“Bêu” tên doanh nghiệp chây ì giảm giá cước

12/02/2015 05:41 GMT+7

Không chỉ chây ì giảm giá cước, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn tranh thủ “chạy” kê khai giá để cố tình trục lợi. Những doanh nghiệp này đã bị đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính “điểm mặt, chỉ tên” tại cuộc họp báo chiều 11.2.

Không chỉ chây ì giảm giá cước, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn tranh thủ “chạy” kê khai giá để cố tình trục lợi. Những doanh nghiệp này đã bị đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính “điểm mặt, chỉ tên” tại cuộc họp báo chiều 11.2.
 
Hợp tác xã vận tải Nội Bài bị yêu cầu tiếp tục giảm giá cước - Ảnh: Ngọc ThắngHợp tác xã vận tải Nội Bài bị yêu cầu tiếp tục giảm giá cước - Ảnh: Ngọc Thắng
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, chủ trì cuộc họp báo, cho biết trong tháng 11.2014, trước khi giá xăng, dầu giảm mạnh, Bộ trưởng Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành tài chính - giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước. Kết quả, nhiều đơn vị đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí xăng đầu vào. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá thấp hoặc có đơn vị chưa giảm giá.
Theo báo cáo của các trưởng đoàn kiểm tra, tại Hà Nội, đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi, đoàn kiểm tra xác định Công ty TNHH Mạnh Trường Bình giảm giá chưa phù hợp với mức giảm giá xăng, dầu nên đã yêu cầu phải giảm tiếp. HTX vận tải Nội Bài và Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội, Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long cũng là những đơn vị bị chính thức công khai danh tính về việc chây ì giảm giá...
Tại miền Trung, đoàn kiểm tra xác định Công ty cổ phần taxi Mai Linh miền Trung mức giảm từ km 0,6 đến km thứ 30 chưa phù hợp mức giảm giá nhiên liệu trong thời kỳ này. Đoàn đã yêu cầu đơn vị tính giảm giá lại cho phù hợp. Cùng hành vi tương tự là Công ty cổ phần xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng. Riêng Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân có 10 tuyến bị buộc phải tiếp tục giảm giá.
Khu vực phía nam việc chấp hành quy định về giảm giá cước có tích cực hơn. Đặc biệt, tại TP.HCM các đơn vị kê khai giá phù hợp với diễn biến giảm giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính Hợp tác xã vận tải đường bộ TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) vì hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bản giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước; đề nghị làm thủ tục chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
“Chạy” kê khai giá thấp để trục lợi
Không chỉ chây ì giá, quá trình kiểm tra tại các địa phương, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị cố tình “chạy”, né tránh việc kê khai giá để trục lợi. Hành vi này tập trung ở các lĩnh vực vận tải chạy tuyến cố định liên tỉnh. “Chúng tôi gọi dân dã là “chạy”, còn thực chất các hãng vận tải này cố tình chuyển đổi địa bàn kê khai giá. Họ thấy tỉnh A quản lý giá chặt chẽ, không chấp nhận mức giảm giá đó nên chạy sang tỉnh B lỏng hơn để được giảm giá ít đi. Qua kiểm tra chúng tôi đã phát hiện ra và lập tức kiến nghị các địa phương phải thường xuyên phối hợp với nhau, rà soát chéo và xử lý các trường hợp này”, ông Tuấn nói.
Ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính, cho biết quá trình kiểm tra đã xác định được chi phí nguyên liệu trong cơ cấu giá thành. Chi phí nhiên liệu của các doanh nghiệp taxi từ thấp nhất 20% đến cao nhất 37% giá thành. Do đó, đã chỉ ra được đơn vị nào chưa giảm, giảm chưa phù hợp trong thời gian vừa qua nên mới lên danh sách cụ thể công khai.
Liên quan đến thông tin các doanh nghiệp taxi chỉ giảm giá đối phó đối với các km đầu tiên, mở cửa, còn các km sau đó hầu như không giảm, ông Tuyến xác nhận có trường hợp như vậy. Ông Phi Vân Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cũng khẳng định có hiện tượng này nhưng chỉ xảy ra ở một số hãng taxi nhỏ.
Đang có sai lệch trong cách thức quản lý giá cả, thị trường
Ngày 11.2, tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô 2014 và một số vấn đề chính sách năm 2015 - 2016”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ không đồng tình với một số chính sách quản lý giá cả, thị trường hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nói: “Ví dụ như giá điện, vấn đề không phải là tăng bao nhiêu mà nằm ở cách thức họ muốn tăng giá. Bộ Công thương bảo vệ đề xuất tăng giá của Tập đoàn điện lực VN (EVN). Thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”. Ông Cung cho rằng, “đáng lý, Bộ Công thương phải giám sát EVN bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không chứ không phải bảo vệ đề xuất này".
Cũng theo Viện trưởng CIEM, về giá xăng và cước vận tải cũng đang có sự sai lệch trong cách thức quản lý. “Giá xăng giảm nhiều lần nhưng cước vận tải không giảm tương ứng, mà chỉ thanh tra, kiểm tra... cách quản lý kiểu áp đặt như vậy. Cơ quan điều hành ở đây đáng lý phải là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chứ không phải ở Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nêu quan điểm: “Cách quản lý giá hiện nay không hiệu quả, kìm giữ giá; kiểu quản lý như hiện nay sẽ vô phương”. Theo ông Tuyển, nhà nước chỉ yêu cầu công bố giá bán không được cao hơn giá công bố. Còn bộ máy, chi phí kiểm soát giá hiện tại lớn hơn nhiều cái chúng ta thu được. “Tại thời điểm còn làm bộ trưởng, tôi đã nhìn ra hạn chế của Cục Quản lý cạnh tranh khi chuyển sang Bộ Công thương (Bộ Thương mại sáp nhập với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương). Nhưng tại thời điểm đó chưa thể đưa Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương vì phải có tư duy định hướng mới, và chính sách của Chính phủ là hạn chế đẻ thêm tổng cục, đẻ thêm bộ mới. Hiện tại, tôi đồng ý là nên có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập”, ông Tuyển nêu ý kiến.
Mạnh Quân
Danh sách các Doanh nghiệp chây ì giảm giá cước
1. Công ty TNHH Mạnh Trường Bình (Hà Nội)
2. CTCP dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài
3. HTX vận tải Nội Bài
4. Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội
5. Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long (Hà Nội)
6. CTCP taxi Mai Linh miền Trung
7. CTCP xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng
8. Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân
9. HTX vận tải đường bộ TP.Thủ Dầu Một.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.