Bão không mạnh nhưng thiệt hại lớn

29/07/2016 06:56 GMT+7

Mưa bão số 1 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 11 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu và đặc biệt là ngành nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đã có 2 người chết (ở Hà Nội và Hưng Yên), 1 người ở Thanh Hóa mất tích khi tàu cá chết máy và bị sóng đánh chìm, 9 người bị thương do cơn bão số 1 gây ra.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho rằng sau khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vẫn có khả năng gây mưa cho vùng núi trung du Bắc bộ, vùng Hòa Bình và phía bắc Thanh Hóa cần tiếp tục cảnh báo nguy cơ mưa lũ. Nhưng đáng lo ngại hơn là ở ngoài khơi Philippines đang hình thành vùng áp thấp nhiều khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục mạnh lên thành bão đi vào Biển Đông trong những ngày tới.
Theo ông Hoài, bão số 1 không quá mạnh nhưng gây thiệt hại lớn thì cần xem xét, đánh giá lại công tác phòng chống ở các địa phương.
“45 phút kinh hoàng”
Đó là cảm nhận của người dân ở ngã năm Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội, sau khi cơn bão số 1 tràn qua đây sáng 28.7. Người dân tại đây đã dùng cụm từ “Mễ Trì thất thủ” để miêu tả cảnh giao thông hỗn loạn, xe đổ, cây đổ, người dân chạy dạt vào các tòa nhà để trú ẩn. Từ 7 giờ 30 - 8 giờ 15, gió thổi rất mạnh, người điều khiển xe đạp, xe máy qua ngã năm này bị ngã đổ hàng loạt. Hàng trăm người bỏ xe giữa đường chạy vào các hàng quán tránh bão. Rất nhiều người bị ngã, nhiều chị em bị cả chiếc xe đè lên người. Đến đầu giờ chiều, trên vỉa hè tại tòa nhà Golden Palace khu vực ngã năm Mễ Trì vẫn ngổn ngang cây đổ, biển quảng cáo rơi, một nhà hàng phải đóng cửa, các nhân viên khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 1, trong khi mưa lớn, gió giật vẫn tiếp diễn tại đây.
Trong sáng qua, các thanh kim loại ở công trình đường sắt trên cao đường Xuân Thủy, Q.Cầu Giấy cũng rơi xuống đường, cùng với hàng loạt các tấm tôn bảo vệ quanh công trình này đổ rạp, khiến ô tô không thể lưu thông trên đường này thời gian ngắn. Rất may, không có thiệt hại về người, phương tiện giao thông trên cung đường này.
Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng
Thông tin tại cuộc họp trên cũng cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 đã gây mưa lớn từ 100 - 200 mm ở nhiều nơi. Trong đó, vùng mưa nhiều nhất là Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định khiến các địa phương này có khoảng 196.200 ha diện tích lúa bị ngập úng; trên 20.794 ha hoa màu bị hư hại. Gió bão cũng khiến hệ thống điện lưới ở các tỉnh từ nam Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và toàn bộ tỉnh Nam Định bị hỏng nặng. Thiệt hại nặng nhất ở Nam Định, có 1.900 cột điện trung thế và 13.000 cột điện hạ thế bị gãy, đổ. Đến cuối giờ chiều 28.7, Nam Định chỉ khắc phục được 45 tuyến/hơn 200 tuyến điện bị hỏng thiệt hại.
Cũng theo ông Trần Quang Hoài, ở khu vực đô thị Hà Nội, Nam Định ghi nhận thiệt hại nặng về cây xanh. Hà Nội có khoảng 5.000 cây xanh bị gãy, đổ. Còn ở TP.Nam Định, cây xanh trên nhiều tuyến phố bị gãy đổ, bật gốc hoàn toàn.
Tại Thái Bình, diện tích lúa bị ngập úng có thể chết lên tới khoảng 90.000 héc ta, chiếm khoảng 90% tổng diện tích lúa toàn tỉnh khoảng 1.900 ha hoa màu dập nát, hàng nghìn héc ta hoa màu khác như ngô ngọt, đậu tương hè thu, ớt, dưa… mất trắng do dập nát, ngập úng. Với hơn 500 cột điện trung thế, hàng nghìn cột điện hạ thế gãy đổ, 6/8 trạm điện 110 KV bị sự cố, việc cấp điện cho các trạm bơm ở Thái Bình cũng gặp khó khăn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết mưa lớn kèm theo lốc xoáy mạnh xảy ra tại H.Mường Khương trong tối 27.7, khiến 151 nhà dân và nhiều công trình công cộng thiệt hại nặng.
Nhiều tỉnh mất điện trên diện rộng
Báo cáo của Tập đoàn điện lực VN (EVN) đến chiều qua (28.7) cho hay, hàng chục đường dây truyền tải bị sự cố trong khi bão đổ bộ khiến nhiều địa phương mất điện trên diện rộng. Đến chiều cùng ngày có hơn một nửa trong số này đã được khắc phục. 10 đường dây còn lại EVN vẫn đang huy động tối đa lực lượng để kiểm tra và khắc phục. Nghiêm trọng nhất là vùng tâm bão, gồm Thái Bình, Nam Định và Hà Nam đã mất điện hoàn toàn khi bão đổ bộ. Việc cấp điện trở lại mới chỉ diễn ra tại các khu vực thành thị, trung tâm các huyện lỵ và các công trình thủy lợi nhằm phục vụ chống ngập úng.
EVN cho biết thêm riêng các nhà máy điện vẫn vận hành bình thường, trong khi các hồ chứa thủy điện thì nhận lệnh không xả lũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.