Biển của Đà Nẵng, người dân phải được hưởng thụ

10/07/2015 05:25 GMT+7

Ngày 9.7, kỳ họp lần thứ 14, khóa 8 HĐND TP.Đà Nẵng tiếp tục với phần các đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND TP và một số sở ngành liên quan. Đại biểu tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc có quá nhiều nhà đầu tư “rào giậu” rồi bỏ hoang, nhưng vẫn ngăn cấm dân xuống biển.

*Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ “tồn dư” 17.702 lô đất

Ngày 9.7, kỳ họp lần thứ 14, khóa 8 HĐND TP.Đà Nẵng tiếp tục với phần các đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND TP và một số sở ngành liên quan. Đại biểu tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc có quá nhiều nhà đầu tư “rào giậu” rồi bỏ hoang, nhưng vẫn ngăn cấm dân xuống biển.

Một dự án đầu tư ven biển Đà Nẵng rào kín không cho dân xuống biển dù chưa triển khai Một dự án đầu tư ven biển Đà Nẵng rào kín không cho dân xuống biển dù chưa triển khai - Ảnh: H.T

Dự án không triển khai sao lại quản lý cả bãi biển?

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết tại Đà Nẵng có 52 dự án đầu tư ven biển được cấp phép với tổng diện tích 1.640 ha, trong số này có 14 dự án đầu tư nước ngoài. Hiện có 20 dự án đi vào hoạt động, còn lại là chậm triển khai hoặc chỉ mới rào giậu rồi bỏ hoang. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Bình hỏi: “Doanh nghiệp được giao sử dụng đất chứ đâu được giao mặt nước mà cũng cấm dân đi vào khu vực bãi biển?”. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng các doanh nghiệp mang danh nhà đầu tư đến chỉ để... vẽ dự án, chờ mua đi bán lại là chính, nhưng lại rào chắn ngăn cấm người dân ra biển.

“Nóng” về nạn ném đá xe khách

Trong hai ngày 8 và 9.7, HĐND tỉnh Kon Tum tổ chức kỳ họp thứ 10, khóa 10, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tại kỳ họp này, vấn đề ném đá xe khách được nhiều đại biểu quan tâm vì trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ném đá lên các phương tiện giao thông ở 4 huyện, thành phố trong tỉnh gồm Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà và TP.Kon Tum. Đến nay, cơ quan chức năng đã tìm ra được các đối tượng có liên quan đến hành vi ném đá lên xe khách và xử lý 8 vụ, trong đó đã kiểm điểm tại cộng đồng 7 vụ, khởi tố 1 vụ.

Trần Minh

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, hỏi thêm: “Dự án không triển khai sao lại quản lý cả bãi biển? Sở KH-ĐT có lừng khừng, cả nể, sợ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư? Sở tham mưu làm sao cho người dân có chỗ xuống biển”.

Trả lời chất vấn, ông Trần Văn Sơn cho rằng các dự án chưa đầu tư xây dựng mà không cho người dân xuống biển là bất hợp lý. “Theo quy định của pháp luật, dự án đã được cấp phép nhưng quá hạn không triển khai thì xử phạt và thu hồi. Hiện sở đã tham mưu UBND TP xử lý theo hướng thu hồi 3 dự án không triển khai. Đến nay, đã hoàn tất thủ tục thu hồi 2 dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới”, ông Sơn nói. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP, cũng khẳng định sẽ tiến hành thu hồi những dự án đầu tư ven biển có dấu hiệu mua bán lòng vòng để trục lợi.

 “Phải kiên quyết rà soát thu hồi những dự án chậm triển khai, sai quy định, không làm đúng hợp đồng. Không được nể nang, thiếu cương quyết khiến kỷ cương phép nước không nghiêm. Bãi biển của Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng, sao lại cấm dân đi dạo, cấm dân đi tắm biển được”, ông Trần Thọ một lần nữa nhấn mạnh.

Du lịch “như cái lờ hứng cá”

Dù thời gian qua, hạ tầng du lịch được đầu tư rất nhiều, nhưng theo ý kiến của nhiều ĐB, thì ngành du lịch vẫn còn cần phải đầu tư, cải thiện. ĐB Nguyễn Quốc Bình nêu thực trạng Đà Nẵng có con sông Hàn rất đẹp nhưng chưa có sản phẩm du lịch đúng nghĩa. “Hiện có 25 con tàu chở du khách trên sông Hàn nhưng những con tàu này hoạt động không bến, không tour nên không được Sở GTVT cấp giấy phép. Đã có hai trường hợp gặp sự cố trên sông phải yêu cầu tàu của Bộ đội Biên phòng kéo vào bờ trong đêm. May mà tính mạng hành khách chưa hề gì, chứ nếu có chuyện thì trách nhiệm thuộc về ai”, ĐB Bình chất vấn. Ông Bình cũng ví von: “Tôi cảm thấy du lịch Đà Nẵng mình như cái lờ, cứ hứng cá, cá vào thì mình đớp, mình ăn thịt”.

Liên quan đến vấn đề môi trường, các ĐB cũng đã “quay” Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Điểu xung quanh việc ô nhiễm tại cảng cá Thọ Quang, sông Phú Lộc và các trạm xử lý nước thải khiến người dân bức xúc. Ngay cả việc khai thác khoáng sản tràn lan, sai phép, sai mục đích hay vẫn để xảy ra chuyện lừa đảo bố trí chung cư cho người nghèo; chuyện phá rừng vẫn xảy ra...

Liên quan đến việc “tồn dư” 17.702 lô đất tái định cư trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết Thanh tra Chính phủ đã thông báo sẽ vào cuộc trong thời gian tới.

Kiểm lâm tham gia phá rừng

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP, cho biết tình trạng phá rừng và đốt rừng trái pháp luật diễn ra nghiêm trọng tại Đà Nẵng. Chỉ trong 6 tháng đã xảy ra 3 vụ phá rừng ở Cà Nhông, Tiểu khu 10 và 15, gây thiệt hại 4,278 tỉ đồng. Cách đây 2 tuần, lực lượng kiểm lâm phát hiện rừng tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) bị đốn hạ (chủ yếu là rừng non, đang phục hồi). Năm ngoái, đã đình chỉ 10 kiểm lâm viên, trong đó Công an TP.Đà Nẵng bắt tạm giam 2 cán bộ kiểm lâm. Ngoài ra, liên quan đến vụ phá rừng mới nhất tại khu vực giáp ranh giữa H.Hòa Vang và Q.Liên Chiểu, thêm lãnh đạo Hạt Kiểm lâm H.Hòa Vang cũng bị kiểm điểm.

Ông Trần Thọ gay gắt: “Phải xử lý mạnh tay, tối đa để giữ rừng, giữ lá phổi của TP. Tôi yêu cầu chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ quản lý chứ không dừng ở mức kiểm điểm ghi vào hồ sơ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.