Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân: 'Bà con cứ lặng lẽ làm khoa học'

19/11/2014 12:05 GMT+7

(TNO) Trả lời chất vấn sáng 19.11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân cho biết có nhiều trường hợp bà con cứ âm thầm, lặng lẽ nghiên cứu khoa học mà bộ không nắm được, đến khi công bố mới biết.


Bộ trưởng Nguyễn Quân - Ảnh: Ngọc Thắng

Tàu ngầm trong nước sản xuất chi phí rẻ, chạy tốt

Liên quan đến câu hỏi về chế tạo tàu ngầm, tàu lặn của một số nhà khoa học và người dân của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hiện có ba địa chỉ sản xuất tàu ngầm là tàu của ông Nguyễn Ngọc Bảo, ông Phan Bội Trân và tàu ngầm của một nhóm nhà khoa học, doanh nhân thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ông Quân cho biết Bộ KH-CN luôn trân trọng sáng kiến phục vụ xã hội của người dân và luôn có những diễn đàn để mời người dân góp ý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những sản phẩm làm ra phải được thị trường chấp nhận.

“Về tàu ngầm, tàu lặn thì ngoài yếu tố giao thông còn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng rất nhạy cảm. Khi nghe tin, Bộ cũng cử cán bộ tới tìm hiểu. Cũng có người rất hợp tác với Bộ nhưng cũng có trường hợp bà con cứ lặng lẽ làm, nghiên cứu khoa học. Khi sản phẩm được công bố, Bộ liên hệ tới thì sản phẩm không thể thay đổi được nữa vì thiết kế, sản phẩm đã xong”, ông Quân nói.

Riêng về tàu ngầm Hòa Bình, ông Quân cho hay đây là sản phẩm của nhóm chuyên gia thuộc Vinashin trong thời điểm tổng công ty này khó khăn không có việc làm, nhưng vì đam mê đã tự bỏ vốn thiết kế tàu ngầm. Tàu sau khi hoàn thành chở được người, lặn được hai ngày. Nhóm thiết kế cũng mời Bộ GTVT, KH-CN tham gia, rồi mời đăng kiểm của Đức kiểm tra. Việc kiểm tra thành công, tàu có thể đưa ra thị trường, phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, kiểm tra chân đế giàn khoan…


Thử tàu ngầm Yết Kiêu 1 của ông Phan Bội Trân - Ảnh: Đình Sơn

“Tôi dám ngồi vào tàu ngầm đó vì tin tưởng vào trình độ khoa học của anh em, lại có sự bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm nước ngoài. Tàu có nhiều thông số tốt hơn so với thiết kế ban đầu”, ông Quân khẳng định.

Người đứng đầu Bộ KH-CN cho biết thêm tàu ngầm Hòa Bình có chi phí 28 tỉ đồng, rẻ hơn so với mua nước ngoài giá 5-7 triệu USD (tương đương 100 - 140 tỉ đồng - PV), thậm chí thấp hơn cả giá thuê tàu nước ngoài. Trước thành công này, Bộ KH-CN quyết định hỗ trợ mỗi tàu 5 tỉ đồng, nhưng đến nay do khó khăn về chứng từ nên mới chỉ thanh toán được 3 tỉ đồng, chưa được 10% giá trị tàu.

Ông Quân cũng khuyến khích người dân khi có ý tưởng nghiên cứu khoa học nên thông báo cho cơ quan chức năng, Bộ KH-CN biết để có hướng hỗ trợ tư vấn khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường...

Bình quân 1 nông dân làm ra 1 tấn gạo/năm

Liên quan đến câu hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, ông Quân cho biết năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước lân cận như thấp hơn Singapore 14 lần, thấp hơn Thái Lan 2 lần. Cho nên trong bối cảnh hiện nay khoa học công nghệ chính là yếu tố quan trọng nhất nâng cao chất lượng hàng hóa.

 
Nông nghiệp Việt Nam có khoảng 40 triệu lao động, một năm làm ra 43 triệu tấn gạo, xuất khẩu 7-8 triệu tấn, tức 1 lao động làm ra 1 tấn gạo/năm, xuất khẩu 400 - 500 USD/tấn, bằng 1/1.000 giá trị của khu công nghệ cao Tân Trúc
Bộ trưởng Nguyễn Quân

Ông Quân kể câu chuyện cách đây hơn 10 năm, ông sang thăm khu công nghệ cao Tân Trúc ở Đài Loan. Năm 2003, khu công nghệ này với 100.000 lao động nhưng xuất khẩu 43 tỉ USD, tức bình quân 1 lao động xuất khẩu 400.000 USD.

Ở Việt Nam, nhà máy Samsung dự kiến quy mô 100.000 công nhân nhưng dự kiến xuất khẩu 40 tỉ USD, tức là một công nhân của tập đoàn này làm ra 400.000 - 500.000 USD/năm. Hay như Công ty sơn tổng hợp Hải Phòng theo công nghệ Nhật Bản, 1 công nhân làm ra 100.000 USD/năm.

Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam có khoảng 40 triệu lao động, một năm làm ra 43 triệu tấn gạo, xuất khẩu 7-8 triệu tấn, tức 1 lao động làm ra 1 tấn gạo/năm, xuất khẩu 400 - 500 USD/tấn, bằng 1/1.000 giá trị của khu công nghệ cao Tân Trúc và bằng 1/200 Công ty sơn tổng hợp Hải Phòng.

“Nông nghiệp Việt Nam năng suất thấp, giá trị gia tăng thu được càng thấp. Người nông dân bán 1 tấn gạo hi vọng lợi nhuận 30% nhưng không được, chỉ được 5 - 10%...”, ông Quân nói.

Theo Bộ trưởng Quân, tốc độ tăng năng suất lao động tăng chậm hơn tốc độ tổng sản phẩm nội địa (GDP), từ năm 2011 đến năm 2013 chỉ tăng 3%/năm. Do đó, Thủ tướng phê duyệt dự án nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam đến năm 2020 với nhiều bộ ngành tham gia, dự án nâng cao chất lượng hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, năng suất lao động tăng hay không còn phụ thuộc vào việc tái cơ cấu ngành kinh tế.

Trung Hiếu - Viên An

>> Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng thực hiện đúng lời hứa
>> ĐB Trần Du Lịch: 'Đường đi 30-40 km/giờ thì đi đường đất chứ làm đường nhựa làm gì
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Đã là lời hứa sẽ phải thực hiện cho đúng
>> Lạm phát' cấp phó: Bộ Nội vụ đề xuất giảm, các bộ không đồng ý
>> Truyền hình trực tuyến: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
>> Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: ‘Doanh nghiệp trong nước vẫn kiểm soát thị trường bán lẻ’
>> Chất vấn tại Quốc hội: 'Tại sao dân phải đưa hối lộ?
>> Chất vấn tại QH: 'Có thể bán khách sạn để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.