Bỏ trẻ sơ sinh sẽ bị xử lý hình sự

28/05/2021 21:35 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc bỏ rơi trẻ sơ sinh là hành vi nghiêm cấm. Trong trường hợp đứa trẻ bị tử vong, người bỏ trẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, một đoạn video do camera ghi lại vào lúc 1 giờ 8 phút ngày 22.5, có hai người nữ chở nhau trên xe máy khi đến đường Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh) thì dừng lại. Người ngồi sau xe cầm túi xách đến đặt tại bãi đất trống sát một căn nhà rồi lên xe chạy đi. Đến hơn 4 giờ cùng ngày, người dân đi tập thể dục ngang qua phát hiện bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn trong túi xách nên đưa vào trạm y tế và trình báo cơ quan chức năng. 

Hai phụ nữ nhẫn tâm bỏ rơi bé trai bên đường lúc nửa đêm

Như Thanh Niên từng thông tin, ngày 23.11.2020, UBND xã Thạch Kim (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết khoảng 3 giờ 45 sáng cùng ngày, một người trú tại thôn Long Hải, xã Thạch Kim, đang ngủ thì nghe tiếng trẻ con khóc trước cổng nhà nên thức giấc. Người này ra mở cửa thì phát hiện bé trai sơ sinh đặt trong thùng giấy kèm theo một bức thư, ghi: “Mẹ xin lỗi con! Vì hoàn cảnh mà mẹ phải chọn cách này. Cầu xin trời phật phù hộ cho con”.
Bỏ rơi trẻ em là hành vi nghiêm cấm
Theo luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TPHCM), trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ của gia đình, xã hội. Mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi của người mẹ sinh con ra nhưng không nuôi dưỡng mà bỏ con ở những nơi nguy hiểm như hố ga, bãi rác… Đây là hành vi nghiêm trọng, đáng bị lên án.
Theo LS Nữ, tại khoản 1 Điều 4 luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định “bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 6 luật này là “bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em”.
Đồng thời cả cha và mẹ phải có nghĩa vụ “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, theo khoản 2 Điều 69 luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
“Nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ (người thân trong gia đình) bỏ hoặc không nuôi dưỡng con sau khi sinh; cố ý bỏ rơi trẻ em ở những nơi công cộng… sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 15 triệu đồng theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, những người vi phạm còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật để khắc phục hậu quả”, LS Nữ cho biết.

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Không dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, theo LS Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM) cha, mẹ hoặc người giám hộ (người thân trong gia đình) nhẫn tâm vứt bỏ trẻ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi vứt bỏ trẻ gây ra thương tích cho trẻ thì sẽ bị truy tố về tội "cố ý gây thương tích" theo Điều 134 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 
Nghiêm trọng hơn, nếu người mẹ vứt bỏ con mình trong trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt; trẻ trong 7 ngày tuổi; hậu quả là đứa trẻ đó chết thì sẽ bị truy tố về tội “giết hoặc vứt con mới đẻ”. Theo khoản 2 Điều 124 BLHS, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đối với trường hợp trẻ đã qua 7 ngày tuổi; người mẹ không bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, nhưng đứa trẻ chết do có hành vi vứt bỏ con của người mẹ, thì tùy vào tích chất, mức độ người mẹ có thể bị truy tố về tội “giết người” theo Điều 123 BLHS có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
“Trong trường hợp, người cha, người giám hộ (người thân trong gia đình) vứt bỏ trẻ sơ sinh một cách tàn nhẫn, trong điều kiện thời tiết xấu, ở nơi nguy hiểm. Nếu họ biết trước hành động này có thể sẽ dẫn đến cái chết cho đứa trẻ nhưng vẫn thực hiện, sẽ bị truy tố về tội “giết người” theo điều 123 BLHS. Còn trong trường hợp họ biết nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra vì nghĩ rằng đứa trẻ sẽ được một ai đó tìm thấy thì có thể bị truy tố về tội “vô ý làm chết người” theo Điều 128 BLHS”, LS Thục cho biết thêm. 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.