Bức xúc vụ 'đường lưỡi bò' của Saigontourist

Nhật Linh
Nhật Linh
18/10/2019 16:54 GMT+7

Vụ phim chiếu ở rạp CGV có "đường lưỡi bò" chưa lắng, dư luận lại tiếp tục lên án khi ấn phẩm du lịch mà Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist) phát cho khách, có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

“Vô trách nhiệm”

Bạn đọc David Lê (TP.HCM) lên án: “Tôi thật sự phẫn nộ với sự vô trách nhiệm này! Đề nghị Thanh tra Sở Du lịch có biện pháp mạnh tay hơn, tịch thu chỉ là việc "cắt ngọn" mà thôi, phải làm "tận gốc" vấn đề này!”.
Gần đây “đường lưỡi bò” xuất hiện liên tục trên ấn phẩm truyền thông cũng như trên các bộ phim được công chiếu rộng rãi tại Việt Nam, dư luận càng trở nên bức xúc trước "hiện tượng" này.
“Đường lưỡi bò" khiến cho chúng ta rất căm phẫn, mà bây giờ lại xuất hiện tràn lan tại Việt Nam, cần phải xử lý thật nghiêm những người làm việc tắc trách làm ảnh hưởng đến chủ quyền của nước ta. Sống tại Việt Nam là người con của đất nước Việt Nam mà làm việc như vậy có thấy cắn rứt lương tâm không?”, bạn đọc Thanh Võ (Bến Tre) thẳng thắn.
Bạn đọc Võ Thành Trọng (TP.HCM) nêu: “Phải đặt Tổ quốc lên trên tất cả, đừng vì lợi ích do kẻ thù ban tặng mà tiếp tay cho sai trái của chúng. Đã đứng trên thương trường thì tầm nhìn và nhận thức phải nhìn nhận rõ trước khi làm chớ không nên làm sai rồi ngụy biện để trốn tránh”.
Ngày 18.10, đại diện Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết việc sử dụng ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò" là sự cố nghiêm trọng, và công ty đã ngưng hợp tác với Công ty Trung Thế - đối tác Trung Quốc đưa ấn phẩm này cho Saigontourist quảng bá du lịch về Trung Quốc; và Saigontourist đã đưa cho khách hàng của mình để giới thiệu về tour du lịch đến Trung Quốc. 
Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đang vào cuộc xử lý vụ việc này. Báo Thanh Niên sẽ thông tin đến bạn đọc khi có kết quả xử lý từ cơ quan chức năng.

“Ai là người chịu trách nhiệm?”

Phim Everest - người tuyết bé nhỏ có "đường lưỡi bò" phi pháp công chiếu rộng rãi trong cụm rạp CGV vẫn đang trong quá trình được Bộ VH-TT-DL làm rõ trách nhiệm. Vụ việc của Công ty Saigontourist cũng đang trong quá trình giải trình chi tiết. Khi chưa có câu trả lời thỏa đáng, dư luận vẫn ráo riết yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bạn đọc Hạnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: “Vụ cả hội đồng duyệt phim quốc gia để lọt bộ phim có bản đồ lưỡi bò chưa lắng, thì vụ Saigontourist này là chuỗi sai phạm nối tiếp. Trung Quốc thì tìm mọi cách tuyên truyền, xâm phạm chủ quyền của nước ta, còn các quan chức này thì lơ là, vô trách nhiệm đến độ căm phẫn. Họ là ai? Họ đang làm cái gì?”.

Hình "đường lưỡi bò" nằm ở 2 trang gần cuối của ấn phẩm và rất dễ phát hiện

Trung Hiếu

“Thử hỏi lỗi này do đâu... Ai là người chịu trách nhiệm... Mong xử lý thật xứng đáng cho thỏa mãn lòng dân...”, một bạn đọc tại Đồng Nai mong mỏi.
Nhìn nhận lại vấn đề, bạn đọc Ngọc (TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta khi làm với đối tác Trung Quốc nên thẳng thắn nói là không chấp nhận những cái có dính dáng đến "đường lưỡi bò" có ở trong đó, bây giờ là những passport, phim ảnh, ấn phẩm, bản đồ du lịch... mai mốt chắc có ẩn trong Hợp đồng kinh tế, hợp đồng làm ăn thì nguy”.
"Đường lưỡi bò" được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5.2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Giới nghiên cứu khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ. Theo đó, cộng đồng quốc tế có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ, vạch ra những điểm vô lý của nó.
Nhiều năm qua, Trung Quốc còn có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách đường lưỡi bò - vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ gọi là “Tứ Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao nhiều lần khẳng định các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.