Bờ sông Tô Lịch tiếp tục bị chiếm dụng

12/07/2010 08:55 GMT+7

Thay vì được vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan làm đẹp đô thị chào đón sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, phía bờ phải của sông Tô Lịch lại bị biến thành các điểm trông giữ xe, những quán hàng ăn, quán nước... cũng mọc lên nhiều hơn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) về việc tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên tuyến bờ phải sông Tô Lịch (P.Quan Hoa), ngày 6.1.2010, UBND phường Quan Hoa đã ra thông báo số 02/TB-UBND về việc “Quản lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên tuyến bờ sông Tô Lịch, P.Quan Hoa”.

Theo đó, các hộ gia đình, các cá nhân hoặc tổ chức phải giải tỏa ngay vật liệu xây dựng (VLXD) và các vật dụng, thiết bị, hiện đang tập kết trên mặt bằng tuyến bờ phải sông Tô Lịch từ cầu T11 đến Cầu Giấy xong trước ngày 17.1.2010. Toàn bộ hành lang bờ phải của sông Tô Lịch từ cầu T11 đến Cầu Giấy sau đó được giao cho Công ty môi trường Thăng Long quản lý (gọi tắt là công ty Thăng Long).

Công ty Thăng Long được giao quản lý duy trì đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường bờ phải sông Tô Lịch theo cơ chế khoán quản, tự cân đối từ nguồn thu hoạt động dịch vụ trông giữ và vệ sinh phương tiện tạm thời.

Thực tế công ty này đã tiến hành thu dọn cỏ, rác, dùng máy xúc đào gom, bóc toàn bộ phần đất thải cao hơn cốt mặt đường, tạo độ dốc thoát nước cho đường, đắp mái ta-luy, lập tổ tuần tra, chốt trực chống đổ trộm VLXD... Và nạn đổ trộm VLXD cũng đã giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, không hiểu sao hiện nay, dọc bờ phải sông Tô Lịch (đoạn từ cầu 32B - Cầu Giấy) các điểm tập kết VLXD lại mọc lên nhiều, quy mô hoạt động cũng hoành tráng hơn trước. Thậm chí, để tăng doanh thu cũng như thuận tiện hơn trong công việc làm ăn, chủ nhân của những điểm tập kết VLXD còn trang bị hẳn một chiếc máy xúc loại nhỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, những chồng gạch cao ngút đầu người, những đống cát vàng, đá dăm to như một gian phòng chiếm trọn phần bờ hè, khiến người đi bộ không còn cách nào khác là chọn lòng đường cùng các phương tiện giao thông khác. Chưa hết, những chuyến tập kết, vận chuyển VLXD tại bờ phải sông Tô diễn ra ngay ban ngày và không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Không chỉ những bãi tập kết VLXD, các quán ăn, hàng nước cũng ngang nhiên tồn tại và hoạt động. Thậm chí, một trong những quán ăn ấy còn nằm sát bên một điểm chốt trực của lực lượng bảo vệ của công ty Thăng Long.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, Giám đốc Xí nghiệp Công trình đô thị (trực thuộc công ty Thăng Long), đơn vị trực tiếp quản lý đoạn từ cầu 32B cho tới Cầu Giấy, ông Đặng Tiến Thành lý giải: “Vì đất lề quê thói, các hộ mở quán bán hàng đều là dân bản địa, nên cực chẳng đã Xí nghiệp mới để cho ngồi nhờ”.

Còn với những điểm mà một số tư nhân tập kết VLXD để kinh doanh thì ông Giám đốc Thành lại cho rằng đó chỉ là các điểm tập kết vật liệu, phế thải xây dựng tạm thời - không quá 12 giờ đồng hồ, của một số cá nhân. Và đã được Xí nghiệp chấp thuận bằng văn bản.

“Những điểm này đều có hàng rào kín, có lưới phủ chống phát tán bụi...”, ông Thành giải thích. Nhưng khi chúng tôi đề nghị được xem văn bản cho phép một tư nhân tập kết VLXD có sử dụng cả chiếc máy xúc loại nhỏ trong khu vực cấm thì ông Thành nói “không được biết”!

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.