Bộ trưởng Y tế 'chưa nghĩ đến chuyện từ chức'

30/04/2014 03:30 GMT+7

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết như thế tại phiên họp báo Chính phủ chiều qua 29.4, khi nhận được câu hỏi của báo giới về vấn đề từ chức sau dịch sởi.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết như thế tại phiên họp báo Chính phủ chiều qua 29.4, khi nhận được câu hỏi của báo giới về vấn đề từ chức sau dịch sởi.

Bộ trưởng Y tế 'chưa nghĩ đến chuyện từ chức'

Ảnh: Trường Sơn

Trả lời về những kinh nghiệm rút ra từ dịch sởi vừa qua, Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) nói: “Dịch sởi vừa qua có một số đặc điểm, từ đó rút kinh nghiệm. Thứ nhất, hầu hết các trường hợp mắc ở trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ trên nền tỷ lệ tiêm chủng thấp do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Thứ hai, tử vong cao tập trung vào một bệnh viện (BV) nhi đầu ngành, trong đó 50% tử vong sống ở Hà Nội; 30% bệnh nhân cả nước thuộc Hà Nội.

Mặc dù việc tuyên truyền chỉ đạo của Bộ Y tế, Chính phủ từ tháng 7.2013 xung quanh vấn đề tiêm sởi rất quyết liệt, tuy nhiên vẫn xảy ra. Bài học rút ra mà chúng tôi đã nhận khuyết điểm là công tác truyền thông quyết liệt nhưng chưa hiệu quả.

Về vấn đề tử vong cao, đến 97% các ca tử vong xảy ra tại BV đầu ngành. Nguyên nhân: đây là nơi tập trung những ca nặng nhất. Phân tuyến đã có nhưng người dân tập trung quá đông vào Viện Nhi T.Ư, tuyến dưới muốn giữ cũng không được. Một nguyên nhân khách quan khác là miền Bắc vừa qua ẩm lạnh. Sởi thông thường không tử vong cao nhưng BV quá tải, bệnh nhân sởi vào đó đã bị bội nhiễm, lây chéo. Nếu chúng tôi quyết liệt không để dồn bệnh nhân ở Viện Nhi T.Ư thì hậu quả đã không nặng nề...

Sau khi báo chí vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ thì ở Hà Nội người dân đi tiêm rất đông. Số lượng bệnh nhân được đưa đến Viện Nhi T.Ư cũng đã giảm xuống giải quyết chuyện nằm ghép... Rõ ràng khi truyền thông vào cuộc, tình hình thay đổi.

Nhiệm kỳ này Bộ thành lập Vụ Truyền thông. Chúng  tôi xác định truyền thông  đi trước dự phòng, điều trị. Truyền thông đòi hỏi những kỹ thuật để người dân phải thay đổi hành vi. Chúng tôi biết truyền thông là điểm yếu của ngành y tế”.

Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp khống chế dịch sởi tuy nhiên dư luận đặt trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành. Với tư cách một người mẹ, bà có cảm xúc thế nào khi chứng kiến nỗi đau của những người mẹ khác khi con cái họ qua đời vì dịch? Đã có khi nào bà nghĩ đến chuyện từ chức hay chưa?

Với tư cách là một người mẹ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các bà mẹ có con mất trong đợt dịch vừa qua. Về trách nhiệm, dù nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp, phân cấp quản lý như thế nào nhưng động đến lĩnh vực thì người đứng đầu ngành cũng có ít nhiều liên quan trách nhiệm. Đặc biệt khi các bệnh nhân qua đời là trẻ em thì đó là một nỗi đau lòng, day dứt.

Thật lòng đến thời điểm này tôi chưa nghĩ đến việc từ chức. Lý do mà tôi không từ chức lúc này là toàn ngành đang tập trung hết sức để giành lại sự sống cho các cháu. Mỗi ngày chúng tôi đều chỉ mong muốn là sẽ không có cháu nào phải ra đi. Hiện nay đang có gần 20 cháu nằm thở máy ở Viện Nhi T.Ư, 7 cháu ở Bạch Mai và 2 cháu đang chạy ecmo ở Viện Nhi TƯ. Tôi đã nói với các bác sĩ ở các BV là bằng mọi cách phải cứu sống các cháu. Toàn ngành từ các thứ trưởng, cục, vụ trưởng không kể ngày đêm, ngày lễ vẫn làm việc. Sáng mai tôi vẫn đi kiểm tra... Các động lực phải nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng sởi 95%. Chỉ đạo kiểm tra vấn đề tuân thủ các nguyên tắc để giảm tử vong tối đa cho các cháu.

Ở TP.HCM dịch sởi không nặng bằng Hà Nội nhưng dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao. Đây là bệnh còn gây tử vong nhanh hơn sởi, thậm chí chỉ trong 24 giờ do độc lực của vi rút rất lớn. Trong hai năm qua, chúng ta đã khống chế tốt, giảm tử vong tối đa, nhưng đối với bệnh dịch thì có chu kỳ và tôi sợ chu kỳ đó quay lại.

Chúng tôi được bổ nhiệm bộ trưởng là qua một quá trình quy hoạch và công tác của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị và được Quốc hội phê chuẩn... Chúng tôi nghĩ rằng ở vị trí này phải đặt quyền lợi của nhân dân, dân tộc lên cao nhất. Phấn đấu hết sức mình với trách nhiệm lương tâm và niềm đam mê nghề nghiệp để cống hiến nhiều nhất. Thế hệ chúng tôi không trải qua chiến tranh nên chúng tôi nghĩ đó là món nợ phải trả...

Tuy nhiên trong quá trình làm việc nếu mình không đủ năng lực dù đã làm hết sức trách nhiệm, lương tâm đam mê thì nếu cấp trên, theo quy trình cán bộ nếu tôi không làm (Bộ trưởng) nữa thì tôi cũng sẽ hoàn toàn thanh thản, nhẹ nhàng và quay về một công việc nào đó có ích cho đời. Câu hỏi về việc từ chức là rất thẳng thắn và tôi cũng trả lời rất thật với những suy nghĩ của mình.

Liên quan đến những ca tử vong do dịch sởi, sau khi rút kinh nghiệm, Bộ có quy trách nhiệm cho bộ phận nào không?

Hiện tại chúng tôi cũng chưa tính đến việc quy trách nhiệm để xảy ra tình trạng tử vong cao do dịch. Ngành y đã tập trung lực lượng để chống dịch. Các y bác sĩ cũng đang chịu nhiều áp lực nên hiện nay thậm chí Bộ còn phải động viên. Việc quy trách nhiệm sẽ được thực hiện sau này.

Trường Sơn (ghi)

>> Bộ trưởng Y tế Mỹ từ chức
>> Bệnh nhi chết do sởi tiếp tục tăng nhưng Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch
>> Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Còn khám chữa bệnh là còn sai sót
>> Thủ tướng họp khẩn về dịch sởi
>> Ngừa dịch sởi tấn công trường học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.