Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 4: ‘Một người khổ hạnh toàn tâm toàn ý vì nhân dân...’

02/09/2014 03:00 GMT+7

Ngày 4.9.1945, một nhóm OSS mang tên “Biệt đội 404” có mặt tại Sài Gòn với nhiệm vụ hỗ trợ hồi hương tù binh chiến tranh, bảo vệ quyền lợi của Mỹ và thu thập thông tin tình báo ở phía nam Đông Dương.

Bang giao Việt - Mỹ thuở đầu lập nước - Kỳ 4: ‘Một người khổ hạnh toàn tâm toàn ý vì nhân dân...’
Charles Fenn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần tái ngộ đầu tiên năm 1995 tại Hà Nội - Ảnh: Tư liệu

Trong số các thành viên đầu tiên của Biệt đội 404 chỉ còn George Wickes và Frank White ở lại cho đến tháng 11.1945. Theo Wickes, người Mỹ không còn tiếp xúc hay liên lạc với những đại diện của phong trào độc lập nhưng “những người thực dân Pháp mà chúng tôi gặp càng khiến chúng tôi thêm ủng hộ VN”. Cuối tháng 9.1945, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chỉ có 19 người Mỹ đang ở VN mặc dù con số có thể lên tới khoảng 100. Tuy nhiên hai tháng sau đó con số đã giảm đi nhanh chóng và vào đầu 1946 chỉ còn một đội khung ở lại.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khoan, trong thư gửi Charles Fenn ngày 18.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chiến tranh đã kết thúc... tôi chỉ cảm thấy tiếc khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh”. Nhiều năm sau đó, một vài nhà sử học vẫn tìm kiếm lời giải cho câu hỏi tại sao các thành viên OSS lại "cộng tác" với Việt Minh. Theo Dixee R.Bartholomew - Feis, một nhân tố phụ nhưng quan trọng chính là nhân tố con người. Những quân nhân Mỹ đầu tiên có mặt tại Đông Dương đều thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhiều người Việt mà họ làm việc cùng. Thậm chí sau khi "sứ mạng của OSS kết thúc", theo nhà sử học Dương Trung Quốc, "mối quan hệ giữa Việt Minh và OSS vẫn duy trì, nhưng trong phạm vi quan hệ giữa các cá nhân... Có rất nhiều tình cảm tốt đẹp, nồng ấm đối với nhau với tư cách cá nhân, với tư cách con người". Sau khi đã chia tay, một số thành viên OSS vẫn tiếp tục trao đổi thư từ với các thành viên của Việt Minh. Nordlinger viết những bức thư ấm áp và khích lệ gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1960 với hy vọng mối quan hệ tin cậy của họ trong quá khứ có thể được tận dụng để cải thiện phần nào tình hình khó khăn.

Theo Dixee R.Bartholomew - Feis, có lẽ mối quan hệ giữa OSS và Việt Minh có thể được minh họa hay nhất bằng một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa một thành viên của OSS với Bác Hồ. Đầu tháng 3.1946, thiếu tá Frank White và điện báo viên George Wickes đến Hà Nội theo lệnh của SSU (Đơn vị tình báo chiến lược thuộc Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ). White đã gửi một bức thư tự giới thiệu tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin được tiếp kiến. Sau ngày Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt (6.3.1946) được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời White và Wickes tới Bắc Bộ Phủ và cùng ngồi nói chuyện suốt 2 giờ liền bằng tiếng Anh. White nhớ lại: “Không có việc gì làm gián đoạn cuộc trò chuyện, không thư ký, không điện thoại, không tin nhắn. Tự nó, điều này đã kỳ lạ, nếu biết rằng ngoài kia là xung đột và hỗn loạn. Ông Hồ Chí Minh mặc áo the, quần kaki ống rộng, phong thái bình thản một cách lạ lùng. Tôi bất ngờ trước một con người thư thái đến như vậy”.

White bắt đầu bằng việc đề nghị chuyển thông điệp của Hà Nội tới Washington nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lịch sự từ chối. Thay vào đó, Bác nhắc lại lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm của VN, mong muốn độc lập của VN, viễn cảnh về sự hòa giải với Pháp... Cuộc gặp đã khiến Wickes choáng ngợp. Trong lá thư gửi cho cha mẹ mình ngay sau đó, Wickes miêu tả Chủ tịch Hồ Chí Minh như là “một người thiêng liêng khổ hạnh toàn tâm toàn ý vì nhân dân của mình là sự kết hợp giữa thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincoln”.

White nhận được lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự một buổi tiệc vào tối hôm đó để chào mừng tướng Leclerc và phái đoàn. Là sĩ quan cấp thấp nhất có mặt trong phòng, White chờ đến khi tất cả mọi người ngồi xuống thì bất ngờ được mời ngồi chiếc ghế ngay cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ký ức của White, buổi chiêu đãi là một nỗi kinh hoàng. Người Pháp tự giới hạn mình trong phạm vi trò chuyện tối thiểu. White quay sang nói thầm với Bác Hồ rằng dường như có sự nhầm lẫn nào đó trong việc sắp xếp chỗ ngồi khi ông được xếp cạnh Chủ tịch nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Đúng, tôi có thể thấy điều đó nhưng còn ai tôi có thể nói chuyện được bây giờ?".

Ngày 6.12.1946, Abbot Low Moffat, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tới Hà Nội. Là người từng chủ trương gây sức ép với Pháp để nước này chấp nhận trung gian hòa giải quốc tế ở VN, ngay cả khi đề xuất này bị bác bỏ, Moffat vẫn tìm cách để đưa hai bên VN và Pháp trở lại đàm phán. Nhà ngoại giao Mỹ gợi ý không chính thức rằng, chính phủ VNDCCH nên gửi một thư kêu gọi tới Liên Hiệp Quốc. Tình báo Pháp biết được thông tin này và Paris lập tức làm ầm ĩ lên ở Washington.

Moffat rất muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đề nghị cấp trên cho ý kiến về việc này. Dù không được Bộ Ngoại giao trả lời, Moffat vẫn tự ý đến gặp. Khi tới Bắc Bộ phủ, Moffat thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đang phải nằm dưỡng bệnh nhưng vẫn tỉnh táo và nói trực tiếp bằng tiếng Anh. Biết rằng người Mỹ e ngại về tư tưởng Cộng sản Chủ nghĩa của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ông sẵn sàng dành cả đời mình để giành độc lập cho VN, rồi nói thêm: “Biết đâu 50 năm nữa Hoa Kỳ sẽ theo Chủ nghĩa Cộng sản và sẽ không phản đối VN cũng giống như vậy”.

Trong báo cáo gửi Washington, Moffat viết rằng các nhà lãnh đạo nước VNDCCH trước tiên là những người dân tộc chủ nghĩa đi theo Chủ nghĩa Cộng sản để đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Moffat và O’Sullivan có lẽ là những nhà ngoại giao Mỹ cuối cùng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn ấy, cho đến khi cuộc chiến tranh của nhân dân VN chống thực dân Pháp bùng nổ.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.