Bức xúc việc tăng giá vé tham quan Hạ Long

04/12/2011 01:29 GMT+7

Việc cập rập tăng giá vé lên gấp đôi và điều chỉnh cách thu tiền vé tham quan bất hợp lý tại vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh đang gặp phải phản ứng gay gắt của nhiều hãng lữ hành.

Việc cập rập tăng giá vé lên gấp đôi và điều chỉnh cách thu tiền vé tham quan bất hợp lý tại vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh đang gặp phải phản ứng gay gắt của nhiều hãng lữ hành.

Khách chưa tăng, đã lo tăng giá

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, cho rằng tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long vào thời điểm này là chưa phù hợp. Ngoài ra, việc tăng đột ngột như vậy (từ khi ký quyết định đến khi áp dụng vào 1.12 chỉ trong vòng khoảng 12 ngày) là gây khó cho hãng lữ hành vì chi phí cho chương trình đã được hoạch định từ trước, không thể thu thêm tiền của khách. Hơn nữa, điều chỉnh thu tiền các tuyến điểm tham quan theo kiểu “một cục” cũng sẽ đẩy chi phí lên cao. “Tôi cho rằng, trước khi ban hành quyết định cần tham khảo ý kiến doanh nghiệp. Nếu tăng giá vé nhưng cam kết cải thiện dịch vụ tốt hơn thì có thể chấp nhận”, ông Kế đặt vấn đề.

Nhiều công ty du lịch nói tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long ngay sau ngày “đoạt giải” là nhạy cảm. Bởi đối tác nước ngoài không hiểu và khăng khăng khẳng định lý do phía Việt Nam tăng giá vì Hạ Long vừa vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. “Sau khi giá vé tham quan vịnh Hạ Long tăng lên, chúng tôi đề nghị đối tác nước ngoài điều chỉnh hợp đồng cũ và bàn thảo hợp đồng mới thì khách không đồng ý. Do đó, đối tác Hồng Kông đang dự định mua tour đưa khách qua Hạ Long đã phải tạm ngừng ký kết”, ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM, cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đại diện Fiditour, cho biết sau sự kiện vịnh Hạ Long vào nhóm 7 kỳ quan, tình hình khách mua tour tham quan địa danh này, kể cả khách trong nước và quốc tế, vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, vào dịp Giáng sinh và tết dương lịch năm nay, công ty phải kết hợp hàng không để tổ chức khuyến mãi cho khách đi miền Bắc, trong đó có tham quan Hạ Long. Nhưng đột nhiên vịnh Hạ Long tăng giá vé tham quan, khiến việc bán tour trở nên khó khăn hơn. Thời gian qua, để thu hút khách đi du lịch, các hãng lữ hành tìm mọi cách giảm chi phí để có giá tour dễ bán. Nên việc tăng giá vé như vậy đã làm khó cho họ.

“Việc tăng giá và điều chỉnh này dường như đi ngược lại với nguyên tắc tiếp thị. Thường thì sau khi đạt một giải thưởng nào đó, các sản phẩm sẽ tập trung ngay cho chiến lược quảng bá, khuyến mãi để thu hút người mua tiếp cận sản phẩm, để tìm hiểu và biết được sản phẩm đó tốt như thế nào. Đằng này, chúng tôi chưa thấy cơ quan chức năng làm gì để quảng bá vịnh Hạ Long, nhưng đã tính ngay việc thu thêm tiền vé. Điều đó gây mất cảm tình với khách quốc tế”, bà Mai nói thêm.   


Một chiếc thuyền đang chở trẻ em để đưa lên tàu du lịch bán hàng rong ở vịnh Hạ Long - Ảnh: PXA

Vé không thể là nguồn thu chính

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt, cho rằng cách bán vé tham quan ở vịnh Hạ Long theo kiểu “một cục” là không hợp lý. Với chính sách bán vé mới, khách mua vé theo tuyến sẽ phải trả tiền trọn gói dù có thể chỉ tham quan 1 hoặc 2 điểm trong tuyến. Ví dụ, khách tham quan tuyến 1 gồm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, làng chài Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái, làng chài Hoa Cương với giá vé 80.000 đồng/người; nhưng nếu bỏ 3 điểm cuối vẫn phải trả tiền trọn gói.

Theo ông Huê, trong du lịch, các điểm tham quan thực ra chỉ là “mồi nhử” du khách. Cái làm ra doanh thu chính là dịch vụ như nhà hàng, quán nước, mua sắm, khách sạn… Nhưng ở ta lại xem nặng doanh thu từ việc bán vé mà xem nhẹ phát triển dịch vụ. Cụ thể ở vịnh Hạ Long, các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho ngành du lịch rất nghèo nàn, hầu như không có sự kiện trên vịnh mỗi năm. Đó là chưa kể rất nhiều tồn tại lâu nay chưa được xử lý, như nạn chèo kéo, xin tiền, bán hàng rong… Hệ thống cầu cảng không đáp ứng được yêu cầu, có thời điểm đông tàu thuyền, khách phải lên tàu bằng cầu cảng tạm bợ. “Việc tổ chức thu tiền triệt để du khách để bù đắp cho các thiếu hụt về chi phí quản lý vịnh Hạ Long thể hiện cách làm du lịch kém cỏi. Đến khi nào các điểm tham quan xem vé là nguồn thu nhỏ, nguồn thu từ dịch vụ là chủ yếu, như cách làm của Thái Lan, thì khi đó du lịch của ta mới thật sự phát triển”, ông Huê bức xúc.

Bà Jenny Goh, chuyên gia du lịch người Malaysia, cho biết ở Malaysia phí vào cổng các điểm tham quan rất thấp. “Nhiều hang động tuyệt đẹp ở Malaysia bán vé 1 USD, bao gồm cả hướng dẫn. Các loại phí này chủ yếu dùng để bảo vệ môi trường. Nhìn vào giá vé tham quan ở Việt Nam, tôi thấy rất cao. Trong khi việc bảo vệ môi trường ở các điểm tham quan trong nước rất tệ, nhiều nơi rác thải không được dọn dẹp”, bà Goh nói.

Vượt quy định

Theo quy định của Bộ Tài chính, mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa tùy thuộc vào điều kiện của từng nơi mà có mức khác nhau cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến tham quan; Đối với người lớn, mức thu không quá 20.000 đồng/lần/người; trẻ em, mức thu không quá 10.000 đồng/lần/người; Đối với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu quy định. Như vậy, nhìn vào giá thu của vịnh Hạ Long hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy, mức giá mới hoàn toàn không đúng quy định.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.