Cảnh sát vất vả với “ma men”

20/05/2013 03:25 GMT+7

Lực lượng cảnh sát không ít lần lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi xử lý những đệ tử của “lưu linh” tham gia lưu thông.

Cuối tháng 1.2013 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, đã thành lập 24 tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) gồm CSGT, cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN), cảnh sát cơ động (CSCĐ). Lực lượng này rải khắp trên địa bàn thành phố tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông nhưng nhiệm vụ chính là xử những đệ tử “lưu linh”.

Cảnh sát vất vả với “ma men” 
Một người Đài Loan cố phân bua trong khi bị xử lý - Ảnh: Đàm Huy

“Mấy anh sống không có tình cảm…”

Khuya 18.5, PV Thanh Niên theo chân tổ TTKS của Đội CSGT Chợ Lớn đứng chốt tại giao lộ Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt (Q.5). Sau hơn 1 giờ, chúng tôi ghi nhận có hàng chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Hầu hết người say xỉn khi bị thổi vào đều xin lực lượng chức năng bỏ qua, xin không được quay sang lè nhè, cự cãi vừa làm mất thời gian, vừa làm “khổ” lực lượng thi hành công vụ.

 
Đa phần khi biết mình vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tạm giữ xe, người vi phạm tỏ thái độ xúc phạm, chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ. Có trường hợp lăn đùng ra đường giãy giụa ăn vạ; cũng có trường hợp không chịu ký vào biên bản mà cầm bút rượt đuổi CSGT để... đâm

Một cán bộ PC67

Mặc dù tận mắt chứng kiến CSGT lấy ống thổi từ bịch ni lông tiệt trùng nhưng ông Đ. (ngụ Tiền Giang) nằng nặc yêu cầu CSGT lấy ống thổi khác mới chịu thổi. Khi được đáp ứng yêu cầu, ông Đ. cố tình thổi nhẹ vào máy đo nồng độ cồn nên máy không thể phân tích in ra kết quả. Bị CSGT nhắc nhở nhiều lần, cuối cùng ông Đ. mới chịu thổi đúng quy cách. Do nồng độ cồn trong khí thở vượt quá quy định nên xe bị tạm giữ, nhưng ông Đ. phản ứng kịch liệt. Thấy phản ứng không hiệu quả, ông Đ. chuyển sang xin xỏ; xin không được quay sang chì chiết: “Mấy anh tạm giữ xe em chẳng khác nào chặt đứt 2 chân em; làm sao em đi làm ăn nuôi vợ con… Mấy anh sống không có tình cảm, tình nghĩa, sống không có đức. Mấy anh làm vậy là giết người”. Sau 30 phút, ông Đ. vẫn không chịu ký vào biên bản mà yêu cầu CSGT giải thích các điều luật, rồi yêu cầu cho biết cụ thể số tiền bị phạt để chuẩn bị trước cho khỏi bị động… Chưa dừng lại ở đó, trước khi ký vào biên bản, ông Đ. còn yêu cầu CSGT hướng dẫn luật cho mình để rút kinh nghiệm: “Lỡ bị phạt tốn tiền rồi nên tôi muốn biết bao nhiêu mg/lít khí thở mới bị phạt…”. CSGT phải trả lời đi trả lời lại nhiều lần ông Đ. mới chịu giao xe để tạm giữ.      

Để đối phó với CSGT, một người Đài Loan nồng nặc mùi rượu bia chở bạn nhậu người Việt gốc Hoa nhưng cả 2 người đều giả bộ không biết nói tiếng Việt. Khi CSGT vừa sử dụng tiếng Anh vừa tiếng Việt thông báo sẽ tạm giữ phương tiện thì bạn nhậu người Việt gốc Hoa mới chịu nói “Xin tha…”.

Bị phạt, quay sang đốt xe

Theo một cán bộ của PC67, đa phần khi biết mình vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tạm giữ xe, người vi phạm tỏ thái độ xúc phạm, chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ.

 

Để ra quân xử lý người vi phạm say xỉn, PC67 đã được Công an TP.HCM trang bị cả trăm máy đo nồng độ cồn hiện đại và lập thêm một tổ xử lý (thuộc Đội Tham mưu) chuyên xử lý giải quyết các biên bản vi phạm nồng độ cồn, trụ sở nằm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1).

Trung tá Phan Văn Xị, Phó phòng PC67, thừa nhận: “Công tác xử lý vi phạm này gặp nhiều khó khăn. Do tác động của cồn khiến người vi phạm không làm chủ được hành vi; không ít trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, cố tình thổi không đúng quy cách, biết tạm giữ phương tiện phản ứng manh động, có lời lẽ xúc phạm, chống đối, thậm chí tấn công lực lượng làm nhiệm vụ”. 

Điển hình như khuya 23.2, tổ TTKS thuộc Đội tuần tra dẫn đoàn (PC67) đang thực hiện kiểm tra hành chính tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Vào thời điểm trên, CSGT phát hiện N.H.M.T (27 tuổi, ngụ Q.1) đang chở bạn nhậu về nhưng lòng đường không lưu thông mà chạy trên lề đường nên bị thổi lại kiểm tra giấy tờ xe. Hai người này quá xỉn đã lớn tiếng, thóa mạ CSGT và cho rằng chạy trên lề cũng như chạy dưới lòng đường, không vi phạm. Rồi bất ngờ họ quay sang tấn công CSGT, xông đến đạp ngã xe mô tô đặc chủng của CSGT, lao vào đánh những người đang thi hành nhiệm vụ ở đây nhưng CSGT đã kịp khống chế bắt giao cho Công an Q.1 xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Liều mạng hơn là ông T.Q.S (34 tuổi, ngụ Q.1). Tối 6.5, tổ TTKS của Đội CSGT An Lạc đang tuần tra tại vòng xoay An Lạc (Q.Bình Tân) phát hiện ông S. điều khiển xe gắn máy chạy loạng choạng - có biểu hiện say xỉn nên CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ và nồng độ cồn. Sau khi đo nồng độ cồn ông S. cho ra kết quả: 0,981 mg/lít khí thở (vượt quá quy định). Lợi dụng lúc CSGT lập biên bản vi phạm, không nói không rằng, ông S. bất ngờ rút ống dẫn xăng xe gắn máy của mình, cho xăng chảy tràn ra ngoài, rồi châm lửa đốt. Mặc dù CSGT nhanh chóng dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng đám cháy thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe. Sau khi tỉnh táo lại, ông S. cũng không hiểu vì sao tối hôm đó mình lại hành động như vậy, vì trị giá xe gấp hàng chục lần tiền xử phạt.

Đàm Huy

>> Lái xe uống rượu bia là nguy cơ chính gây tai nạn giao thông
>> Kiến nghị xử lý hình sự người uống rượu bia lái xe
>> Chiêu "độc" phát hiện tài xế say xỉn
>> Say xỉn, tịch thu xe!
>> Tài xế taxi dùng “quái chiêu” né phạt kiểm tra nồng độ cồn
>> 23% người bị TNGT có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.