Bức xúc 'rác' trên truyền hình

10/06/2019 06:25 GMT+7

Để thu hút khán giả, nhiều chương trình game show được phát trên truyền hình, mạng xã hội (YouTube, Facebook) không ngại đưa hình ảnh, ngôn từ phản cảm “lên sóng” khiến dư luận bức xúc.

Nhiều bạn đọc (BĐ) của Thanh Niên cho biết việc lạm dụng những hình ảnh phản cảm trên các chương trình sẽ tác động tiêu cực, có thể làm người xem ngộ nhận về chân giá trị của chương trình. “Trong một số chương trình xuất hiện trên ti vi có những ca sĩ mặc trang phục quá phản cảm. Mọi người trân trọng tiếng hát chứ không phải bộ đồ các bạn mặc”, BĐ Ngọc Lâm (Đồng Nai) nhắn gửi.

Cố tình hở hang để hút khán giả?

Tự nhận mình là người thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình lẫn những chương trình được phát trên các nền tảng mạng xã hội, BĐ Trần Phước Sơn (Hải Phòng) nhận xét: “Một số nghệ sĩ bây giờ diễn văng tục, nói thô khỏi nói!”. BĐ Lê Long (Bắc Kạn) bổ sung: “Rác truyền hình giờ đây quá nhiều! Bất chấp tất cả để đưa những hình ảnh phản cảm; hài thì nói tục...”.
Vì sao lại có tình trạng trên? Nhiều ý kiến của BĐ Thanh Niên phân tích: trong giai đoạn mà thị trường game show đang bão hòa với hàng loạt chương trình khác nhau, như: giải trí, talk show, truyền hình thực tế…, một số nhà sản xuất không chịu đầu tư về mặt nội dung mà dùng chiêu trò, trong đó có việc sử dụng các hình ảnh phản cảm để gây chú ý. Yếu tố phản cảm được sử dụng nhiều trong các chương trình vì dễ gây chú ý và tạo hiệu ứng tranh luận trên các diễn đàn…
BĐ Đỗ Thìn (Hưng Yên) kể lại câu chuyện để minh họa cho lý giải kể trên: “Sáng ra, thấy bạn mình xem một chương trình giải trí trên ti vi. Khi thấy mấy nhân vật nam bảnh trai bước ra, khán giả ở dưới hò hét cuồng nhiệt, cứ thể như vừa được gặp các vĩ nhân vậy. Cái đẹp, ai mà chẳng thích. Nhưng thể hiện sao cho phù hợp, cho hợp lý. Mình cảm giác như bây giờ, mấy game show giải trí chỉ chăm chăm đề cao cái vẻ bên ngoài của con người. Và vô hình trung, những chương trình truyền hình này sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của một bộ phận giới trẻ”.

Nâng cao trách nhiệm quản lý

BĐ Nguyễn Hoàng Dũng (TP.HCM) chỉ rõ: “Trách nhiệm chương trình do nhà đài duyệt. Nếu có hình ảnh phản cảm lên sóng thì truy nhà đài. Từ đó họ sẽ không vì tiền quảng cáo mà lơ là kiểm duyệt”.
Chia sẻ về vấn đề này, trong một bài báo đăng trên Thanh Niên Online, nghệ sĩ Trung Dân đánh giá hầu hết các chương trình game show hiện nay chỉ mang tính giải trí đơn thuần, không có định hướng, thậm chí là đi ngược lại với giá trị cần chuyển tải. “Bây giờ giải trí đơn thuần quá, dễ dãi quá, tôi thấy không được. Chúng ta phải định hướng để cho thanh niên nhìn thấy những điều tốt đẹp mà học tập...”, nghệ sĩ Trung Dân nói.
Ý kiến của ông nhận được rất nhiều đồng tình của BĐ vì đã “nói lên được quan điểm của rất nhiều người mà lâu nay chưa có điều kiện để bày tỏ ý kiến về một số chương trình truyền hình hiện nay, nhất là những kênh giải trí”. BĐ Quốc Việt (TP.HCM) “hoan hô Trung Dân” nhưng cũng không khỏi lo ngại ông sẽ “bị loại khỏi sân khấu”.
Cứ mỗi lần truyền thông đưa tin vụ việc kiểm tra vi phạm của các nhà hàng karaoke kèm theo hình ảnh các cô gái với lý do là ăn mặc hở hang, khiêu dâm, nhưng nhìn các cô gái trong một game show còn bạo và khiêu khích hơn nhiều.
Nguyễn Nhật Đãng (Hà Nội)
Rồi con em mình sẽ ra sao nếu tình trạng này không được xử lý rốt ráo? Thật là buồn.
Trần Văn Mậu (Nam Định)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.