Bi hài chuyện gửi xe: “Sáng tạo” đủ loại thẻ

22/03/2011 00:58 GMT+7

Gửi xe đã trở thành nhu cầu không thể thiếu tại các đô thị lớn. Ngoài giá giữ xe là vấn đề luôn gây bức xúc thì các điểm giữ xe cũng tự “sáng tác” các loại phiếu (thẻ) giữ xe (TGX) với muôn màu, muôn vẻ.

Theo quy định, các điểm giữ xe phải có giấy phép đăng ký kinh doanh do quận, huyện cấp và phải được niêm yết công khai cùng bảng giá, đồng thời phải sử dụng TGX do cơ quan thuế của địa phương cung cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều điểm giữ xe tại TP.HCM hoạt động mang tính chất tự phát và điểm đáng chú ý của loại hình dịch vụ này là mỗi nơi tự sáng tạo ra một loại TGX theo... sở thích của mình.

Từ cổ điển...

Sáng 21.3, chúng tôi đi vào khu chung cư Ngô Gia Tự (Q.10). Vừa đưa xe vào một bãi giữ xe ở đầu hồi lô F, chúng tôi được người giữ xe đưa cho một chiếc thẻ xe nhỏ được làm bằng bìa cạc-tông, trên đó có ghi số thẻ, chữ ký và cả dấu lăn tay. Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, người đàn bà giữ xe cười khà: “Không ở đâu có TGX giống như của gia đình tui. Chữ ký là của con tui, dấu lăn tay của ông chồng tui, còn tui có nhiệm vụ giữ xe” (!?).


 Một điểm giữ xe thông minh bán tự động của chung cư Him Lam Nam Khánh - Ảnh: Lê Nga

Cách đó vài bước chân, một bãi giữ xe khác chìa cho chúng tôi tấm thẻ nhỏ bằng mica khá đơn giản chỉ với con số.        

 
Thẻ giữ xe do một đơn vị tự in - Ảnh: Minh Nam - Lê Nga

Đa dạng hơn cả là tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), khi chúng tôi được các bãi giữ xe của các hộ gia đình ở tầng trệt đưa cho xem nhiều loại TGX được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, từ giấy trắng, bìa cứng, đến bằng nhựa, nhôm, kẽm, hoặc bằng... tờ tiền (loại 200, 500 đồng) được cắt ra làm đôi rồi ép nhựa; có nơi còn dùng hình con chủ bãi giữ xe để... in hình vào TGX. 

Góp mặt vào muôn hình vạn trạng TGX còn có cả các trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn cao cấp ở khu vực trung tâm TP thường giữ xe với giá cao ngất ngưởng: từ 10.000 - 20.000 đ/lượt (xe máy), 50.000 - 300.000 đ/lượt (xe ô tô). Dù vậy, hầu hết ở những nơi này, như tại bãi giữ xe của khách sạn Sheraton Saigon, Park Hyatt Saigon... TGX đều do đơn vị tự in với đủ chất liệu, kích cỡ và tự thu tiền với mức giá khác nhau.

Có nhiều nơi, người giữ xe sử dụng đi sử dụng lại loại vé giữ xe do cơ quan thuế in đến mức chúng gần như rách nát. Nơi lịch sự hơn thì ép nhựa để dùng được lâu.

Chủ giữ xe vẫn phải chịu trách nhiệm khi mất xe

Ông Vũ Anh Khoa, Trưởng phòng Kinh tế Q.10, cho biết, theo quy định, các điểm giữ xe phải mua vé giữ xe tại các chi cục thuế quận. Tuy nhiên, thực tế việc chấp hành quy định này của các điểm giữ xe vẫn còn hạn chế hoặc nếu mua chủ yếu là để đối phó các đoàn kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, dù là TGX được làm bằng loại nào đi nữa thì khi mất xe, chủ giữ xe cũng phải có trách nhiệm với khách hàng.

Tại một số điểm giữ xe của các cơ quan nhà nước, điển hình như tại UBND P.2, Q.10, người dân khi đến giao dịch thường có tâm trạng bất an với kiểu giữ xe “vô hình”. Xe của người dân đến đây được một nhân viên phường ngồi tại chiếc bàn giữ miễn phí, nhưng không đưa TGX. Thấy chúng tôi băn khoăn, một cán bộ phường trấn an: “Cứ để xe thoải mái ở đó. Ở đây giữ xe khỏi cần thẻ mà có mất bao giờ đâu!”. 

 ...đến hiện đại

Ngoài những loại TGX thuộc loại cổ điển mà chúng tôi đã liệt kê trên, vài năm gần đây, nhiều bãi giữ xe đã áp dụng một số kiểu giữ xe hiện đại.

Giữa tháng 3.2011, có dịp đến sân bay Tân Sơn Nhất bằng xe ô tô, khi đưa xe vào bãi gửi, chúng tôi và một số người tỏ ra bất ngờ với hệ thống giữ xe tự động. Tại cổng vào, có hệ thống camera ghi nhận lại mọi dữ liệu, khách hàng chỉ cần bấm nút là có ngay số xe, ngày gửi, giờ gửi in ra từ chiếc máy.

Đến khi trở ra, chỉ cần trả phiếu này, nhân viên sẽ nhập máy và báo số tiền gửi đồng thời giao cho khách hàng phiếu thu, ghi rõ số tiền theo giờ.

Loại TGX cao cấp nhất hiện nay là thẻ từ thông minh, bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 2009 và đến nay cũng rất phổ biến.

Dạo quanh một vòng các bệnh viện, như: Nhân dân Gia Định, Thống Nhất, KTX ĐH Bách khoa TP.HCM, Thương xá Tax, Co.op Mart đến các cao ốc, siêu thị hiện đại như tòa nhà Vincom trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), siêu thị Lottemark (Q.7)… chúng tôi đều thấy nơi đây sử dụng thẻ từ để giữ xe.

Tất cả thông tin cần thiết như số xe, màu xe, giờ gửi xe, hình dáng người ngồi trên xe... đều được chụp, lưu lại trong hệ thống dữ liệu của máy tính. Trường hợp chẳng may khách bị đánh mất TGX, thì cũng có thể truy cập được thông tin và không quá lo lắng vì các dữ liệu đã được máy tính lưu giữ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù TGX có cổ điển hay hiện đại đến đâu đi nữa thì khi xảy ra mất xe, rắc rối cũng luôn thuộc về chủ xe.

Luật sư Nguyễn Văn Đức - Công ty luật TNHH MTV Biển Đông:

Gửi xe là một dạng của hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Việc gửi xe có thể được giao kết bằng văn bản thông qua TGX hoặc bằng miệng. Dù giao dịch bằng hình thức nào đi nữa thì giữa các bên cũng xác lập quyền và nghĩa vụ ngay sau khi giao kết. Nếu bên nhận gửi giữ để làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường (trừ trường hợp bất khả kháng) được quy định tại điều 562 BLDS. Trên thực tế thường gặp khi xảy ra mất mát thì bên gửi tài sản phải chứng minh có giao tài sản cho bên kia để gửi giữ nếu người nhận tài sản “phủi” trách nhiệm thường là trường hợp không có thẻ. Nếu không chứng minh được, coi như chủ xe bị mất tài sản. 

Lê Nga - Minh Nam - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.