Ca cao Việt Nam - Liệu có bị khai tử?

05/10/2008 09:31 GMT+7

(TNO) Những ngày gần đây, rất nhiều diện tích trồng cây ca cao tại Việt Nam đang đưa người nông dân rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đốn hạ chuyển đổi sang cây trồng khác thì tiếc (vì cây đang trong giai đoạn thu hoạch) nhưng tiếp tục duy trì thì mang nợ … Vì sao?

Chỉ bằng khoảng một nửa năng suất thế giới

Hiện nay, tổng diện tích trồng ca cao của Việt Nam khoảng 7.056,5ha. Trong đó, diện tích kinh doanh là 898,5ha, với năng suất chỉ  đạt 0,31 tấn hạt/ha. Nếu so với năng suất bình quân thế giới thì năng suất ca cao Việt Nam chỉ bằng 46% đến 63%. Điều này đã dẫn đến hệ lụy trong thời gian qua, hàng loạt nông dân trồng ca cao liên tục trồng – chặt  và  thanh lý. Đặc biệt, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (địa phương có diện tích trồng ca cao lớn) trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 2.245ha ca cao bị trồng – chặt và 138,9ha thanh lý.

Lý giải về vấn đề trên, trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại hội thảo về: “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” diễn ra tại TPHCM ngày 30.9 vừa qua, cho thấy: 100% diện tích ca cao hiện nay đều không đạt các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng giống cây trồng. Trong đó, có 12,63% diện tích ca cao trồng từ hạt lai F1 và 12,35% diện tích trồng bằng cây thực sinh không rõ nguồn gốc nên  năng suất rất thấp.
 
Riêng theo ông Dịp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thì nguyên nhân “trồng – chặt” ca cao không chỉ do năng suất thấp mà còn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá bán quả, hạt thấp...  Điều này xuất phát từ việc một số  địa phương trồng phân tán, manh mún, mỗi hộ khoảng 50 đến 100 cây nên rất khó tổ chức sản xuất thu mua quả, hạt...

Quá nhiều bất cập!

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại của những năm 80 -90 thế kỷ trước. Đầu những năm 2000, ca cao được triển khai thực hiện ở một số địa phương bằng dự án phát triển ca cao bền vững cho nông dân (SUCCESS Alliance). Thế nhưng xem ra đến nay dự án này bộc lộ quá nhiều bấp cập.

Nào là nông dân huyện krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang dở khóc dở cười với cảnh nợ nần do cây ca cao năng suất quá kém, với thu hoạch chỉ vào khoảng 1 triệu đồng/ha… Hay dự án cung cấp 519.866 cây ca cao nhân từ hạt lai F1 cho 3 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang từng bước đi vào con đường phá sản.  Do đó, khi  tổng kết dự án này, các ngành chức năng không báo cáo công khai số liệu khảo sát về số cây ca cao đã chết sau khi trồng mới, kiến thiết cơ bản và tỷ lệ cây lai F1 cây ghép ra hoa kết quả.  Bởi trên thực tế diện tích ca cao còn sống chỉ chiếm  27,25%. Số cây ra hoa, kết quả chỉ từ 46,39% đến 61,27%. Đặc biệt, cây lai F1 ở Bến Tre có tỷ lệ rất thấp chỉ 28,9%, còn cây ghép ở Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu từ 31,9% đến 32,3%…

Bên cạnh đó, có một thực tế đang tồn tại là nguồn nhân lực để phát triển ca cao bền vững ở các tỉnh, thành phố phía Nam còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu thông tin chính xác, ít hiểu biết về ca cao đã làm tăng thêm những khó khăn đối với ngành ca cao…

Những chỉ tiêu nghi ngờ (?)

Trong  nỗ lực phấn đấu để đưa ngành ca cao Việt Nam thoát  khỏi “bóng đen”, Bộ NN&PTNT đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải trồng được 33.500 ha ( trong đó diện tích ca cao kinh doanh là 23.000 ha), với năng suất bình quân 1,19 tấn hạt/ ha…

Trong điều kiện ngành ca cao Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, những đòi hỏi và chỉ tiêu trên liệu có vượt ngoài tầm với? 

Theo tiến  sĩ  Lê Quang Hưng – Trưởng khoa nông học – Đai học Nông Lâm TP.HCM, thì trước đó cũng đã 1 lần Bộ NN&PTNT phê duyệt quyết định đề án phát triển ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nhưng không khả thi phải điều chỉnh theo hướng giảm. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh như hiện nay, chỉ trong vòng hơn 5 năm diện tích tăng lên gần gấp 5 lần, năng suất tăng lên hơn gấp 3 lần ,…  Liệu rằng chỉ tiêu này  có  khả thi (?)

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó cục trưởng cục trồng trọt cho rằng: Ca cao Việt Nam là ngành hàng mới, muốn phát triển bền vững phải tuân thủ quan điểm, làm đến đâu tốt đến đó, nhất thiết không chạy theo phong trào, không áp đặt. Nhà nước cần tạo ra nhiều mô hình định hướng, có sức thuyết phục cao cùng với việc ban hành chính sách khuyến khích để nông dân tự lựa chọn…

Những trăn trở trên của các nhà khoa học về chỉ tiêu mà Bộ NN&PTNT là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, đã hơn 50 năm cây ca cao có mặt tại Việt Nam, nhưng suốt thời gian qua sản xuất ca cao không đem lại hiệu quả, chỉ một vài năm gần đây ca cao có được sản lượng hàng hóa nhưng vẫn còn quá yếu  kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Thực tế này đã đặt ra cho ngành ca cao Việt Nam nhiều vấn đề nan giải. Thiết nghĩ, vấn đề này  nếu không được giải quyết một cách căn cơ thì  rất có thể ca cao Việt Nam   sẽ  bị “ khai tử”…

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.