Bắt heo mướn

15/11/2020 05:53 GMT+7

Ở miền quê, những hộ nuôi heo nhỏ lẻ khi cần bán cho thương lái thường phải nhờ đến… đội bắt heo mướn.

Tờ mờ sáng, tiếng heo ở lò mổ ông Tư Việt (xã Thạnh Lộc, H.Giồng Riềng, Kiên Giang) xé toạc không gian yên tĩnh nơi này. 5 - 6 người đàn ông lực lưỡng phanh áo lùa vào lò hơn chục con heo được gom từ nhà dân trong vùng.

Trầy trật gánh heo

Khi bắt, hầu hết heo đạt trên dưới 100 kg, có những con heo nái hết thời sinh đẻ được bán thịt nặng đến hơn hai tạ. Mua phải những con nái như vậy, người bắt heo phải gánh trầy vai. Tại những nơi kinh cùng, chưa có đường bê tông, người bắt phải gánh heo trên vai đi trên đường ruộng cả cây số. Ra tới ghe hoặc nơi xe đậu vai người bắt heo đã trầy xước, tay chân rướm máu. “Đi qua những đoạn lầy, heo trên vai nặng mà bùn dưới chân mềm, mỗi bước chân như đeo đá. Đó là chưa kể phải đi qua cầu khỉ, heo giãy, cầu cong vòng như sắp gãy, nghĩ tới là thấy ớn”, một thợ bắt heo chia sẻ.

Trẻ em cũng tham gia

Ở chợ, thương lái chỉ thuê phụ nữ bồng heo bởi phụ nữ thường cẩn thận, lại hợp với chăn nuôi. Trong khi đó, việc bắt heo giống giao cho nhà dân lại thường giao cho... trẻ em. Đặc biệt, những đứa trẻ mập mạp, dễ nuôi lại rất được lòng người mua heo. Tôn Thị Diễm Hương (14 tuổi, quê Kiên Giang) nổi tiếng trong vùng là đứa trẻ “chỉ cần hít không khí thôi cũng mập”. Vì dễ nuôi, dễ ăn, dễ ngủ nên Diễm Hương được nhiều người trong vùng mướn bắt heo giống.
Tiền công trả cho em chỉ là gói mì, ký đường hoặc 5.000 - 10.000 đồng nhưng Diễm Hương đều vui vẻ nhận. “Ba mẹ em đi làm xa. Chỉ có em và em trai ở nhà đi học nên ai nhờ bắt heo là em đi. Kiếm được gói mì, ký đường cũng bớt phần tiền ba mẹ phải lo toan”, Diễm Hương nói.
Đó là chưa kể những lúc heo bị sổng, rượt theo bắt muốn ná thở. Ông Nguyễn Văn Ẩn (Giồng Riềng, Kiên Giang) làm nghề bắt heo mướn ngót 20 năm nay. Cởi tấm áo ướt sũng bết đầy bùn đất thở hồng hộc vì vừa bơi theo con heo sổng cả cây số. Sợ bắt heo muộn, chủ nhà cho ăn no nên hôm ấy 4 giờ 30 ông đã đi cân. Do trời còn mờ mờ chưa sáng hẳn nên trong lúc buộc cửa lồng, ông Ẩn không bắt đúng mối. Ghe vừa nổ máy heo giãy mạnh bật cửa lồng rồi phóng xuống sông. Ông Ẩn tức thời lao theo. “Nắm chân đu theo cả cây số đến khi heo đuối tôi mới dìu nó được vào bờ. Lúc này trời cũng vừa sáng, người dân bên sông xúm lại, người cười, người phụ mới đưa được con heo vào lồng”, ông Ẩn kể.
Bắt heo mướn

Tôn Thị Diễm Hương (14 tuổi) vì dễ nuôi nên được cả xóm tin tưởng giao việc bắt heo giống giao đến tận nhà

ảnh: lam ngọc

Không phân biệt nhà xa hay gần, nhà ở sâu trong ruộng hay ngay cạnh đường, thợ bắt heo được trả khoán khoảng 50.000 - 100.000 đồng/con tùy theo cân nặng. Phần tiền này đã bao gồm cả xăng xe, dầu máy nếu chạy ghe. “Trừ chi phí mỗi con heo ông được khoảng 20.000 - 30.000 đồng”, ông Ẩn cho hay.
Những người làm nghề bắt heo mướn ở Giồng Riềng phần đông là trung niên khỏe mạnh và bơi giỏi. Vì không có nghề nghiệp cụ thể lại không muốn xa quê nên họ chọn nghề bắt heo để có thu nhập và được ở gần nhà. “Ở quê, nếu chỉ trông vào cây lúa thì nhàn rỗi bởi giờ người ta làm lúa bằng máy. Chỉ đôi dịp đi dặm lúa mướn hoặc phun thuốc trừ sâu nhưng công việc không ổn định. Nghề bắt heo không giàu nhưng đảm bảo đủ cho con cái học hành”, ông Trần Văn Thi (46 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Văn Thới, xã Thạnh Lộc) cho hay. Trước khi theo nghề bắt heo ông Thi từng là công an ấp nhưng đồng lương cán bộ ấp chẳng đáng là bao nên ông bỏ nghề đi bắt heo.

Việc bắt heo đôi khi không phải dùng sức là được mà phải dùng mẹo

Đội nữ bồng heo

Nếu việc bắt heo thịt chỉ phù hợp với đàn ông to khỏe thì việc “bồng” bắt heo giống lại chỉ dành riêng cho đàn bà, trẻ em. Lý do là heo giống nhẹ chỉ dao động trung bình khoảng trên dưới 10 kg/con nên vừa sức với phụ nữ. Hơn nữa, tiền công trả cho một lần bắt heo giống cũng không cao nên phụ nữ hay chọn nghề này. Đặc biệt, ở khu vực chợ Bà Rén thuộc H.Quế Sơn, Quảng Nam nghề này đặc biệt “biên chế” riêng cho phụ nữ. Khu chợ Bà Rén đặc biệt chỉ bán nguyên heo giống được hình thành từ 1975 bán đủ các giống heo và mỗi ngày chợ heo Bà Rén tiêu thụ trên dưới 2.000 heo con các loại. Từ chợ này, heo được vận chuyển đi các tỉnh, thành từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Hà Nội đến các tỉnh miền Tây... Cũng có khi heo của chợ Bà Rén còn bán sang tận Lào, Campuchia... Việc cân và chuyển heo giống từ chợ lên xe nhờ cậy cả vào đội phụ nữ “bồng” heo trực ở cổng chợ.

Mẹo bắt heo

Những ngày đầu khi mới vào nghề, ông Thi thường mắc mẹo người bán nên thường xuyên phải bù lỗ. Ông Thi tâm sự: “Bắt heo tưởng dễ mà khó. Khó ở chỗ mình nhìn con heo phải biết heo khỏe yếu thế nào. Có nhiều người bán heo vì muốn tăng thêm cân nặng nên ngâm gạo nở cho heo ăn tới no phè. Lúc này, người bắt heo không tinh ý lùa heo lên xe, trên đường đi xóc heo giảm ký hoặc bội thực mà chết thì về tới lò là lãnh đủ”. Khi mua heo thợ heo đã cân nhưng về tới lò chủ lò cân lại. Lúc này, heo được bao nhiêu ký thì tính bấy nhiêu tiền. Đôi khi vì không biết mánh mà người bắt heo phải bù 5 - 7 ký heo hơi do chênh lệch lúc cân tại nhà dân và khi về tới lò.
Nghề dạy nghề, gần chục năm qua ông đúc kết: “Không muốn bị lố ký thì phải canh giờ bắt heo thật sớm khi chủ heo chưa kịp cho ăn. Còn không, khi tới chuồng thấy heo đã đi nằm, bụng tròn căng thì phải dùng mánh tét mông heo đến khi chúng thải phân liên tục, thức ăn trong bụng ra ngoài gần hết mới lùa heo vào rọ”.
Bà Nguyễn Thị Tần (thương lái heo tại chợ Bà Rén) cho hay: Heo giống kỵ nhất là có vết nên để tránh làm đau và tạo vết trên mình heo con người ta thường thuê phụ nữ “bồng” heo lên cân. Mỗi khi có người mua heo giống người ta lại thuê một phụ nữ hoặc một bé gái đứng lên cân. Sau khi ghi cân nặng thì bồng thêm heo. Trừ ra số ký của người bồng đã cân trước đó, còn lại là cân nặng của heo giống. Với mỗi con heo được bồng lên cân như vậy, người bồng nhận được 2.000 - 3.000 đồng. Còn lại, khi có người thuê bồng heo ra ngoài khu vực chợ thì công bồng heo là 5.000 - 20.000 đồng/lượt.
Hơn 33 năm làm nghề bồng heo, bà Trần Thị Thảo (58 tuổi, người xã Quế Xuân 1, H.Quế Sơn) có lẽ là người gạo cội nhất trong nghề. Không chỉ quen mặt mà hầu hết những lái heo ở chợ đều thuộc lòng số cân của bà. Mỗi lần bà Thảo tăng hay sụt cân thì thương lái ở chợ đều biết bởi mỗi ngày bà lên, xuống cân bồng heo mướn vài chục lần. Chị Bùi Thị Hải Lý (Quế Sơn, Quảng Nam) cho hay: “Quanh khu vực chợ có khoảng chục người “bồng” heo mướn. Hầu hết những người này đã làm nghề nhiều năm nên người dân địa phương mua heo thường đã quen mặt. Qua nhiều lần mua heo, người địa phương thường nhận diện xem ai có vía tốt, bắt heo mát tay để thuê. Với những người đắt khách như thế thì giá thuê bồng heo thường nhỉnh hơn 1.000 - 2.000 đồng/lần bồng họ cũng chấp nhận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.