Biến đổi khí hậu chưa là tác nhân quan trọng gây ngập

01/11/2010 10:30 GMT+7

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Phó ban Điều phối chương trình chống ngập TPHCM, cho biết tốc độ gia tăng trung bình qua từng năm của mực nước biển đo được ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ vào khoảng 4 - 5mm/năm, trong khi đó mực nước ở các sông như Sài Gòn, Nhà Bè, Bến Lức… gia tăng với tốc độ trung bình 1,5 - 2cm/năm.

 Điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, dù là nguy cơ nhưng chưa phải là tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngập trầm trọng ở TPHCM trong thời gian qua.

Nhận diện những điểm ngập mới

Báo cáo ngày 22-10-2010 của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho thấy, chỉ tính riêng việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật từ đầu năm 2010 đến nay đã ảnh hưởng đến 274 vị trí thoát nước. Hiện các nhà thầu thi công đã khắc phục và đảm bảo thoát nước cho 234 vị trí, đang khắc phục 12 vị trí, nhưng còn tới 28 vị trí chưa được xử lý.

Một số khu vực ngập nặng điển hình hậu quả của việc thi công tắc trách, có thể kể là đường Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Quốc Toản, Bà Lê Chân… Những điểm ngập này phát sinh do tuyến cống thoát nước của dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đấu nối tạm qua cống vòm hiện hữu nhưng không đảm bảo thoát nước. Điểm ngập trên đường Bùi Hữu Nghĩa do đơn vị thi công lắp đặt cống hộp song không có biện pháp dẫn dòng, làm cho nước tràn lên mặt đường.

Điểm ngập tại khu vực đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Châu Văn Liêm, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… do các nhà thầu của dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây tuy đã thi công xong tuyến cống thoát nước chính nhưng chưa tháo dỡ vách ngăn (xây tạm trong lúc chặn dòng để thi công) gây ra.

Điểm ngập tại phường 15, quận 8 là do đơn vị thi công phá bỏ cống cũ, cửa xả mà không có giải pháp thay thế đã gây ngập nặng cho cả khu vực khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc, buộc phải khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.

Ở tầm bao quát hơn, một điều tra khác của Ban Điều phối chương trình chống ngập TPHCM cho thấy, ngay cả những khu vực cao hoặc những khu vực vốn dĩ có nhiều kênh, rạch, trước kia hầu như chưa bao giờ bị ngập nay cũng đã ngập. Điển hình của vấn đề này là quận 12 - một khu vực cao và cũng có khá nhiều rạch cùng đất trống để thoát nước.

Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, đây là hậu quả của tình trạng san lấp sông, kênh rạch, xây dựng bịt mất hướng thoát tự nhiên của dòng nước khiến cho vùng đất này trở thành một trong những khu vực có nhiều điểm ngập phát sinh mới nhiều nhất của thành phố. Tiếp sau quận 12 là các quận Thủ Đức, quận 7 và huyện Bình Chánh - những khu vực đang có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố. Nguyên nhân gây ngập cho khu vực này cũng tương tự nguyên nhân gây ngập ở quận 12… tất cả đều do hoạt động thiếu cẩn trọng, thiếu tính toán, thiếu quản lý của một bộ phận không nhỏ người dân và chính quyền địa phương gây ra.

Mưa nhiều hơn, lớn hơn cũng là một trong những tác nhân phát sinh nhiều điểm ngập mới. Nhưng vấn đề là mưa nhiều hơn, lớn hơn lại chủ yếu do hoạt động sản xuất, đi lại (bằng xe cơ giới) của con người gây nên.

Tiến sĩ Hồ Long Phi phân tích, khói các nhà máy, xí nghiệp, khói thải từ các phương tiện giao thông làm nóng bầu khí quyền thành phố. Theo tự nhiên, khí nóng nhẹ sẽ bốc lên cao, tạo điều kiện cho khí lạnh ở nơi khác tràn về và tạo ra… mưa. Mực nước trong các sông, kênh, rạch của TPHCM nói riêng và khu vực TPHCM nói chung, liên tục tăng lên là vì vậy.

Nâng chất quản lý đô thị

Đó là cách giải quyết căn cơ nhất mà trong đó từng cá nhân, đơn vị phải được xác nhận trách nhiệm cụ thể. Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM nhận định như thế.

Các nhà thầu thi công làm tắc dòng thoát nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người dân và xã hội. Tương tự như vậy, những người cố tình san lấp sông, kênh rạch trái phép không những phải bồi thường cho người bị thiệt hại mà còn có phải trách nhiệm bồi trả lại diện tích sông, kênh, rạch đã san lấp trái phép.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh và ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, tin rằng với những khoản bồi thường lớn, các nhà thầu và những người cố ý làm trái sẽ không dám tắc trách hoặc làm trái quy định của nhà nước nữa.

Ở cấp vĩ mô, công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị sẽ phải đóng vai trò quyết định cho việc chống ngập. Tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, nhà nước có thể vận động người dân đi xe công cộng hoặc sử dụng xe đạp để hạn chế khói xe cơ giới thải vào môi trường. Bằng các chính sách tài chính, nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ - một cách để giảm khói thải công nghiệp hữu hiệu nhất. Thế nhưng, một điều không thể thiếu là nên định hướng phát triển không gian đô thị trên cơ sở thân thiện với môi trường, hạn chế đến mức tối đa việc san lấp sông, kênh rạch hoặc bê tông hóa các vùng đất trũng vốn là vùng thoát nước tự nhiên.

Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa… thiếu cảnh giác đối với hiện tượng biến đổi khí hậu. Trước mắt, như phân tích của Tiến sĩ Hồ Long Phi, biến đổi khí hậu có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến tình trạng ngập nước của thành phố nhưng trong thời gian không xa rất có thể chúng sẽ là một trong những nguyên nhân lớn gây ngập.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.