Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: 'Nhúng chàm thì đừng gặp lãnh đạo nhờ can thiệp'

13/05/2016 17:18 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một số văn bản của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức vào ngày 13.5.

Trình bày dự thảo chương trình hành động Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính (Thành ủy Đà Nẵng) nhận định, thực trạng tác chống tham nhũng hiện nay là “một tay thì đấm còn một tay thì xoa” .
Ông Vân cho biết, từ năm 2006 đến nay, TP.Đà Nẵng đã xử lý được 15 vụ án với 24 bị can về tham nhũng. “Nhưng báo cáo với các đồng chí là không có vụ án nào mà không có sự can thiệp. Can thiệp ở vụ này vụ kia, can thiệp ít can thiệp nhiều, gửi gắm này gửi gắm nọ… Hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không cao. Trong đó có biểu hiện đã nêu”, ông Vân nói.
Cũng theo ông Vân, với số liệu các vụ án trong 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, việc phát hiện tham nhũng vẫn còn yếu. Chỉ những trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do mâu thuẫn nội bộ “tố nhau” thì mới lộ ra.
Cho nên lần này chương trình hành động đã nêu ra những nhiệm vụ cụ thể: nêu cao vai trò của người đứng đầu các cơ quan đơn vị; tăng cường công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước về chống tham nhũng…
Đối với công tác xét xử các vụ án tham nhũng, chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu ngành tòa án chỉ xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các tình tiết đặc biệt thuyết phục.
“Ví dụ, anh phải ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, khai báo, tự nguyện khai thêm những việc trước đây anh gây ra… thì mới gọi là tình tiết đặc biệt”, ông Vân khẳng định: “Tội phạm tham nhũng và đã gọi là quốc nạn thì phải có những tình tiết giảm nhẹ đặc biệt mới được. Các bản án phải có tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa cao và phải được dư luận đồng tình”.
Đại tá Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay công tác phát hiện, phòng chống tội phạm tham nhũng giữa các cơ quan thanh tra, điều tra… vẫn chưa được chặt chẽ. Trình độ của điều tra viên về án tham nhũng cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là lĩnh vực quản lý tài chính.
“Về mặt pháp luật cũng vướng, nhiều vụ án tham nhũng cả năm giám định tài sản nhưng vẫn chưa có kết quả. Mà chưa có kết quả giám định thì chưa thể khởi tố. Hoăc những vụ có liên quan đến xây dựng cơ bản thì khi chưa quyết toán thì chưa thể khởi tố được”, ông Hải nói.
Đại tá Lê Thanh Hải kiến nghị phải xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Hàng năm phải có đánh giá đối với các cơ quan này. “Nếu anh đã kiểm tra, kiểm toán rồi mà vẫn có tham nhũng thì phải truy trách nhiệm cơ quan giám sát đó”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải cần thiết phải có một “nhạc trưởng” điều hành các cơ quan phòng chống tham nhũng. Bên cạnh xây dựng cơ quan chuyên trách thì cũng phải xây dựng cơ quan giám sát.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: 'Lỡ nhũng chàm thì đừng có gặp lãnh đạo nhờ can thiệp' 3
Ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính (Thành ủy Đà Nẵng) cho biết, trong 15 vụ án tham nhũng tại TP “không có vụ án nào là không có sự can thiệp” Ảnh: Hoàng Sơn
Không có vùng cấm cho hành vi tham nhũng
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các cơ quan tố tụng phải phối hợp với nhau thật tốt, thống nhất xử lý trên tinh thần phối hợp đẩy manh tiến độ xử lý vụ án. “Làm quyết liệt, sai đến đâu xử lý đến đó, không buông xuôi, nể nang, né tránh và lưu ý là không có vùng cấm cho hành vi tham nhũng, tiêu cực”, ông Xuân Anh nói.
“Nhân hội nghị này, tôi cũng xin nói đồng chí nào có lỡ nhúng chàm, vi phạm những việc này (tham nhũng – PV) thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không có việc gặp lãnh đạo để nhờ tác động, can thiệp, kể cả UBND TP cũng không có việc xin xỏ, tác động gì chỗ này. Không có chạy án. Lỡ vi phạm rồi thì chịu xử lý của pháp luật”, ông Xuân Anh yêu cầu xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng và “không lăn tăn khi đã đủ chứng cứ”.
Đối với Ủy ban MTTQ, Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ phải làm sao huy động được nhân dân cùng tham gia chống tham nhũng. Từng cán bộ, công chức, Đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, giữ gìn đạo đức.
“Nói phục vụ nhân dân vô điều kiện thì cũng thiếu thực tế nên đơn giản với mỗi cán bộ thì ở mức nào đó thì phải dừng lại. Nói trong sáng và trong vắt như pha lê thì chắc là không có nên phải biết dừng lại ở chừng mực nào đó. Đã thấy sai mà còn làm là không chấp nhận được”, ông Xuân Anh nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, ông Xuân Anh khẳng định người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những sai phạm của cấp dưới chứ không được né tránh.
“TP.Đà Nẵng có những vụ lớn xảy ra thì rõ ràng Bí thư Thành ủy sẽ là người chịu trách nhiệm. Tôi nói tinh thần này để gắn trách nhiệm, ngoài việc xử lý những người vi phạm thì người đứng đầu cũng bị xử lý”, ông Xuân Anh nói thêm: “Chắc chắn giám đốc sở bị kỉ luật về tham nhũng, bị phạt tù hoặc gì đó thì lãnh đạo UBND TP cũng phải chịu trách nhiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.