Biến vú heo thối thành vú dê: 'Ác quá, mất nhân tính!'

18/11/2015 14:00 GMT+7

Sau khi bài Biến vú heo thối thành vú dê đăng trên báo Thanh Niên, không ít độc giả đã cảm thán: “Kinh khủng quá, con người tự đầu độc nhau vậy sao. Ác quá, mất nhân tính quá!”.

Sau khi bài Biến vú heo thối thành vú dê đăng trên báo Thanh Niên, không ít độc giả đã cảm thán: “Kinh khủng quá, con người tự đầu độc nhau vậy sao. Ác quá, mất nhân tính quá!”.

Vú heo được bỏ trên nền đất dơ bẩn - Ảnh: Công NguyênVú heo được bỏ trên nền đất dơ bẩn - Ảnh: Công Nguyên
Ham lợi nhuận, bất chấp đạo đức
Một bạn đọc tên Trang bày tỏ bức xúc: “Từ tỉnh Hà Nam Trung Quốc qua VN mất khoảng 4 - 5 ngày thử hỏi có hóa chất nào giữ nổi không thối và phân hủy như xác chết không? Là nội tạng nên chỉ cần 24 tiếng là hư rồi. Như vậy họ đă sử dụng hóa chất rất độc hại và hoạt tính rất mạnh mới tồn tại thời gian lâu như thế. Chúng thật độc ác và tàn nhẫn, buồn hơn là con người VN tự giết người VN. Đề nghị đem ra xử công khai để răn đe, và mức án trên 10 năm. Vì đây là tội giết người...”.
Một bạn đọc tên Triều viết: "Cứ cái đà này thì chắc chắn chỉ 10 năm nữa thôi VN mình tỉ lệ người dân bị mắc bệnh ung thư sẽ cao (chủ yếu là phái cánh đàn ông ăn nhậu);  tỉ lệ người cao tuổi chắc sẽ không còn. Dân VN ta tự đầu độc dân ta chỉ vì ham lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn, đạo đức". 
Độc giả tên Thanh bức xúc: “Tình trạng vú heo thối biến thành vú dê bán tràn lan tại các quán dê nướng lớn ở TP.HCM như quán dê ở đường Trương Định (Q.3) như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Phải chăng các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm làm “ngơ” nên tình trạng này mới ngày một nhiều như vậy, có lẽ người VN phải chấp nhận sống chung với loại thực phẩm dơ bẩn này. Suy cho cùng người với người tự đầu độc nhau thôi”.
Chất độc tích tụ, ảnh hưởng đến thế hệ sau
Trao đổi với Thanh Niên Online về việc ông Trần Xuân Quảng (quê Hưng Yên) cung cấp vú heo thối cho nhiều đại lý lớn nhất tại TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, theo quy định của khoản 1 Điều 6 Luật An toàn Thực phẩm năm 2010 về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.
Các nhân viên đang sơ chế vú heo thối thành vú dê - Ảnh: Công Nguyên
Theo đó, có thể xử lý hình sự đối với ông Quảng theo Điều 244 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Điều 244 nêu rõ, người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, LS Chánh cho rằng, trên thực tế để xác định hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm “bẩn” hoặc thực phẩm có chất độc hại của các cá nhân, tổ chức là gây ra thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe đối với người tiêu dùng là rất khó khăn, nếu như không muốn nói gần như khó xác định được. Bởi người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm “bẩn” hoặc thực phẩm có chất độc hại thì việc ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe ngay tức thì là khá thấp, mà thiệt hại về sức khỏe bị tích tụ qua ngày và càng về sau càng nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.
Xử lý hành chính quá nhẹ
Theo LS Chánh, ngoài ra có thể xử lý hành chính theo Nghị định 119 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và Nghị định 178 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nhưng xử lý hành chính theo nghị định này là quá nhẹ so với hành vi, hậu quả họ gây ra. Vì vậy, LS kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 244 BLHS theo hướng “đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm” là đủ yếu tố cấu thành tội danh này. Có như vậy, hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” hoặc thực phẩm có chất độc hại mới bị xử lý nghiêm, bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng.
Còn LS Nguyễn Thúy Lệ Huyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, cần xử phạt hành chính với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 119 năm 2013 của Chính phủ. Theo đó, mức phạt là phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50 triệu đồng hoặc sẽ bị xử lý theo Nghị định 178 năm 2013 của Chính phủ về hành vi “Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị” với mức phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100 triệu đồng.
Riêng với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép thì sẽ bị phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.