Bão nghịch và thảm nạn...

21/05/2006 11:54 GMT+7

Theo nguồn tin dựa trên các cuộc điện đàm bằng máy ICOM của ngư dân phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông, tính trung bình mỗi tàu từ 20 đến 28 người thì riêng các tàu tại quận Thanh Khê vẫn còn trên 200 nạn nhân mất tích, chưa kể số lao động trên các tàu của một số tỉnh lân cận hiện vẫn chưa biết mất hay còn. Những ngư dân cao tuổi nói trong uất ức: "Đại tang! Trong đời bọn qua chưa bao giờ thấy thảm cảnh thế này! Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, chủ tàu mất bạn nghề, tàu bè không còn manh giáp!".

Người còn sống trĩu nặng đau buồn, người chết lại không được toàn thây. Những con tàu xa bờ bề thế, vững chãi vậy còn bị bão biển đánh đắm, vỡ toang từng mảnh, huống gì thân xác những ngư dân vốn vô cùng nhỏ bé trước những cột sóng cao ngất trời! Một chi tiết thật đau lòng, để có thể tiếp tục lênh đênh 4 ngày 4 đêm trên đường trở về quê xứ, 18 xác nạn nhân của đợt đầu được xếp cạnh nhau trên ca- bin 2 chiếc tàu Đà Nẵng. Sống cùng nhau, chết họ lại cạnh nhau! Toàn thân các anh được ướp muối do tàu câu mực khơi không dùng đá lạnh như các tàu du lịch vượt đại dương. Khuya, chúng tôi cố gắng liên lạc với thuyền trưởng Phạm Văn Xinh - người đang chở xác em ruột Phạm Văn Hoa-nhưng bất thành, còn các tàu cứu hộ khác trên vùng biển gần Đài Loan đã tắt đài liên lạc lúc 20 giờ, chợp mắt chờ sáng ra tiếp tục tìm vớt xác anh em.

Gia đình ông Cử ở Thanh Khê Đông có  2 tàu bị nạn trong cơn bão, gia đình ông Mười gần đó có đến 3 người lìa đời cùng lúc. Anh Phạm Văn Hoa là con út ông Mười, cùng bị nạn với anh là hai người cháu gọi anh bằng cậu. Từng chứng kiến nhiều thảm cảnh, song chúng tôi đã không cầm được nước mắt trước cơn vật vả của mẹ, vợ, con anh Hoa và của cháu gái anh. Bác sĩ Lê Sơn, người đầu tiên điện thoại báo tin cho chúng tôi, vốn đã quen những ca cấp cứu trong bệnh viện cũng không giữ được bình tĩnh trước cảnh em gái mình- là vợ anh Hoa - bị ngất cạnh đứa con nhỏ dại. Anh nói trong tức tưởi: "Cứ nghĩ bão sẽ đổ bộ vào miền Trung, ai ngờ nó bẻ quật 90 độ lên phía Bắc, nơi tàu em tôi đang trú! Đường đi của bão đã khác trước quá nhiều".

Thật xót xa, trong tang thương vẫn còn nhiều bà con hy vọng. Xa xa trên bãi biển, nhiều nhóm phụ nữ tập trung quanh các bàn thờ nghi ngút khói hương. Những chân nhang cắm đầy trên bãi, những hột nổ nhiều màu rắc đầy trong gió. Họ ngồi bên nhau,  mắt dõi ra khơi cầu vọng. Tuyệt nhiên, không một bóng tàu, chỉ có sự im lặng thê thiết của đất trời. Chỉ một tổ 14, khối phố Hà Đông, phường Xuân Hà, đã có 11 tàu đánh bắt xa bờ chuyên đi câu mực ở các vùng biển giáp với Philippines hoặc Đài Loan. Loại tàu này thường mang theo số thúng đúng bằng số thuyền viên. Khi đêm xuống, tàu thả một người một thúng xuống biển rồi sẽ quay trở lại vớt lên theo trình tự ngược ban đầu. Nhưng rồi, cơn bão số 1, còn có tên Chanchu- theo cách gọi của Macau- đã dìm sâu tất cả. Không ít xác tàu, xác mực, xác ngư dân miền Trung từng chịu nhiều cơ cực tơi tả trong đêm!

Trong số họ có rất nhiều bạn - những nông dân rời xa đồng ruộng đi làm thuê trên tàu. Hợp đồng lao động với họ chỉ là chữ tín, chữ ân, chữ nghĩa. Các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn... là chuyện xa lạ. Song họ rất thân quen các vùng biển như Cà Mau, Kiên Giang, Côn Đảo, Bình Thuận, Trường Sa. Trong số họ, có người từng thoát chết từ sóng to, bão lớn nhưng với cơn bão nghịch này, trong đêm tối mịt, họ đã một mình đau đớn ra đi. Sau lưng họ, giờ đây là những làng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên- Huế... Khóc họ là những người vợ gầy mòn, những đứa con đã lâu rồi không được nghe giọng nói của cha. Chỉ tính riêng Quảng Nam thôi, mấy ngày nay hàng trăm gia đình ở Bình Đào, Bình Minh ngồi đứng không yên. Với họ, biển Đà Nẵng đã xa, biển Đài Loan càng quá xa xôi...

* Trong ngày 20/5, các tàu cứu hộ của ngư dân Việt Nam đã vớt thêm được 3 thi thể ngư dân, nâng tổng cộng lên 22 người đã được tìm ra. Về 2 con tàu đang đưa 18 thi thể ngư dân về Đà Nẵng, có tin qua máy ICOM cho biết, do nước ngược nên tàu chỉ đi được tối đa 4 hải lý/ giờ. Trưa qua, tàu phải dừng lại khoảng 3 tiếng đồng hồ, chờ tàu Trung quốc ra tiếp tế lương thực, nhiên liệu và thuốc xử lý mùi. Do tình hình thời tiết trên biển hiện không thuận lợi, và nếu không được cải thiện trong một hai ngày tới, dự kiến tàu phải mất đến 6 -7 ngày đêm mới có thể về đến cảng Đà Nẵng, thay vì 4 ngày đêm như dự kiến ban đầu.

* Tin từ bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết, tính đến 19/5 có 7 tàu chìm, 3 tàu mất liên lạc với tổng số lao động 221 người.  Trong đó: 71 Đà Nẵng, 146 Quảng Nam, 01 Quảng Ngãi, 01 Thừa Thiên- Huế, 01 Bình Định và 01 Bình Thuận. 7 tàu chìm có số hiệu: 90321, 90199, 90154, 90190, 90097, 90053, 90093. 3 tàu mất liên lạc có số hiệu: 6018, 90247, 6126.

Cũng nguồn tin trên, tại vùng biển tai nạn, hiện có 13 tàu của ngư dân Việt Nam tham gia cứu hộ, gồm các số hiệu: 90261, 90151, 90324, 90307, 90111, 90152, 90019, 90299, 90345, 90354, 90369, 90189, 90244.

* Theo tin các ngư dân Thanh Khê nghe được từ máy ICOM, hiện các tàu cứu hộ đã hết muối để bảo quản thi thể các ngư dân vừa vớt được trong ngày 20/5. Họ đang rất cần sự chi viện của các nhà chức trách trong đất liền.

* Tin từ bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến chiều 20/5 đã có tin xác định 2 tàu QNa 1699 của Tam Giang và QNa 9119 của Điện Phương bị mất tích với 39 lao động. Như vậy đến chiều 20/5 số mất tích của Đà Nẵng và Quảng Nam đã lên đến 260 người.

Bão Chanchu: đường đi rất nghịch!

Hình thành trên Thái Bình Dương từ 8/5/2006, theo dự báo ban đầu, bão Chanchu gần như tiến thẳng về phía Tây, băng qua quần đảo Philippines rồi vào biển Đông. Thế nhưng ngay từ ngày 12/5, khi tâm bão còn đang ở trên những hòn đảo của Philippines thì các trung tâm dự báo toàn cầu của Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong... đều dự báo đường đi của cơn bão này là sẽ bẻ ngoặt lên hướng Bắc để tiến vào Hồng Kông, Trung Quốc. Nhìn trên sơ đồ dự báo của Hải quân Mỹ (ảnh), sau 15/5 gần như đường đi mới của bão là một góc vuông!

Rất có thể do thiếu thông tin hoặc không tin bão sẽ quật lên hướng Bắc nên đa số tàu thuyền đang đánh bắt trên biển Đông đã không chạy vào đát liền trú ẩn mà chọn vùng đảo giáp ranh Đài Loan. Cũng có thể, sau mấy ngày nấp tránh, tưởng bão đã vào Quảng Đông, các tàu câu mực lại ra khơi và trên đường đi họ đã trực diện với đoạn lộ trình khó tin của cơn bão nghịch.

Trao đổi với chúng tôi về cơn bão này, ông Trần Tiễn Khánh - cựu học sinh Đà Nẵng thập niên 1970, hiện là Việt kiều tại Mỹ - webmaster của trang www.vnbaolut.com cho Thanh Niên biết, với vệ tinh toàn cầu và công nghệ tin học hiện đại, công tác dự báo bão và lộ trình những cơn bão biển đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt với mô hình MM5 liên kết với các mạng dự báo của Hải quân Hoa Kỳ, Typhoon2000, Tokyo mà ông đang áp dụng. Theo đó, nó tỏ ra chi tiết và chính xác hơn các bản tin dự báo của CNN, BBC, Yahoo. Trang mạng của vnbaolut.com hằng ngày có đến 4 bản tin lúc 7 giờ sáng, 1 giờ trưa, 7 giờ chiều và 1 giờ khuya với hình chụp từ vệ tinh và sơ đồ đường đi của bão trong vòng 3 ngày. Ông nhấn mạnh: "Nếu vừa rồi, ngư dân trên biển nối được mạng Internet và tin tưởng hoàn toàn vào các dự báo về bão Chanchu thì thảm nạn đã không diễn ra hoặc đã hạn chế tối đa tổn thất". Ông tâm sự: "Trang web hoàn toàn miễn phí này ra đời sau khi tôi về Việt Nam, chứng kiến nhiều thiệt hại trong mùa bão lụt 1999-2000. Hy vọng nó sẽ được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Vào đó, không chỉ có tin dự báo bão mà còn có nhiều bản tin dự báo thời tiết, khí hậu khác tại 60 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, vnbaolut.com khá vượt trội về dự báo lượng mưa là loại dự báo khó nhất hiện nay".

Đặng Ngọc Khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.