‘Bùa phép’ để phá rừng: Trả giá bằng mưa lũ, sạt lở đất

17/10/2017 06:50 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, hệ lụy của mất rừng trước mắt rất nặng nề, còn lâu dài cũng rất khó lường.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định kiên quyết loại những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Ăn mừng khi xin được giấy phép phá rừng
GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, ông đã gặp khá nhiều nhà đầu tư mở hội ăn uống rất lớn khi xin được giấy phép phá rừng làm dự án. Nhà đầu tư được lấy gỗ và các lâm sản khác giữa thanh thiên bạch nhật.
Trước kia, các dự án được phá rừng hợp pháp kiểu này thường dưới dạng dự án thủy điện hay khai thác mỏ, nay lan đến loại hình phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, làm sân golf, nghĩa trang, khu chăn nuôi tập trung... Rừng bị chặt phá hợp pháp ở nhiều địa phương. Mục tiêu của nhà đầu tư và chính quyền cấp tỉnh đều nói là rất tốt đẹp. Mặt khác thì chính quyền địa phương luôn nêu cao khẩu hiệu không đánh đổi bằng mọi giá. Tất cả những điều nói ra đều theo kiểu định tính, không cân đong được.

tin liên quan

'Bùa phép' để phá rừng
Bất chấp lệnh cấm của Chính phủ, tình trạng chuyển mục đích sử dụng để tìm cách “phá rừng” vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương.
Theo GS Võ, ở các quốc gia phát triển, người ta đều sử dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (CBA: Cost -Benefit Analysis) đối với cả kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Từ đó, xem kết quả lợi ích trừ chi phí là bao nhiêu về từng mặt và tổng hợp chung để xem có phải đánh đổi hay không, và nếu phải đánh đổi thì ở mức nào.
Theo phân tích chi phí - lợi ích mới đong đếm được cụ thể để quyết định. “Nhà nước ta cứ cho phá rừng hợp pháp kiểu này thì chẳng mấy chốc mà vãn rừng và mưa bão nhiều, lụt lội nhiều, sạt lở đất chết người nhiều cũng là sự trả giá đúng quy luật”, GS Võ lo lắng.
Chuyển đổi rừng: Địa phương không thể tự quyết
Liên quan chủ trương chuyển rừng phòng hộ thành rừng sản xuất tại khu vực Núi Ngang (H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc), GS Võ phân tích: Về quy định của luật Đất đai 2013, khi dự án có diện tích 100 ha nếu là rừng phòng hộ thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ, nếu là rừng sản xuất thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định.
Căn cứ vào pháp luật này thì có thể suy luận rằng đích đến của chủ trương nói trên là cho phá rừng sản xuất để làm dự án nghĩa trang như dự tính ban đầu, đây là kế lùi một bước để tiến hai bước. Tuy nhiên, theo GS Võ: “Về mặt pháp luật, việc chuyển rừng phòng hộ sang rừng sản xuất không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh. Chính phủ, Bộ NN-PTNT hoàn toàn có thể can thiệp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc cần làm là gấp rút hoàn thiện quy định của pháp luật về cơ chế “phá rừng phù hợp pháp luật” để quản lý tốt hơn”.
Về vấn đề này, hôm qua Báo Thanh Niên đã liên hệ với một lãnh đạo Bộ NN-PTNT thì được biết, đến nay bộ này chưa nhận được bất cứ hồ sơ, tài liệu nào liên quan việc chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất tại khu vực Núi Ngang, H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
“Tôi cũng chỉ thấy báo chí đưa thông tin vậy thôi. Đến nay chưa thấy UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình lên Bộ chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ ở Núi Ngang, H.Tam Đảo. Còn về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phải cân nhắc, xem xét kỹ càng, không nên tùy tiện. Việc chuyển đổi được hay không đã có căn cứ theo bộ tiêu chí mà Bộ NN-PTNT đã đưa ra. Trên cơ sở đó sẽ thẩm định, cho ý kiến”, vị này nói. Cũng theo vị này, việc chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất phải có ý kiến của Bộ NN-PTNT và Bộ Tài Nguyên - Môi trường.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên - Môi trường), cũng cho biết chưa nhận được hồ sơ về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên quan đến việc chuyển đổi rừng hay dự án làm công viên nghĩa trang ở khu vực Núi Ngang. Theo ông Đồng, để chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, rồi tiếp theo làm công viên nghĩa trang, sẽ phải căn cứ theo nhiều luật như luật Bảo vệ phát triển rừng, luật Bảo vệ môi trường, luật Đất đai...
Phá rừng là cái sai không thể sửa được
Con số 38.200 ha rừng bị chuyển đổi cho 1.900 dự án trong 5 năm và từ nay đến năm 2020 còn 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm 60.000 ha để thực hiện hơn 1.000 dự án khác là quá "ghê răng". Nó cũng cho thấy nhiều địa phương chưa nghiêm túc với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Tổng số gần một trăm nghìn héc ta rừng bị mất cho đến năm 2020 vì lý do phát triển kinh tế là một tổn thất lớn. Nếu quyết định đồng thuận thì đó là một cái sai không thể sửa được.
GS Đặng Hùng Võ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.