Bắt buộc phải ký kết hợp đồng với “ôsin”

19/12/2012 19:26 GMT+7

(TNO) Từ tháng 5.2013, khi bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, đây sẽ là quy định bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, do ngại phiền phức, hiện nhiều người lao động vẫn chưa coi trọng việc ký kết hợp đồng.

>> Giải cứu hơn 100 phụ nữ bị ép làm ôsin
>> Ôsin và người tình bắt cóc con chủ đòi tiền chuộc

Nhiều vụ án đau lòng liên quan đến người giúp việc xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây như vụ hành hạ người giúp việc dã man tại Hà Nội gây phẫn nộ trong dư luận hồi đầu năm 2012. Cuối tháng 11 vừa qua, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt V.T.V (28 tuổi, ở Hưng Yên) mức án 3 năm tù do bị ông chủ cưỡng bức quan hệ nên đã đè chết ông chủ trong tình trạng bị kích động mạnh.

Không chỉ có người giúp việc là nạn nhân, bản thân gia chủ cũng “đau đầu” về người giúp việc đột ngột bỏ việc, ăn cắp, tống tiền…


Người giúp việc sẽ được bảo vệ quyền lợi khi ký kết hợp đồng lao động - Ảnh: N.Thắng

Tại hội nghị lấy ý kiến tham vấn hướng dẫn thi hành một số điều của luật Lao động sửa đổi năm 2012 về lao động giúp việc gia đình do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 19.12, đại diện của Vụ Lao động - Tiền lương, cho biết mặc dù, bộ luật Lao động sửa đổi đã có điều chỉnh với nhóm lao động giúp việc gia đình, có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc; trả cho họ khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người giúp việc tự lo bảo hiểm; tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề... Tuy nhiên, luật lại chưa quy định về độ tuổi; hình thức hợp đồng lao động; thời gian thử việc; thời hạn hợp đồng; chấm dứt hợp đồng… Thậm chí, các vấn đề như ký kết hợp đồng lao động với những đối tượng lao động dưới 15 tuổi chưa được hướng dẫn cụ thể.

Một nghiên cứu về lao động giúp việc trong tháng 8 và tháng 9 vừa được tổ chức phi chính phủ Heath Bridge (Canada) công bố cho thấy, có hơn 90% lao động chỉ thỏa thuận miệng với chủ nhà về tiền lương, công việc…

Lý do được bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) đưa ra, vì nhiều người lao động nghĩ rằng việc ký hợp đồng phức tạp, mà chưa nhận thức được việc ký kết hợp đồng lao động là cách để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện ký hợp đồng lao động đang gặp trở ngại. Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, dù trong luật quy định, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trả lương đối với đối tượng lao động giúp việc. Kể cả các hoạt động thanh tra lương, thanh tra về môi trường lao động cho nhóm lao động này cũng đang bị bỏ ngỏ, pháp luật không đề cập. Vì thế, gia chủ hay lao động có vi phạm thì cũng không có ai phân xử.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, việc ký kết hợp đồng lao động là việc bắt buộc với mỗi gia đình khi tìm người giúp việc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5.2013. Khi người giúp việc gia đình ký kết hợp đồng lao động, họ sẽ biết quyền của bản thân là gì. Luật quy định lao động phải trên 18 tuổi, khi ấy bản thân lao động đã có năng lực dân sự, trình độ hiểu biết pháp luật.

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin đầy đủ về mặt pháp luật, các quyền lợi của lao động đối với công việc mà họ định làm. Đặc biệt, đối với việc đưa ra thỏa ước, ký kết hợp đồng lao động cho lao động giúp việc gia đình.

H.Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.