

Trước hết, về mặt lịch sử dân tộc, nhân tài giữ vai trò định đoạt vận nước, tìm nhân tài luôn là nỗi lo hàng đầu của các triều đại, tuyển chọn nhân tài được các triều đại đặc biệt quan tâm. Sự hưng thịnh của một thời thuở trước bao giờ cũng gồm hai vế Minh quân và Lương tể. Vua sáng song đôi với Tôi hiền. Một tiêu chí của Minh quân là chọn được người phụ tá cho mình thuộc Bầy tôi giỏi, sạch. Được xem là Minh quân khi cộng tác với người có tài và ngược lại, hễ triều đình nhiều Lương tể thì đất nước bình trị, phát đạt. Thậm chí, Lương tể tác động khiến đôi Hôn quân thành Minh quân, xã hội bất công và loạn lạc thành xã hội yên bình. Đây là mối tương tác rất biện chứng. Cũng có trường hợp Vua sáng thật nhưng thiếu Tôi hiền, triều chính rối ren. Ý định của vua bị ngăn trở, bị lợi dụng, bị phá hoại. Trong một triều đình mà số đông quan lại bất tài hoặc gian nịnh thì dẫn đến những hậu quả cai trị vĩ mô trăm phần bê bối, kể cả nguy hiểm.

Ở nước ta, thời Trần - những năm lừng lẫy về nội trị, nhất là chống ngoại xâm - kết hợp được sự sáng suốt của các hoàng đế với tài đức của các danh thần. Về danh thần, như ta biết, nổi lên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ngài 3 lần giữ chức Tiết chế binh mã - như Tổng tư lệnh - đánh Mông Cổ, rồi Nguyên Mông. Lần đầu tiên khi làm Tiết chế, Ngài còn rất trẻ - sử ta cho tới nay chưa xác định ngày sinh của Ngài, chỉ biết Ngài mất năm 1300. Lần đầu tiên lãnh trọng mệnh ấy là năm 1257, chắc Ngài ở vào lứa tuổi đôi mươi. Và, cũng thời Trần, khi các vua về sau không còn là Minh quân thì vắng Lương tể - có Lương tể đấy, như Chu Văn An dâng sớ xin chém bảy tên quan cao cấp nhưng không được nghe, ông trả quan về nhà dạy học - và Gian tể lộng quyền, hãm hại người trung, triều Trần sụp đổ.

Một ví dụ khác: Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh khi Ngài mới 36 tuổi, còn khi chinh Nam phạt Bắc, Ngài trẻ hơn, bởi Tây Sơn khởi nghĩa năm 1771, lúc ấy Ngài mới 21 tuổi. Quang trung có nhiều bầy tôi giỏi, sạch phụ tá như Ngô Thời Nhiệm, Ngô Văn Sở... Khi Ngài mất, con nối ngôi lại bất tài, để gian thần tiếm quyền, triều Tây Sơn do đó diệt vong.

Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm đường cứu nước - vào thời đại chúng ta - khi ở tuổi 21. Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta, thảo Cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ vào tuổi 27...

Những ví dụ trên nhấn mạnh: Tài năng, thậm chí thiên tài không phải là chuyện tuổi tác. Tính thời sự của luận đề này nằm ở chỗ, cho đến nay, hình như điều kiện tài năng được đong đếm bằng... thâm niên! Đất nước đã hoàn toàn giải phóng 30 năm. Trong đội ngũ những người lãnh đạo hàng đầu của quốc gia, gần như không có ai ở lứa tuổi này. Ba mươi năm kháng chiến, dân tộc ta trưởng thành gần như vượt bậc. Ba mươi năm xây dựng, đất nước ta cũng trưởng thành vượt bậc. Thế thì, những tác giả chính của bước nhảy vọt ấy hẳn là lớp trẻ. Đây là một vấn nạn cần được giải mã. Lịch sử xa xưa đã làm được chuyện phát hiện và sử dụng nhân tài, lịch sử hiện đại lẽ ra phải tăng nồng độ cho những phát hiện và sử dụng như thế.

Phải chăng quan điểm chọn tài năng của chúng ta chưa vì tài năng, mà theo một thói quen bị đóng khung cứng ngắc? Quy hoạch của các cấp, rộng nhất, lứa tuổi 40 cho cấp thành, cấp tỉnh. Cũng có thể đến độ tuổi 40 thì con người mới chín chắn hơn, kinh nghiệm hơn, song không nhất thiết như vậy, bởi tài năng thật không duy nhất là kết tinh của kinh nghiệm.

Rất khó phát hiện được tài năng và sử dụng tài năng một cách đúng đắn, đôi khi vẫn còn nặng về một loạt tư duy như: phải có tuổi Đảng bao nhiêu đó, phải xuất thân nhiều đời từ tầng lớp cơ bản, phải nằm trong những gia tộc cách mạng “cha truyền con nối”, phải thuộc làu các công thức lý luận chứ không phải quán triệt lý luận đích thực, phải theo cái tuần hoàn “đưa người thứ hai lên ngôi thứ nhất”, đã là “phó” thì gần như chắc chắn sẽ là “chánh”, tài cán và đức độ ra sao, chuyện phụ thuộc!... Bố trí một cấp ủy, một ủy ban còn thêm chuyện cơ cấu, phải có người này người kia đại diện cho thực tế xã hội về dân tộc, tôn giáo, học vấn, ngành nghề... Chắc chắn trong một số tổ chức nhất định thì không thể coi nhẹ cơ cấu, bởi nguyên tắc đại diện và đồng thuận xã hội là một khía cạnh của dân chủ, khía cạnh quan trọng. Nhưng, tổ chức nào mang ý nghĩa tổ chức tập trung trí tuệ thì cái quyết định là người có tài, có đức, người ưu tú nhất trong xã hội. Khi ta nói Đảng Cộng sản là đội tiền phong của dân tộc và của giai cấp thì đã nói tính ưu việt của người đảng viên, “giỏi hơn thiên hạ”, dù giỏi tương đối thôi.

Nhân tài là sản phẩm khách quan, từ xã hội mà ra, từ sự giáo dục chung mà ra, từ thử thách trong cuộc sống mà ra. Nhưng tuyển chọn và sử dụng nhân tài lại thuộc phạm trù trách nhiệm, cách nhìn, cách chọn lựa, cách bố trí của những người lo cho vận Đảng, vận nước...

1/2005
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.