“Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó...“

Vũ Hân
Vũ Hân
16/10/2020 19:58 GMT+7

Là một dân tộc trải qua lịch sử đấu tranh ngàn năm để bảo vệ bờ cõi, Việt Nam thấm thía hơn ai hết sự thiêng liêng của "biên giới", "lãnh thổ" .

“Trước chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển..."

Ngày 16.10, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo 45 năm Uỷ ban Biên giới Quốc gia (1975 - 2020) nhằm tri ân những thế hệ đi trước đã đóng góp vào việc dựng “hình hài” đất nước và giáo dục thế hệ sau này.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đối với dân tộc Việt Nam, lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn chặt với lịch sử hào hùng mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Trải qua bao đời, các thế hệ người Việt luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, song cũng kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hòa bình cho dân tộc.
Hòa theo dòng chảy của lịch sử, từ chỗ lần đầu tiên có tên trên bản đồ thế giới, “trước chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”, nhiều thế hệ người Việt đã đổ xương máu để giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Nhiều thế hệ tiếp nối nhau vẫn đang kế thừa truyền thống đó, với “mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc”, là bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia, cũng cho rằng, là dân tộc đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh để giành độc lập, người Việt Nam thấm thía hơn ai hết tính chất thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ.
Vì lý do đó, ngay sau khi thống nhất, Hội đồng Chính phủ đã sớm ra Nghị định 188-CP ngày 6.10.1975 thành lập Ban Biên giới, tiền thân của Ủy ban Biên giới Quốc gia ngày nay.
Nếu như trước năm 1975, đường biên giới nước ta chủ yếu mang tính lịch sử do người Pháp để lại, thì hiện nay, toàn bộ chiều dài hơn 5.000 km đường biên giới đất liền, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đã được hoạch định bằng một loạt các văn bản pháp lý quốc tế ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, với tư cách là các quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Hơn 450 cột mốc được cắm những năm cuối thế kỷ 19 đã được thay thế bằng hơn 5.000 mốc giới chính quy, hiện đại, đánh dấu rõ đường biên giới trên thực địa.

Các thế hệ gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ được vinh danh tại hội thảo sáng nay.

Ảnh BNG

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ có vùng lãnh hải chiều rộng vài hải lý dọc theo hơn 3.260 km bờ biển, thì giờ đây, căn cứ theo UNCLOS 1982, không gian thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước được mở rộng ra nhiều lần, gấp hơn 2 lần diện tích lãnh thổ quốc gia.
Cùng với đó, ta đã linh hoạt và sáng tạo có các giải pháp đa đạng để giải quyết, xử lý các vùng biển chồng lấn với các nước, như quản lý chung vùng nước lịch sử với Campuchia, khai thác chung thềm lục địa với Malaysia hay phân định dứt điểm ranh giới trên biển với Thái Lan, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và phân định thềm lục địa với Indonesia.
Một mặt bằng tiếp xúc vận động ngoại giao song phương, một mặt đấu tranh kiên trì, mềm dẻo tại các hội nghị quốc tế, Việt Nam cũng đã giành lại quyền kiểm soát đối với Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, khẳng định quyền lợi chính đáng của chúng ta, cũng như chứng minh trình độ, năng lực quản lý và điều hành hoạt động tại vùng trời trên Biển Đông.

Vô vàn khó khăn, nhưng ý chí của ta là không lay chuyển được...

 
Mặt trận đàm phán tuy không tiếng súng, nhưng cũng không kém phần cam go, vất vả.
“Nói vậy thôi, nhưng trên 5.000 cột mốc là trên 5.000 tấn vật liệu đưa lên biên giới trong điều kiện thời tiết Bắc - Trung - Nam rất khó khăn. Tôi trưởng thành từ anh đội trưởng đội vũ trang, đến lúc phân giới, cắm mốc thì tôi là đồn phó đồn biên phòng, hàng ngày cùng với các anh em trong nhóm muối vừng, cơm vắt đi cắm mốc, lên đến nơi mệt không ăn được nữa. Có những khu vực đi 10 ngày, ngồi cãi nhau chán rồi về. Vùng núi chỉ có con la thồ được vật liệu thôi. Riêng trên tuyến nhóm 10, nhóm 11 của Lạng Sơn phải thay 8 con la, mỗi lần chỉ chở được ba, bốn chục cân lên biên giới. Vô cùng khó khăn, nhưng ý chí của cán bộ ta là không lay động được”, thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhớ lại.
Thế cho nên, mỗi lần Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung đi công tác địa phương, bao giờ cũng hỏi thăm đầu tiên là anh em đồn biên phòng, thứ hai là các anh phân giới, cắm mốc, hiện nay sức khỏe thế nào, công việc ra sao, dặn dò phải quan tâm đến những người đóng góp thầm lặng này, thiếu tướng Đạo kể.
“Trong suốt 45 năm qua, chúng ta có thể tự hào rằng, Ủy ban Biên giới Quốc gia đã chung tay, đóng góp quan trọng vào bảo vệ vững chắc phên giậu quốc gia và góp phần trực tiếp vào xây dựng và phát triển đất nước”, ông Lê Hoài Trung nói, nhưng cũng không quên nhắc đến vấn đề “còn lại”.

Đó là chủ quyền của ta với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...

Đó là chủ quyền của ta với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, việc phân định biển với các nước láng giềng theo UNCLOS 1982.
“Ủy ban Biên giới Quốc gia đã làm tốt công tác chủ trì đấu tranh chính trị, ngoại giao, tuyên truyền và pháp lý, góp phần bảo vệ chủ quyền của chúng ta với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.
Bên cạnh đó, ông cũng giao nhiệm vụ cho Ủy ban Biên giới Quốc gia cần nắm chắc tình hình, diễn biến trên thực địa để chủ động xây dựng cá giải pháp xử lý, bảo vệ các quyền và lợi ích của ta, không để bị động, bất ngờ.
Đáp từ, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung cũng cam kết, sẽ không để ta rơi vào thế “bị động, bất ngờ” ở một vấn đề rất thiêng liêng trong tiềm thức dân tộc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.