Bitcoin bên bắt, bên thả

15/10/2014 06:55 GMT+7

Trong khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định bitcoin không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN thì tại Khánh Hòa, vụ án “kinh doanh trái phép” liên quan đến “tiền ảo” mà cơ quan điều tra đã khởi tố vừa được Viện Kiểm sát ra quyết định hủy khởi tố với lý do không phạm tội.

 Bitcoin bên bắt, bên thả
Minh họa: DAD

Chiều 14.10, đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa xác nhận cơ quan này vừa ban hành các quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội “kinh doanh trái phép” của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Khánh Hòa đối với các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Thông (cùng trú P.Phước Hải, TP.Nha Trang).

Cơ quan điều tra nói có tội

Ngày 15.3, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Khánh Hòa khám xét khẩn cấp công ty tư vấn xây dựng của ông Minh và công ty thương mại - dịch vụ của ông Thông, tại cùng địa chỉ ở đường Lê Hồng Phong, P.Phước Hải. Công an tạm giữ gần 500 triệu đồng cùng nhiều máy vi tính, giấy tờ, tài liệu liên quan…

 
Hành vi của các ông Thông, Minh, Trinh không cấu thành tội kinh doanh trái phép. Vì kinh doanh, mua bán bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là kinh doanh tiền tệ; bitcoin và tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm

Ông Võ Ngọc Sang,
Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa

Quá trình điều tra, công an xác định các ông Thông, Minh, Trinh sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để khai thác, mua bán bitcoin và các loại tiền ảo khác. Ngày 4.6, Cơ quan CSĐT ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Minh, Trinh, Thông cùng về tội “kinh doanh trái phép”.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết sau khi vụ án được Viện KSND tỉnh hủy bỏ, Cơ quan CSĐT vẫn bảo lưu quan điểm khởi tố và đã có văn bản kiến nghị gửi đến Viện KSND tối cao để xem xét lại các quyết định của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa.

“Mục tiêu của những người trên là đầu tư để thu lợi nhuận. Trên thực tế, họ đã giao dịch rất nhiều, với số lượng rất lớn tiền thật ở nhiều ngân hàng. Vụ việc này cũng tương tự vụ án ở Hải Phòng, đã xét xử một người. Nhưng câu hỏi lớn ở đây là tại sao cùng một hành vi, nhưng có địa phương đã xét xử và bản án đã có hiệu lực, còn ở Khánh Hòa thì lại cho rằng không có căn cứ”, vị này nói.

Viện Kiểm sát nói không

Theo ông Võ Ngọc Sang, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, quan điểm của Viện KSND tỉnh trong vụ này là hành vi của các ông Thông, Minh, Trinh không cấu thành tội “kinh doanh trái phép”. Vì kinh doanh, mua bán bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là kinh doanh tiền tệ; bitcoin và tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm; việc thực hiện giao dịch, mua bán, trao đổi chỉ bằng thỏa thuận trong một nhóm người sử dụng tiền ảo; hoạt động khai thác bitcoin không phải là hoạt động kinh doanh thương mại.

 

Mục tiêu của những người trên là đầu tư để thu lợi nhuận. Trên thực tế, họ đã giao dịch rất nhiều, với số lượng rất lớn tiền thật ở nhiều ngân hàng. Vụ việc này cũng tương tự vụ án ở Hải Phòng, đã xét xử một người

Một lãnh đạo Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Khánh Hòa

Trong khi đó, theo ông Hồ Sỹ Niêm, Trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, ngoài vụ án ở Khánh Hòa, một số địa phương khác đã thỉnh thị các cơ quan tố tụng T.Ư về việc xử lý các vụ án có liên quan đến bitcoin. “Chúng tôi có trao đổi với Khánh Hòa với quan điểm thực tế ở địa phương như thế nào thì họ căn cứ vào quy định pháp luật để vận dụng chứ không thể áp vụ này vào vụ khác được”, ông Niêm nói và cho biết năm 2013, C45 đã thụ lý một vụ án “kinh doanh trái phép” có liên quan bitcoin tại Hải Phòng và đã được TAND TP.Hải Phòng đưa ra xét xử. Tuy nhiên, tính chất vụ án này không giống vụ ở Khánh Hòa bởi hành vi vi phạm ở đây không chỉ là bitcoin mà còn liên quan đến cả hệ thống kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.

Luật sư: cần đưa vào luật

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng bitcoin xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động thương mại qua mạng internet với nhiều nguy cơ nhưng dường như cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xử lý. “Nếu xử lý về hành vi kinh doanh trái phép hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều thấy khiên cưỡng, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt tiền ảo chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh”, ông Hậu nói.

Luật sư Hậu cũng cho rằng, sắp tới khi sửa đổi bộ luật Hình sự, cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu để đưa vấn đề tiền ảo vào luật. “Phải có quy định cụ thể trong bộ luật Hình sự mới xử lý được về hành vi hình sự”, ông Hậu nói.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có thông báo không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng, trong đó có Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy...

Không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận

Hồi tháng 2.2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cảnh báo bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Do vậy, việc sử dụng làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân. Do vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6.2010, đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Sự xuất hiện của bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng. Chẳng hạn, các giao dịch bằng bitcoin có tính ẩn danh cao nên bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp. Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.

Thực tế đầu năm 2014, giá bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Ngày 25.2.2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng.

Do giá trị đồng bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu sẽ chịu toàn bộ rủi ro.

Nguyễn Chung - Thanh Xuân - Thái Sơn

 >> Khuyến cáo giao dịch bitcoin trên các website thương mại điện tử
>> Việt Nam không chấp nhận tiền Bitcoin
>> Bitcoin Tiền ảo giá trị 'khủng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.