Bắt nghi phạm như... bắt cóc

27/08/2016 06:41 GMT+7

Một vụ "bắt cóc" giống như trong phim diễn ra ngay trước cổng trường mẫu giáo tại Bình Thuận gây xôn xao dư luận khi người đàn ông đưa con đến trường thì bị áp tải lên xe mang đi.

Nhưng thực chất vụ việc lại do một đơn vị công an cấp quận từ Hà Nội vào thực hiện...
Bắt cóc trước trường mẫu giáo
Vào khoảng 7 giờ 15 sáng 26.8, anh Lê Hồng Phong (37 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, TX.La Gi, Bình Thuận) lái xe chở con gái (2 tuổi) đến cổng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ (KP.4, P.Phước Hội, TX.La Gi) để gửi con thì bất ngờ có một chiếc xe 7 chỗ biển số TP.HCM áp sát xe anh Phong. Lập tức khoảng 6 người trên xe biển số TP.HCM tiến đến khống chế anh Phong và cháu bé đưa ra ngồi ghế sau. Một người trong chiếc xe 7 chỗ lên cầm lái chở hai cha con anh Phong chạy về hướng TP.HCM. Trong khi đó, chiếc xe 7 chỗ hộ tống sát phía sau.
Nhận được tin báo có vụ bắt cóc, lãnh đạo Công an TX.La Gi đã triển khai nhanh lực lượng truy đuổi theo hai hướng. Một hướng theo QL55 từ TX.La Gi đi Bà Rịa-Vũng Tàu, một hướng ngược QL55 lên H.Tánh Linh (Bình Thuận). Đồng thời, Công an TX.La Gi cũng báo cáo nhanh cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp truy lùng thủ phạm.
Đích thân Chủ tịch UBND TX.La Gi Phạm Trọng Nhân đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai ngay các phương án để bảo vệ cháu bé. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng chỉ đạo Công an tỉnh và Công an TX.La Gi phải báo cáo nhanh cho Bí thư Tỉnh ủy toàn bộ vụ việc...
Nếu đứa trẻ có đủ nhận thức thì khi chứng kiến cảnh cha mình bị bắt sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý tại thời điểm đó và sau này. Có thể bé còn bị ức chế tâm lý đối với bạn bè, rồi nếu thầy cô, những phụ huynh khác đàm tiếu thì sẽ còn ảnh hưởng đến cháu bé rất nhiều. Đây là cách hành xử thiếu văn hóa
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng
“Đúng các quy trình”
Tuy nhiên, lúc 15 giờ chiều qua (26.8), đại tá Phạm Duy Khang, Trưởng công an TX.La Gi cho biết “vụ bắt cóc” thực chất là vụ bắt khẩn cấp do lực lượng công an thực hiện. “Cho đến giờ này tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông báo vụ việc. Tuy nhiên, khi anh em đang thực hiện điều tra truy lùng thì tôi nhận được tin đây không phải là bắt cóc gì hết mà là một chuyên án của Bộ Công an. Đáng lẽ anh em bắt xong báo cho chúng tôi một tiếng để biết và cùng phối hợp thì hay hơn”, đại tá Khang nói.
Trong khi đó, Công an Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) đã xác nhận đây là chuyên án riêng của công an quận này. Trả lời Thanh Niên, đại tá Đinh Huy Hoàng - Trưởng công an Q.Hai Bà Trưng nói chuyên án được đơn vị thực hiện đúng các quy trình. Về việc gia đình anh Lê Hồng Phong, nghi phạm trong chuyên án, thông tin tới Công an TX.La Gi rằng đây là một vụ bắt cóc, đại tá Hoàng cho rằng: “Họ nói vậy là nhằm gây ảnh hưởng, cũng như khó khăn cho chuyên án mà cán bộ chiến sĩ Công an Q.Hai Bà Trưng đang thực hiện”. Khi được hỏi về nội dung chuyên án, cũng như quá trình phá án của Công an Q.Hai Bà Trưng có thể gây hiểu nhầm, đại tá Hoàng từ chối trả lời. “Hiện vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ, vậy nên chúng tôi không thể cung cấp thông tin được. Khi nào chuyên án được khám phá thành công, Công an TP.Hà Nội sẽ thông tin đầy đủ tới cơ quan truyền thông”, ông Hoàng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công an Q.Hai Bà Trưng vào TX.La Gi để mời ông Phong lên TP.HCM làm việc do nghi ngờ ông này liên quan đến vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước.
Bắt hay mời cũng sai
Một lãnh đạo thuộc Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cũng khẳng định, muốn bắt khẩn cấp cũng phải có lệnh đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn và khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Khi đó, người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh. Sau đó mới di lý người bị bắt về nơi khác để phục vụ điều tra. Không có chuyện bắt người kiểu “bắt cóc” như thế này.
“Theo luật định, chỉ bắt tạm giam khi đã có căn cứ khởi tố bị can và khởi tố vụ án. Nếu làm rõ được công an có cơ sở bắt tạm giam bị can, việc bắt chỉ sai về thủ tục tố tụng thì lãnh đạo cấp trên xem xét xử lý kiểm điểm hành chính, nghiệp vụ đối với cán bộ liên quan. Tuy nhiên, nếu xác định người bị bắt không có hành vi phạm tội thì hành vi vi phạm của cán bộ công an có thể chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Dù là bắt bị can hay mời về làm việc thì cách làm này hoàn toàn sai”, vị lãnh đạo này nói.
Ở một góc nhìn khác, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho rằng việc bắt người cha đúng sai còn phải bàn nhưng riêng việc bắt luôn đứa trẻ 2 tuổi là hoàn toàn trái quy định pháp luật, trái đạo đức. “Nếu đứa trẻ có đủ nhận thức thì khi chứng kiến cảnh cha mình bị bắt sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý tại thời điểm đó và sau này. Có thể bé còn bị ức chế tâm lý đối với bạn bè, rồi nếu thầy cô, những phụ huynh khác đàm tiếu thì sẽ còn ảnh hưởng đến cháu bé rất nhiều. Đây là cách hành xử thiếu văn hóa”, ông Hùng bức xúc.
Theo một lãnh đạo của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, vụ việc tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng bắt người đưa đi là không đúng quy định của bộ luật Tố tụng hình sự. Để triệu tập hoặc mời người làm chứng, người liên quan đến vụ việc, vụ án do cơ quan có thẩm quyền thụ lý xác minh, điều tra thì phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập của cơ quan điều tra.
Vị lãnh đạo này phân tích, theo quy định tại điều 133 và điều 137 bộ luật Tố tụng hình sự thì khi triệu tập người làm chứng, người có liên quan thì điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập phải ghi rõ ngày giờ làm việc, địa điểm có mặt, được giao trực tiếp cho người có liên quan đến vụ án hoặc thông qua chính quyền địa phương. Trường hợp người được triệu tập nhưng cố ý không đến, không có lý do chính đáng hoặc gây trở ngại cho công tác điều tra thì cơ quan điều tra có thể ra quyết định dẫn giải. Theo nguồn tin này, quy định của ngành không cho phép việc "bắt cóc" người như thế khi chưa có quyết định dẫn giải hoặc chưa có lệnh bắt. “Việc cán bộ công an quận cho rằng ông Phong liên quan hay quen với công an thì cũng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc triệu tập, dẫn giải hoặc bắt người”, nguồn tin khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.