Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.7: 19 tỉnh thành tiếp tục giãn cách xã hội

31/07/2021 19:37 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 31.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau: 

Ngày 31.7: Cả nước ghi nhận 8.624 ca Covid-19

Bản tin dịch tối 31.7 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 31.7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận thêm 4.564 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 8.624 ca. Bộ Y tế cũng công bố thêm 145 ca Covid-19 tử vong từ ngày 19 đến 31.7 tại 6 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca bệnh tử vong lên 1.306 người. Trong ngày cũng có 3.250 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh thành tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày chống Covid-19

Thông tin về 8.624 ca mắc mới được công bố trong ngày 31.7 gồm:
- 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 8.620 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 2.045 ca trong cộng đồng), gồm: TP.HCM (4.180), Bình Dương (2.075), Long An (544), Đồng Nai (456), Khánh Hoà (335), Đồng Tháp (146), Tiền Giang (123), Bà Rịa-Vũng Tàu (115), Bình Thuận (75), Cần Thơ (72), Tây Ninh (72), Phú Yên (58), Đà Nẵng (55), Vĩnh Long (48), Hà Nội (46), Đắk Lắk (32), Bình Định (28), Hậu Giang (19), Kiên Giang (16), Bình Phước (14), Thừa Thiên-Huế (13), Nghệ An (13), Gia Lai (13), Đắk Nông (12), Sơn La (10), Quảng Nam (10), Ninh Thuận (5), Thanh Hoá (5), Quảng Trị (4), Hà Tĩnh (4), Vĩnh Phúc (4), Lâm Đồng (3), Hà Nam (3), Hải Dương (3), Ninh Bình (2), An Giang (2), Kon Tum (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Bình (1), Hải Phòng (1), Bạc Liêu (1).
- Tính đến chiều ngày 31.7, Việt Nam có 145.686 ca mắc Covid-19 trong đó có 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 141.877 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 38.734 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 441 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
- Trong ngày 31.7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng thông báo có 145 ca tử vong do Covid-19 (từ thứ 1162 đến 1306) từ ngày 19 đến 31.7.2021 tại 6 tỉnh, thành phố, gồm:
+ Tại TP.HCM từ ngày 19 - 31.7: 90 ca
+ Tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 21 - 30.7: 47 ca
+ Tại tỉnh Đồng Tháp ngày 31.7: 4 ca
+ Tại tỉnh Long An ngày 30.7: 2 ca
+ Tại tỉnh Quảng Nam ngày 30.7: 1 ca
+ Tại tỉnh Trà Vinh ngày 31.7: 1 ca

Ngày 31.7: Cả nước 8.624 ca Covid-19, 3.250 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.180 bệnh nhân

Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh thành tiếp tục giãn cách xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay, 31.7, vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua.
Đặc biệt, công điện yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.
“Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31.7 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Công điện yêu cầu lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. 
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17.7.2021.
Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP.HCM và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp. Vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.

Bộ Y tế khẳng định không thiếu ô xy y tế điều trị Covid-19

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, số lượng người mắc mới luôn ở mức 4 con số, số lượng bệnh nhân nặng cũng tăng cao, nhu cầu sử dụng ô xy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng tăng theo. Bên cạnh đó, một số thông tin thiếu ô xy y tế phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang khiến người dân vô cùng lo lắng.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, số ca nhiễm còn tăng cao, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn công tác đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ô xy y tế để khảo sát, đánh giá về khả năng cung ứng ô xy y tế cho nhu cầu chống dịch hiện nay.
Qua khảo sát, Bộ Y tế đánh giá nguồn ô xy y tế tại các doanh nghiệp cung ứng cho 18 điểm, bao gồm các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 và cơ sở y tế, đang ở mức cao dù quy mô sản xuất phải thu nhỏ lại theo phương châm 3 tại chỗ.
Trước lời kêu gọi đôn đốc tăng cường sản xuất cung ứng ô xy y tế nhằm phục vụ công tác chống dịch của Bộ Y tế, các doanh nghiệp trong nước đã thành lập những hội nhóm chung để thông tin, san sẻ khó khăn và hỗ trợ nhau nhằm đáp ứng tối đa năng lực sản xuất và cung ứng ô xy đến các bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Trung Hoan, Giám đốc kỹ thuật, Công ty Nippon Sanso, khu vực phía Nam công ty có 3 nhà máy và có thể sản xuất lên đến 310 tấn ô xy lỏng/ngày, dung tích có thể chứa được lên tới 4.000 tấn. Trước tình hình dịch bệnh tăng cao, công ty hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của Bộ Y tế khoảng 153 tấn/ngày.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để không đứt gãy nguồn cung, tạo điều kiện tối đa cho công tác phòng chống dịch của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị sản xuất cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện dã chiến bệnh viện điều trị Covid-19, kiểm tra và lên phương án vận chuyển, dự trữ hợp lý, không để thiếu trong trường hợp dịch bùng phát.

Bộ Y tế khẳng định không thiếu ô xy y tế điều trị Covid-19

Tất cả người dân đang sinh sống tại TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19

Tại buổi họp báo chiều tối 30.7.2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM chủ trương: “Tất cả người dân đang sinh sống tại TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19”.
Ông Dương Anh Đức cho biết, tối 29.7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn 6118 gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc tiêm vắc xin trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó cho phép thành phố tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tiến độ tiêm vắc xin.
Chiều 30.7, TP.HCM đã cụ thể hóa Công văn 6118 khi ban hành văn bản triển khai. Trong đó, TP.HCM tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; vẫn duy trì ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.

Tất cả người dân đang sinh sống tại TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, ngoài những đối tượng ưu tiên được tiêm trước đó, hiện giờ tất cả người dân đang sinh sống tại TP.HCM sẽ là đối tượng được tiêm. Trong tháng 8, sẽ cố gắng cơ bản tiêm bao phủ được 2/3 người trên 18 tuổi, dự tính khoảng 5 triệu liều. Về trình tự tiêm thì thành phố Thủ Đức và các quận/huyện sẽ tổ chức sao cho phù hợp.
Ông Dương Anh Đức cho biết, về tiến độ tiêm chủng đợt 5, từ 14 giờ ngày 22.7 đến chiều 29.7, số lượng tiêm được là 452.339 người. Trong khi mục tiêu trong đợt 5 này, TP.HCM phải tiêm được 930.000 liều, bây giờ đã đạt được trên 50%. Sau khi tiêm xong đợt 5, TP.HCM sẽ triển khai tiêm luôn đợt 6, không chờ.
Về nguồn vắc xin tiêm, ông Đức cho biết sẽ đến từ 2 nguồn: thứ nhất, do Bộ Y tế tiếp tục phân bổ với cam kết, tiêm tới đâu hỗ trợ tiêm tới đó, bảo đảm liên tục. Nhiệm vụ của Thành phố là tổ chức sao cho việc tiêm chủng trôi chảy và tốc độ cao nhất có thể mà vẫn đảm bảo an toàn, không vi phạm các quy định khi thực hiện Chỉ thị 16; thứ 2 là nguồn tài trợ, và 10 giờ sáng 31.7, TP.HCM sẽ tiếp nhận thêm 1 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, ông Đức cho biết TP.HCM sẽ huy động tối đa lực lượng y tế tham gia tiêm chủng, bao gồm cơ sở y tế công và tư; điểm tổ chức tiêm bao gồm cố định và lưu động để đảm bảo việc tiêm vắc xin Covid-19 tiếp cận đến đã ngóc ngách, các đối tượng; không giới số lượng tiêm mỗi ngày; tổ chức tiêm chủng thêm vào buổi tối…

TP.HCM đề nghị người dân không tự ý về quê bằng xe cá nhân trong dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, người dân tại TP.HCM đang tự ý về quê, di chuyển bằng xe cá nhân, không đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, ngày 30.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký 2 văn bản khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Sở GTVT TP.HCM và các sở ngành khác tại TP.HCM phối hợp tổ chức đưa người dân tại TP.HCM đang có nguyện vọng về quê trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, văn bản số 2544 của UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khi có nhu cầu tổ chức cho người dân đang cư trú tại TP.HCM về địa phương, cần gửi kế hoạch tổ chức đưa đón để TP.HCM phối hợp thực hiện; chỉ định cơ quan, tổ chức, hoặc Hội đồng hương tại TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, tổ chức xét nghiệm, thông báo số lượng người dân được tổ chức vận chuyển, địa điểm và thời gian vận chuyển.

KHẨN: TP.HCM đề nghị người dân không tự ý về quê bằng xe cá nhân trong dịch Covid-19

Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh, thành khác chỉ đạo tổ chức vận chuyển tập trung bằng các phương tiện giao thông công cộng: hàng không, đường sắt, đường bộ. Không di chuyển bằng phương tiện giao thông cá nhân; yêu cầu đơn vị cung ứng vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng dịch Covid-19.
Tại TP.HCM, UBND TP.HCM ban hành văn bản 2548, giao Sở GTVT, sẽ là đầu mối của TP.HCM để phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân di chuyển đến các vị trí tập kết trên địa bàn TP.HCM, sau khi UBND TP.HCM nhận được văn bản, kế hoạch của các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư; thông tin đến UBND TP.Thủ Đức và UBND quận, huyện, các đơn vị liên quan về phương thức vận chuyển, số lượng người dân di chuyển theo danh sách, địa điểm cùng thời gian vận chuyển.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở Y tế phối hợp các quận, huyện, TP.Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có tên trong danh sách hoặc kế hoạch di chuyển về quê, được ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất; khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển.
UBND TP.HCM cũng giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện; Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vận động người dân có nguyện vọng trở về địa phương phải chấp hành các quy định phòng chống dịch, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú. Chỉ di chuyển khi có kế hoạch và được sự đồng ý tiếp nhận của tỉnh, thành phố liên quan…

TP.HCM sẽ có thêm 5 triệu liều vắc xin Covid-19

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM triển khai tiêm chủng chống dịch. Với 3 triệu liều đã được phân bổ, ước tính sẽ đáp ứng khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.
Trước đó, ngày 24.7, Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vắc xin Covid-19 năm 2021. Theo đó, TP.HCM sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.
Riêng trong tháng 8, dự kiến TP.HCM sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.
Hôm nay, 31.7, TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell do Công ty Sapharco mua.
Đến nay, TP.HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vắc xin Covid-19 (1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vắc xin và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vắc xin).
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin Covid-19 cho người dân tại TP.HCM, ngày 29.7, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho thành phố và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại Thành phố.

Người dân rời TP.HCM chạy xe máy về quê, CSGT yêu cầu quay đầu

Trên chiếc xe máy, anh Nguyễn Đức Tính (41 tuổi, quê Phú Thọ) chở vợ và con chằng chéo va li, dọn hết đồ còn lại trong tủ lạnh để chạy đến ngã tư Linh Xuân đón xe về quê. Anh Tính cho biết đã liên hệ với nhà xe và nhà xe khẳng định có thể di chuyển về được nên anh mới thu dọn đồ đạc, trả phòng trọ để chở vợ con cùng xuống điểm hẹn để về quê. 

Người dân rời TP.HCM chạy xe máy về quê, CSGT yêu cầu quay đầu

CSTT giải thích hiện nhà xe tư nhân không thể chở khách rời TP.HCM trong bối cảnh này, anh Tính đã gọi nhà xe, đưa điện thoại nhờ công an nói chuyện giúp. Sau một hồi, anh Tính đành chở vợ con quay trở lại TP.
Sáng 31.7, đội CSGT - TT Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) lập chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn giao nhau với đường số 20 (P.Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) kiểm tra người dân ra đường không có việc cần thiết, trong đó chủ yếu là kiểm tra người dân mang theo đồ đạc chạy xe máy về quê.
Theo ghi nhận, vào ngày cuối tuần, đường phố khá vắng vẻ, nhưng vẫn có nhiều người đi xe máy ôm va li, quạt điện, con nhỏ,… chạy xe máy định rời TP.HCM được CSGT kiểm tra, yêu cầu quay đầu xe.

Nhiều trường hợp chạy xe máy về quê trong sáng 31.7 được tổ công tác yêu cầu quay đầu

Vũ Phượng

 

Theo lực lượng trực chốt, TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, người dân không được ra, vào TP và chỉ có thể về quê khi đăng ký qua Hội đồng hương của tỉnh tại TP.HCM hỗ trợ. Dù vậy, mấy ngày qua, lực lượng chức năng vẫn ghi nhận nhiều trường hợp chạy xe máy đổ ra hướng các chốt cửa ngõ để rời TP.HCM về quê. Do đó, bên cạnh các chốt sẵn có, CSGT lập thêm một số chốt ở các tuyến đường có nhiều xe qua lại để ra khỏi TP.

Tất bật tiếp tế khi P.Chương Dương bị phong tỏa

Khi những chốt kiểm soát Covid-19 được dựng lên trên những tuyến đường đi vào P.Chương Dương (thuộc quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) thì cũng là lúc người ta phải vội vàng và tất bật chuyển các nhu yếu phẩm tiếp tế vào bên trong.
UBND Q.Hoàn Kiếm vừa ban hành quyết định thành lập vùng cách ly y tế tại địa bàn dân cư P.Chương Dương từ 0 giờ ngày 31.7 đến ngày 14.8.
Theo quyết định này, Q.Hoàn Kiếm yêu cầu trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly, người dân tại địa bàn P.Chương Dương không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác.
Chủ tịch UBND P.Chương Dương chịu trách nhiệm về thực hiện cách ly y tế toàn bộ phường. Trường hợp các hộ gia đình và cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.

Tất bật tiếp tế khi P.Chương Dương ở Hà Nội bị phong tỏa vì Covid-19

Trước đó, ngày 30.7, theo thông báo từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn P.Chương Dương ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 là một người đàn ông 30 tuổi nhà tại phố Bạch Đằng, làm dân quân thực hiện nhiệm vụ tại chốt phong tỏa. Ngày 28.7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, tiêu chảy. Ngày 29.7, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Theo thông tin từ quận Hoàn Kiếm, ngay lập tức, các trường hợp liên quan đến ca dương tính này đã được điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung theo đúng quy định.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, thông báo của P.Chương Dương cho biết trong đợt dịch từ 30.4 đến nay, toàn địa bàn phường đã phát hiện và xử lý 17 ca F0. Trong đó, có nhiều ca chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.
Hiện nay, tất cả các F0 đã được đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung. Các địa điểm liên quan đều đã được phun hóa chất khử khuẩn môi trường xung quanh.
P.Chương Dương là một phường trọng điểm của Q.Hoàn Kiếm, có diện tích lớn, dân cư đông, rất nhiều người từ các nơi về đây mưu sinh nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm dịch.
Trước đó, phường đã tăng cường lập và bảo vệ các chốt trực, các điểm phong tỏa, cách ly tạm thời cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho những người dân khu cách ly.

Cấm người dân 5 khu phố ở Long Hải ra đường buổi tối

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND huyện Long Điền về việc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý giãn cách xã hội tại thị trấn Long Hải.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý cho H.Long Điền thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý giãn cách xã hội tại thị trấn Long Hải, để hạn chế lây lan, sớm kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể, văn bản này yêu cầu người dân 5 khu phố tại TT.Long Hải thuộc nhóm “nguy cơ rất cao” không ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 19 giờ ngày 30.7 đến khi có thông báo mới.
Các khu phố gồm: Hải Hà 1, Hải Hà 2, Hải Phong 1, Hải Phong 2, Hải Vân.

Tất bật tiếp tế khi phường Chương Dương ở Hà Nội bị phong tỏa vì Covid-19

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu H.Long Điền thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa. Đồng thời, chính quyền tập trung chăm lo chu đáo, sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc, thiết bị y tế cần thiết cho người dân, nhất là hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước chủ tịch UBND tỉnh và người dân nếu để xảy ra trường hợp thiếu thốn.
Trưa 31.7, nhiều tuyến đường, đầu hẻm các khu phố cấm người dân ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, lực lượng chức năng thị trấn Long Hải kiểm soát người ra vào rất chặt chẽ. Những người vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu vào thị trấn Long Hải đều mặc áo bảo hộ phòng chống dịch Covid-19.
Người dân tại 5 khu phố bị cấm ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau được ngành y tế lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19. Tính đến trưa 31.7, H.Long Điền có thêm 85 người nhiễm Covid-19, trong đó tại thị trấn Long Hải có 83 ca.

Dân đội mưa, thay nhau trực chốt để giữ vùng xanh

Trên những con phố vắng vẻ của thành phố Vũng Tàu những ngày này, người ta thỉnh thoảng dễ gặp những tấm bảng xanh đánh dấu vùng an toàn.
Vùng xanh - Vùng không có dịch Covid-19 - bây giờ là ước ao của nhiều người dân ở các tỉnh thành có dịch phía Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Tạo được vùng xanh đã khó, giữ và mở rộng được vùng xanh còn khó hơn. Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ngày qua khắp nơi tổ dân cư, hẻm, ấp, khu phố đều lập chốt bảo vệ vùng xanh không có dịch.
Dọc trên đường Ba Mươi Tháng Tư, các khu phố thuộc phường Rạch Dừa, phường 11, phường 12 gần như hẻm nào cũng có chốt tự quản bảo vệ vùng xanh. Dù trời mưa lớn nhưng người dân trong các hẻm vẫn thay phiên nhau trực chốt. Mỗi người trực 1 tiếng đồng hồ và trực 24/24. Người trực chốt không cho người lạ vào hẻm. Shipper đến thì đứng bên ngoài không được chạy vào hẻm như trước. Người mua hàng phải ra đầu hẻm để lấy.

Dân đội mưa, thay nhau trực chốt để quyết tâm giữ vùng xanh chặn Covid-19

Thời gian gần đây, mô hình xây dựng vùng xanh là giải pháp chung của các địa phương nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao được gọi là vùng đỏ thành vùng nguy cơ cao ký hiệu là vùng cam, vùng nguy cơ là vùng vàng và tiến tới trở thành địa bàn an toàn vùng xanh.
Không chỉ TP.Vũng Tàu mà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Kiệt của TP.Bà Rịa những ngày này cũng xuất hiện nhiện nhiều chốt tự quản bảo vệ vùng xanh. Tại các chốt này, người dân trong hẻm ra ngoài phải có giấy xác nhận của khu phố, còn người lạ không ai được vào hẻm, khu dân cư. 
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.