Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nói về ô tô và điện

19/05/2006 00:20 GMT+7

* Trước đây, Bộ Công nghiệp nói rõ đến ngày 30/12/2005 nếu doanh nghiệp nào không đạt tiêu chuẩn 115 (tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng: phải có dây chuyền sơn điện ly, có đường thử... đối với các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải) thì sẽ bị dừng sản xuất, lắp ráp. Cuối năm 2005, Bộ Công nghiệp lập đoàn kiểm tra vấn đề này nhưng cho đến giờ báo chí vẫn chưa tiếp cận được nội dung bản kết luận của Bộ?

- Quyết định 115 chỉ kiểm soát đầu vào, tức là đưa thêm một cái barie cho những "ông" định vào thị trường đó, còn đăng kiểm là kiểm soát đầu ra. Trong xã hội có nền kinh tế thị trường hoàn toàn thì người ta chỉ kiểm soát đầu ra, tức là tôi đưa ra tiêu chuẩn, ông phải đáp ứng tiêu chuẩn đó để bán ra xã hội. Nhưng ở mình, do đầu tư hay chạy theo phong trào, để tránh sự lãng phí nên mình đưa thêm một barie đầu vào nữa, đó là (Quyết định - TN) 115, tránh tình trạng "lắp ráp vỉa hè". Bây giờ thị trường đã mở, ô tô Trung Quốc đã vào, thì cái quyết định cuối cùng lại là người tiêu dùng. Người mua ô tô càng về sau càng ý thức được điều này. Vì thế các nhà sản xuất luôn luôn cố gắng làm tốt hơn các tiêu chuẩn mà Nhà nước đề ra để bán được hàng. Lắp ráp vỉa hè, ba cái đồ linh tinh vớ vẩn không tên, người tiêu dùng nhận biết được ngay.

* Nhưng quy định đặt ra và Bộ cũng đã lập đoàn kiểm tra thì phải công bố chứ ?

- Đã có kết luận thanh tra và chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, nhưng do Thủ tướng chưa họp được để thông qua kết luận đó nên chúng tôi chưa công bố được. Tuy nhiên, theo tôi đến thời điểm này thì cái đó không còn ý nghĩa nữa vì các doanh nghiệp vừa rồi chưa đạt thì người ta cũng đã đầu tư đạt được. Kể cả họ chưa đạt đi chăng nữa thì sản phẩm của họ cũng không bán được.

* Tỷ lệ không đạt là bao nhiêu, thưa Bộ trưởng?

- Làm sao nhớ được. Cũng nhiều doanh nghiệp không đạt lắm. Chúng tôi chia ra làm thành mấy loại, thứ nhất là những doanh nghiệp đạt ngay trong lúc kiểm tra; thứ hai là những doanh nghiệp đến tháng 12.2005 sẽ đạt (vì họ đang đầu tư khi mình đi kiểm tra); và thứ ba là những doanh nghiệp hoàn toàn không đạt, tức là địa điểm của họ không có thể tính làm ăn lâu dài được.

*Theo quy định, nếu không đạt thì đến 30/12/2005 phải dừng sản xuất, lắp ráp, đã có bao nhiêu doanh nghiệp bị dừng?

- Không có doanh nghiệp nào bị dừng hết. Như tôi nói, người tiêu dùng sẽ tự lựa chọn.

* Có nghĩa là Bộ sẽ không công bố danh sách các doanh nghiệp không đạt?

- Mình nghĩ như vậy vì bây giờ nó không còn ý nghĩa nữa. Sự biến động của thị trường ô tô trong thời gian vừa rồi làm cho chúng ta mở cửa toàn bộ thị trường ô tô rồi cho nên không cần thiết phải có bàn tay của Nhà nước chỉ vào bảo ông này "yes", ông này "no" nữa.

* Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình nếu không muốn mua phải những chiếc xe kém chất lượng?

- Không phải, anh vẫn nhầm, 115 mới chỉ là cài kiểm soát đầu vào, đầu ra còn cao hơn nhiều. Anh không đáp ứng được 115, cứ cho là lẩn được Bộ Công nghiệp đi, nhưng tại sao lại đáp ứng được cái cao hơn, đó là bên đăng kiểm? 115 chỉ là hàng rào hạn chế sự đầu tư phong trào, lãng phí cho xã hội. - "Bây giờ có tiền tôi cứ làm, ông đừng dạy tôi, tôi chịu trách nhiệm rủi ro. Xe nước ngoài vào, doanh nghiệp tôi không đạt tiêu chuẩn 115 tôi vẫn làm." - "OK, nếu ông vượt được qua đăng kiểm. Ông cứ đầu tư 50-60 tỉ đi, nhưng rồi uỵch một cái, giảm thuế ô tô cũ xuống và nâng đăng kiểm lên thì ông đi". Phải để thị trường tự quyết định. Chúng ta không thể quay về cơ chế cũ, ông Bộ trưởng không thể đứng ra dạy người ta làm cái gì. Tôi bỏ ra 5 tỉ, hôm sau tôi mất 5 tỉ đó, đó là bài học của tôi. Qua những cái này mới tạo ra được những doanh nghiệp giỏi.

* Vậy không cần phải có tiêu chuẩn để buộc doanh nghiệp theo?

- Tiêu chuẩn hàng hóa chính là đăng kiểm, đó là đầu ra.

* Ngành điện cho biết phải tăng giá điện để có vốn đầu tư cho các dự án. Nhưng vì sao họ vẫn bỏ ra hàng nghìn tỉ  đồng đầu tư vào phát triển mạng điện thoại di động?

- Vấn đề đồng chí nêu là đúng và tôi cũng đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực giải trình. Điều quan trọng là Tổng công ty Điện lực lấy tiền ở đâu để đầu tư phát triển mạng điện thoại di động ? Dùng tiền vay của ngân hàng thì không có vấn đề gì. Còn nếu đang thiếu tiền để xây dựng các nhà máy điện mà lấy tiền từ điện để đầu tư thì người ta phê bình là đúng. Còn đi vay ngân hàng để làm thì đồng nghĩa với việc làm tăng giá trị gia tăng từ hệ thống điện, như thế là tốt. Doanh nghiệp tư nhân, cái gì có lợi thì họ làm. Nhưng đây lại là doanh nghiệp Nhà nước, đang chịu trách nhiệm chủ đạo trong hệ thống cấp điện, thậm chí là chịu cả trách nhiệm xã hội, thì việc dùng vốn phải chính xác.

Xuân Toàn (thực hiện)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.