Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã thừa nhận như vậy tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của bộ này được tổ chức tại Hà Nội hôm qua 18.7.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, luật Bảo vệ môi trường quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án làm căn cứ xem xét phê duyệt đầu tư, cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, thực tế làm như vậy không khả thi. Ví dụ như vụ Formosa vừa qua, ĐTM mang tính chất quá chung chung, không chi tiết gây ra nhiều vướng mắc. 
Cơ chế kiểm soát chất thải hiện nay là Bộ Xây dựng quản lý chất thải rắn; chất thải nguy hại là Bộ TN-MT và chất thải y tế là Bộ Y tế. Phân công như vậy là chưa hợp lý, kém hiệu quả, nên giao cho một cơ quan thay mặt Chính phủ để thống nhất quản lý sẽ hiệu quả hơn
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Quy định về ĐTM như hiện nay nặng về hình thức, doanh nghiệp dễ dàng qua mặt địa phương, cơ quan quản lý. Bộ trưởng đề nghị Chính phủ quy định nên xem xét ĐTM trong giai đoạn cấp giấy phép xây dựng dự án. Khi đó, mới thẩm định được thiết kế cơ sở của dự án, ĐTM sẽ chính xác hơn và chi tiết hơn. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát chất thải hiện nay là Bộ Xây dựng quản lý chất thải rắn; chất thải nguy hại là Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và chất thải y tế là Bộ Y tế. Phân công như vậy là chưa hợp lý, kém hiệu quả, nên giao cho một cơ quan thay mặt Chính phủ để thống nhất quản lý sẽ hiệu quả hơn.
Từ đầu năm 2016, ngành TN-MT gặp phải không ít khó khăn về thiên tai, biến đổi cực đoan của khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tại các tỉnh trung Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ. Đặc biệt là sự cố hải sản chết hàng loạt do Formosa xả thải ra biển miền Trung. “Ẩn trong những khó khăn ấy, có hạn chế trong công tác quản lý, điều hành hoạt động TN-MT. Cần xem xét và kiểm điểm sâu sắc nguyên nhân từ thể chế, chính sách, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền của một bộ phận cán bộ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Liên quan đến kết quả phân tích mẫu chất thải của Formosa do UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, phải có đối chứng để đưa ra kết quả cuối cùng thật chính xác. Hiện Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu và giao cho một số phòng thí nghiệm nhưng đến giờ chưa đưa ra kết quả cuối cùng. “Kết quả mà tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố, được tiến hành ở Viện Khoa học công nghệ VN. Khi lấy mẫu có rất nhiều đất đai khác nhau nên số mẫu phải lấy nhiều hơn để đảm bảo tính chính xác. Trong khu vực này không có nguy hại thì phải lấy mẫu làm sao để có tính đại diện, trên quan điểm là phải làm kỹ lưỡng”, Bộ trưởng nói.
Theo ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, tỉnh này “có thiếu sót” trong việc lấy mẫu chất thải của Formosa chôn ở trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh. Việc công bố mẫu chất thải của Formosa có 13/15 chỉ tiêu an toàn là chưa đúng và chưa thể khẳng định đây là chất thải nguy hại hay thông thường. Sở TN-MT Hà Tĩnh chỉ lấy 4 mẫu (1 ở bãi rác và 3 mẫu ở nhà máy của Formosa) mang đi phân tích. Do ít mẫu nên kết quả phân tích chưa thực sự khách quan. Do đó phải đợi kết quả phân tích của Bộ TN-MT với 30 mẫu đất, 35 mẫu bùn, 4 mẫu nước mặt.
Ông Đinh cho biết, lãnh đạo Sở đã phê bình các cán bộ, nhân viên và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến vụ việc này. Cụ thể, các cán bộ này chỉ lấy 4 mẫu, trong đó 1 mẫu ở trang trại và 3 mẫu còn lại lấy tại Formosa. Số mẫu này là quá ít, thiếu khách quan, không khoa học và chưa đủ cơ sở để kết luận đó là chất thải nguy hại hay chất thải thông thường. Nguyên nhân dẫn đến sai sót này, theo ông Đinh, có thể là do các cán bộ, nhân viên lấy mẫu “bị áp lực tâm lý”.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về TN-MT để rút gọn thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng chồng chéo thủ tục, lạc hậu của luật so với thực tiễn. Phó thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ Formosa thì cần sớm đánh giá chính xác môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và công bố an toàn môi trường biển để nhân dân, doanh nghiệp cùng biết chủ động sản xuất, đánh bắt thủy hải sản.
Lại phát hiện cá biển chết vào bờ
Ngày 18.7, ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), xác nhận thông tin tại vùng biển bãi Bàng (thuộc xã Lộc Vĩnh) trong tuần vừa qua đã xuất hiện hiện tượng cá biển chết trôi dạt vào bờ gồm các loại như: cá hanh, cá lạc, cá liệt, ốc mỡ xanh... Sau khi phát hiện cá chết, trong các ngày 11 - 12.7, UBND xã đã cử người thu gom và tiêu hủy khoảng 30 kg. Theo người dân, từ đó đến nay tại khu vực bờ biển này vẫn xuất hiện rải rác cá chết trôi vào bờ, người dân đã thu gom và tiêu hủy. Ông Bảo cũng cho biết, UBND xã đã thành lập tổ tiến hành thu gom và chôn lấp xử lý hóa chất, đồng thời khuyến cáo bà con ngư dân không được dùng cá chết để làm thực phẩm cho người và gia súc dưới bất cứ hình thức nào.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng do số lượng cá chết dạt bờ chưa lớn nên Chi cục chưa đánh giá cụ thể hiện tượng trên.
Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.