“Bom” nước

06/09/2012 09:16 GMT+7

Trước đây, người ta tin rằng thủy điện là một nguồn năng lượng sạch, rẻ, có thể tái tạo (thân thiện với môi trường). Nhưng ngày nay, khoa học đã chứng minh điều ngược lại.

TS Lê Anh Tuấn, trường ĐH Cần Thơ cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh các loại khí nhà kính như thán khí CO2 và metane CH4 hình thành từ hồ chứa sẽ phát thải vào bầu khí quyển làm gia tăng nguy cơ nóng lên toàn cầu. Lượng phát thải từ các hồ chứa ở các quốc gia nhiệt đới và ôn đới lớn hơn lượng phát thải gây hiệu ứng khí nhà kính của tất cả nhà máy phát điện dùng nguyên liệu hóa thạch trên thế giới cộng lại. Bên cạnh đó, ở góc độ môi trường, thủy điện còn làm suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, giảm phù sa, tăng xói lở…

Hiện nay trên thế giới, nhiều dự án thủy điện đã phải dừng, hủy thậm chí có đập đã xây xong lại phải phá bỏ để trả lại nguyên trạng cho dòng sông. Ở Mỹ vào năm 2009, người ta đã phải phá bỏ cùng lúc 4 đập thủy điện trên sông Klamath vì họ đã nhận ra rằng ngoài vấn đề môi trường, nguồn lợi kinh tế mà của các đập thủy điện tạo ra không lớn bằng giá trị kinh tế mà con cá hồi mang lại. Gần đây, Myanmar tuyên bố đình chỉ xây dựng đập thủy điện Myitsone, Iran cũng hủy hợp đồng xây dựng Nhà máy đập thủy điện Bakhtiari và dự án thủy điện Belo Monte (lớn thứ 3 thế giới  với công suất 11.200 MW, tổng vốn đầu tư 17 tỉ USD) ở Brazil, cũng phải tạm dừng.

Trở lại với câu chuyện gần gũi hơn là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các đập thủy điện ở thượng nguồn (Trung Quốc) đang tác động xấu đến hạ lưu. Nếu 12 con đập ở hạ nguồn tiếp tục được xây dựng thì làm cho những tác hại càng nặng nề hơn. Trong đó, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu sông Mê Kông, thì đáng lo ngại nhất là đập Sambor. Đập Sambor cao 56 m, dài 18 km chắn ngang các nhánh sông, sẽ tích 465 triệu m3 nước, ở cao trình cao 40 m so với mực nước biển, trong khi ĐBSCL ở cao trình 1-1,5 m. Có thể hình dung nó như một “quả bom nước” khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân ĐBSCL. Con đập do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư và vận hành sẽ khống chế nguồn nước về ĐBSCL, có khả năng gây động đất kích thích và Việt Nam sẽ chịu rủi ro rất lớn. “Do đó, Việt Nam cần đưa ra yêu cầu hoãn tất cả các công trình thủy điện dòng chính ở hạ nguồn sông Mê Kông trong 10 năm để có nghiên cứu sâu hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải cung cấp thông tin và phân tích đầy đủ để các quốc gia xem xét lại”, ông Thiện khuyến cáo. 

Chí Nhân

>> 2 ngày, 8 trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Động đất chưa từng thấy tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Rung chấn mạnh tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Quảng Nam “hối thúc” các thủy điện xả nước cứu hạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.