Bão số 6 rất mạnh trên biển

08/11/2019 05:05 GMT+7

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên Biển Đông tránh xa vùng biển nguy hiểm của cơn bão số 6.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết lúc 16 giờ chiều 7.11, tâm bão số 6 ở vị trí cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa khoảng 380 km về phía đông bắc.
Vùng gần tâm bão, gió cấp 10 - 11, tương đương sức gió 90 - 115 km/giờ, giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía tây và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16 giờ chiều 8.11, dự báo vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc, với sức gió vùng gần tâm bão tăng lên cấp 11 - 12, tương đương sức gió 100 - 135 km/giờ, giật cấp 15. Do ảnh hưởng của cơn bão và không khí lạnh, trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên là phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông.

Cơn bão rất mạnh

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhấn mạnh bão số 6 là cơn bão rất mạnh ở trên biển, gió mạnh nhất có thể đạt cấp 11 - 12, giật cấp 14, nên cần đặc biệt quan tâm kêu gọi tàu, thuyền tránh xa vùng nguy hiểm của bão. Khi vào bờ, gặp vùng biển lạnh, bão sẽ giảm xuống cấp 9. Dự báo từ ngày 10 - 11.11, bão ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Ngư dân Phú Yên neo đậu tàu cá ở vùng an toàn, tránh bão ẢNH: ĐỨC HUY

Ngư dân Phú Yên neo đậu tàu cá ở vùng an toàn, tránh bão

ẢNH: ĐỨC HUY

Cũng theo thông tin tổng hợp từ Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT), đến 17 giờ ngày 7.11, các địa phương đã kiểm đếm, thông báo cho 47.330 phương tiện với 243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú. Đáng lưu ý, ở khu vực quần đảo Trường Sa hiện vẫn còn 2 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi với 22 ngư dân vẫn chưa liên lạc được. Chính quyền địa phương và chủ các phương tiện đang tìm cách liên lạc để thông báo di chuyển tránh bão.
Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó bão số 6 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT), yêu cầu lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền các địa phương bám sát diễn biến trên biển, thông báo và hướng dẫn di chuyển các phương tiện tránh trú bão an toàn, đặc biệt là thoát ra xa vùng biển nguy hiểm. Ông Sơn cũng yêu cầu trên đất liền, các địa phương cần chuẩn bị các phương án ứng phó mưa lũ phức tạp sau bão; có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đê, kè biển vừa chịu thiệt hại trong bão số 5 vừa qua, để sẵn sàng ứng phó với bão số 6.

Chủ động ứng phó

Trước cảnh báo về cơn bão số 6, ngày 7.11, các tỉnh duyên hải nam Trung bộ đã triển khai công tác ứng phó. Tại Quảng Ngãi, có 405 tàu cá với 4.714 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó nhiều nhất là quần đảo Trường Sa với 121 tàu, 2.579 lao động; quần đảo Hoàng Sa có 82 tàu, 565 lao động. Lực lượng chức năng đã liên lạc với các ngư dân, kêu gọi đưa tàu vào tránh bão ở khu vực gần nhất. Riêng 2 tàu cá với 22 lao động, gồm tàu QNg 95028 TS và QNg 90575 TS, hiện vẫn chưa liên lạc được. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công điện gửi các sở, ngành, địa phương triển khai biện pháp phòng chống áp thấp nhiệt đới, bão số 6; đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện để ứng cứu, xử lý các tình huống xảy ra.
Tại Phú Yên, tính đến chiều 7.11, vẫn còn 298 tàu cá với 1.745 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả chủ tàu cá đều nhận được thông tin về tình hình cơn bão số 6 và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng. Mực nước các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn thấp so với cao trình đón lũ, riêng hồ thủy điện Sông Ba Hạ đang xả qua tràn và vận hành với lưu lượng 500 m3/giây. Tỉnh Phú Yên cũng kêu gọi ngư dân di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn (toàn tỉnh đang thả nuôi trên diện tích khoảng 675 ha mặt nước với tổng số khoảng 91.100 lồng). 162 hộ chăn nuôi gia súc dọc sông Ba, nơi sẽ nguy hiểm khi xả lũ, cũng đã được kêu gọi di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Bình Định hiện có 7 tàu cá với 51 lao động nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 6. Cũng trong ngày 7.11, đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại Bình Định, làm việc với UBND tỉnh này để đánh giá thiệt hại và nhu cầu khắc phục hậu quả cơn bão số 5. Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, bão số 5 đã gây thiệt hại cho tỉnh ước tính 358 tỉ đồng. UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT xem xét, kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 2.000 tấn gạo để cứu trợ cho người dân; 100 tỉ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch và nhiều cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh... Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Vũ Xuân Thành đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Định, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, báo cáo với các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ để xem xét, hỗ trợ cho tỉnh.
Theo thống kê từ các địa phương, 44 tàu cá của các tỉnh miền Trung sẽ tránh trú bão ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, 9 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đã vào nơi neo đậu trong vùng biển, đảo của Philippines.
Trong ngày, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tiếp tục có trao đổi yêu cầu cơ quan chức năng của Philippines và Malaysia tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá VN được vào nơi tránh bão, và hỗ trợ ngư dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.