Cảm ơn Báo Thanh Niên

30/12/2020 05:40 GMT+7

Giữa bộn bề công việc của những ngày cuối năm, đã 11 giờ đêm tôi vẫn ngồi viết những dòng này để tỏ lòng yêu mến tờ báo và đặc biệt là hai phóng viên Báo Thanh Niên tôi từng tiếp xúc.

Giữa bộn bề công việc của những ngày cuối năm, cộng với sự ảnh hưởng của tuổi cao, sức lực giảm, trí nhớ giảm, đã 11 giờ đêm tôi vẫn ngồi viết những dòng này để tỏ lòng yêu mến tờ báo và đặc biệt là hai phóng viên tôi từng tiếp xúc.
Cách nay trên 3 năm (vào ngày 25.8.2017) Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 479, Quân khu 7 nhận được đơn kêu cứu của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng ở H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Trong đơn, anh Dũng đề nghị ban liên lạc giúp đỡ gia đình anh yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường thiệt hại cho 8 người trong gia đình bị bắt và giam giữ oan trong suốt 3 năm 9 tháng 14 ngày (bị bắt ngày 26.7.1979 và được trả tự do ngày 11.5.1983) vì bị tình nghi “cướp tài sản riêng của công dân”.

Tâm sự ngày trở về trong sạch sau 40 năm oan sai của người cựu binh Tây Ninh

Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và tìm hiểu cuộc sống hiện tại của 8 nạn nhân, ban liên lạc nhận thấy đây là vụ án oan sai rất nghiêm trọng. Trong các nạn nhân có cả những cựu chiến binh từng tham gia hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ cùng con cháu của họ, mà từ ngày Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho những người bị oan đến nay đã gần 40 năm vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, chưa được xin lỗi. Cuộc sống của họ ngày càng trở nên cùng quẫn bế tắc, không có đường ra.
Để góp phần cùng bà con bị oan sai kiến nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh và các ngành chức năng liên quan sớm giải quyết quyền lợi cho người bị oan theo quy định của pháp luật, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Tư lệnh phó Quân đoàn 4, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 479, Quân khu 7 đã nhanh chóng thành lập tổ công tác gồm 5 thành viên, có nhiệm vụ gửi kiến nghị tới Viện KSND tỉnh Tây Ninh và các ngành chức năng sớm giải quyết quyền lợi cho người bị oan sai; liên hệ với các cơ quan truyền thông lên tiếng để vụ việc sớm được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tìm hiểu những khó khăn trong cuộc sống hiện tại của bà con để kêu gọi sự giúp đỡ của toàn xã hội.
Bước đầu, tổ công tác đã đề nghị các báo Quân đội Nhân dân, Cựu chiến binh Việt Nam, Pháp luật, Người cao tuổi… vào cuộc. Một số báo đã làm công văn, trực tiếp phỏng vấn Viện KSND tỉnh Tây Ninh và đã đăng bài về vụ việc. Tuy nhiên, do sự lan tỏa thông tin còn hạn chế, hơn nữa chưa lột tả toàn bộ sự thật của vụ án nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh

Từ những nhận định trên, tổ công tác đã phân công tôi đến Báo Thanh Niên… đề nghị giúp làm rõ thông tin vụ án oan sai. Sau khi nhận tài liệu, Báo Thanh Niên đã cử phóng viên Lam Ngọc và Trung Hiếu tìm hiểu, xác minh vụ việc và thực hiện loạt phóng sự điều tra Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất như đã đăng tải. Loạt bài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều cơ quan T.Ư, các đại biểu Quốc hội… đã vào cuộc yêu cầu làm rõ, xử lý. Kết quả là tất cả các nạn nhân đã được Viện KSND Tây Ninh trả quyết định đình chỉ điều tra, xin lỗi công khai và bồi thường oan sai.
Suốt những ngày công tác cùng hai phóng viên Thanh Niên, tôi nhận thấy ở các bạn sự xông xáo, nhanh nhạy, nhiệt tình; không những phản ánh trung thực mà còn hết sức quan tâm tới từng nạn nhân. Thậm chí, khi thấy bà con thiếu thốn, đau ốm không có tiền chữa trị, các phóng viên không ngần ngại rút tiền túi ra biếu, kêu gọi bạn đọc giúp đỡ được một số tiền đáng kể...
Cách làm việc chuyên nghiệp của các phóng viên, ngày xông xáo, cẩn trọng xác minh thông tin, đêm về viết tới khuya, có khi quên ăn, khiến bản thân tôi ngoài là một quân nhân còn là người tham gia viết báo lâu năm cảm thấy thật khâm phục về nhiệt huyết và đặc biệt là tinh thần làm việc đầy trách nhiệm.
Cảm ơn Thanh Niên, cảm ơn các phóng viên đã nỗ lực để mang lại công lý cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.