Bất cập trong dự án chợ Nghĩa Tân

18/06/2012 08:30 GMT+7

Xây vượt quá tiêu chuẩn thiết kế; lập phương án bồi thường khi chưa có quyết định thu hồi đất; lựa chọn nhà đầu tư khi không có thẩm quyền… Đó là những vấn đề tồn tại trong Dự án xây dựng chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân (TP.Hà Nội).

Trước năm 1995, chợ Nghĩa Tân (P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) thuộc H.Từ Liêm. Đến năm 1997, chợ được bàn giao về cho UBND Q.Cầu Giấy. Thời điểm bàn giao, chợ có diện tích hơn 5.500 m2 với 498 hộ kinh doanh.

Năm 2005, UBND Q.Cầu Giấy đề xuất với UBND TP.Hà Nội cho sửa chữa, nâng cấp chợ và được chấp thuận. Tuy nhiên, khi chủ trương này được truyền đạt đến người dân thì dự án “sửa chữa, nâng cấp” đã trở thành “xây mới” với tên gọi “Dự án xây dựng chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân” và vấp phải sự phản đối của tiểu thương trong chợ vì một số “vấn đề” từ các văn bản của dự án.

Bất cập trong dự án chợ Nghĩa Tân
Chợ Nghĩa Tân hiện có 498 tiểu thương buôn bán - Ảnh: Minh Sang

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 24.1.2011 UBND TP.Hà Nội ra quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án xây chợ Nghĩa Tân với quy mô từ 5 - 9 tầng (không kể 2 tầng hầm và một tầng kỹ thuật). Chủ đầu tư là Công ty cổ phần thương mại Cầu Giấy được quyền sử dụng, quản lý toàn bộ công trình trong thời gian 50 năm.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 02/NĐ - CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, thì chợ Nghĩa Tân được xếp vào chợ loại 1.

Theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 361, thì chợ loại 1 là công trình cấp 1 hoặc cấp 2 có số tầng từ 1 - 4 tầng.

Như vậy, việc cho xây chợ Nghĩa Tân từ 5 - 9 tầng là vi phạm quy định về tiêu chuẩn thiết kế chợ.

Vẫn theo Nghị định số 02/NĐ - CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ thì: Đối với chợ loại 1, quyết định giao hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp khai thác chợ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố.

Cụ thể, trong trường hợp này, việc lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu đối với Dự án xây dựng chợ Nghĩa Tân phải do UBND TP.Hà Nội quyết định. Tuy nhiên, ngày 22.12.2008, UBND Q.Cầu Giấy đã ra quyết định số 1523/QĐ - UBND phê duyệt kết quả đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tháng 1.2011, UBND TP.Hà Nội mới ra quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư, nhưng từ giữa năm 2009, UBND Q.Cầu Giấy và chủ đầu tư đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ những hộ dân trong diện phải di dời. Điều này sau đó được chính UBND Q.Cầu Giấy thừa nhận trong thông báo ngày 6.1.2010, “Việc Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ và chủ đầu tư tiến hành lập phương án bồi thường hỗ trợ di dời, chi trả cho các hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND TP.Hà Nội là chưa đúng trình tự quy định”.

Trong khi đó, các tiểu thương cho rằng chợ Nghĩa Tân chỉ nên là chợ dân sinh, nếu xây dựng lớn hơn, việc buôn bán sẽ không hiệu quả.

Các tiểu thương dẫn chứng từ các chợ dân sinh phát triển lên thành chợ lớn, trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, Cửa Nam, chợ Khương Đình, chợ Bưởi... tuy khang trang hơn, nhưng hiện tại bị bỏ không hoặc hoạt động không hiệu quả.

Làm việc với Thanh Niên, ông Trần Việt Hà - Phó chủ tịch Q.Cầu Giấy, cho biết: Việc xây mới chợ Nghĩa Tân thành chợ, văn phòng, trung tâm thương mại là chủ trương của TP.Hà Nội và Q.Cầu Giấy là đơn vị trực tiếp thực hiện chủ trương trên. Mọi văn bản đều được sự đồng ý và thông qua lãnh đạo thành phố.

Cũng theo ông Hà, khi chợ mới Nghĩa Tân được hoàn thành, phần tầng hầm và tầng một sẽ được bố trí cho 498 tiểu thương chợ Nghĩa Tân hiện nay.

Hà An

>> Đồng Nai nhận sai vụ chợ Tân Hiệp
>> Hà Nội: Chợ gạo vắng khách
>> Thuê đồ hiệu chơi Tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.