Solomon trong mắt một người Việt “thẻ xanh”

01/11/2008 22:49 GMT+7

* Kỳ 3: Rượu “home made” và tiền cổ Malaita Hôm còn ở Solomon, anh Lê Đình Ba gửi về cho tôi những tấm hình anh đi mò nghêu với một gia đình người Solomon. Ngày anh về, gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh bảo: “Đó chỉ là chuyện nhỏ”.

Ở Solomon có loại rượu gọi là “home made”, tức rượu tại gia, giống như người K’tu ở Quảng Nam làm rượu tà vạc. Để làm rượu, người Solomon chặt đọt, dùng máng cây hứng nước dừa trên ngọn. Mang về, để lạnh khoảng một tuần, nước dừa lên men thành rượu, mang ra uống. “Tốc hành” hơn, họ cho vào tủ lạnh, một vài hôm thành rượu, hú bạn bè tới, nhâm nhi. Loại rượu này luôn được dùng trong tiệc cưới.

Ngược lại, tuyệt nhiên không thấy trầu cau trong sính lễ. Lễ vật cưới của người Solomon gồm tiền cổ và tiền mặt hiện dùng. Anh Ba từng dự vài tiệc cưới của các đôi công nhân trồng rừng, khai thác gỗ. Anh nói: “Tiền cổ được làm từ vỏ con trai hết lớn, đường kính có khi bằng mặt bàn. Người Solomon cắt nó  ra thành hình vòng xuyến và mài bóng láng. Vỏ trai càng dày, càng to càng quý, xem như vật gia bảo, truyền từ đời này sang đời nọ. Công ty Thanh Hòa có lần đã được thuyền trưởng một tàu chở gỗ tặng cho vỏ một con trai nặng 45 kg.

Cũng có tiền làm bằng vỏ ốc đủ màu, kết thành xâu. Những xâu tiền sặc sỡ choàng lên người cô dâu thật vui mắt. Cha mẹ cô dâu kêu giá, nhà trai theo. Ít tiền là cô dâu đã biết “chuyện đời” rồi. Nhiều tiền là cô dâu còn trinh tiết. Cạnh tiền cổ là đô la giấy Solomon. Nhà gái dùng tiền này tặng lại họ hàng, bà con. Chia đến khi hết thì thôi, không phân biệt đó là bố mẹ, anh em, chú bác hay cô dì, kiểu chia cho đều kêu cho đủ của người Việt xưa. Tiền vỏ ốc không phải nhà nào cũng làm được.

 
Dân làng Langlanga đảo Laulasi (Malaita) làm tiền cổ từ vỏ ốc, vỏ sò - Ảnh chụp lại từ Solomon Magazine

Dân làng Langlanga trên đảo Laulasi (Malaita) chuyên làm tiền này để bán cho dân các đảo khác và bán cho du khách, đắt nhất là xâu tiền màu đỏ, dài 5 feet bán 500 SBD, từ 9 feet trở lên bán 1.000 SBD (đô la Solomon). Ngoài sính lễ, loại tiền này còn được dùng để trả tiền công cho thợ chạm khắc chuyên làm thuyền độc mộc, trả tiền công dựng nhà, trả tiền phạt vạ đối với những vụ thông dâm, ngoại tình...”.

Anh Ba kể rồi cho biết thêm: “Người Solomon mạnh mẽ. Họ căng tai, xỏ mũi, sống chung với sóng gió, cá sấu, cá voi, động đất, núi lửa... Đôi lần, đi picnic với mấy người bạn của công ty đối tác, tôi thấy họ mò nghêu, bắt cá dưới nước rất giỏi. Răng họ rất trắng và chắc, không nhuộm răng đen như người Việt nửa đầu thế kỷ 20, dù họ ăn trầu.

Dưới biển, trên rừng, nếu không mang theo dao, họ dùng răng thay. Đến nhà bà gia của Lee, người Hàn Quốc, tôi được bà ấy dẫn đi mò nghêu. Bà cầm cây xọc xọc xuống cát biển, giữa chằng chịt những rễ cây mangro, khi tay “nghe” được tiếng động ở đầu gậy, bà biết chắc có nghêu và lấy bàn tay kia lần theo đầu gậy để bắt lên.  Nghêu thường nằm sâu dưới cát, tập trung ở vùng nước cạn có cây mangro, giống cây đước ở Việt Nam. Chỗ nào có nhiều cây mangro, chỗ đó thường có cá sấu nên tôi sợ, chỉ xuống nước chụp hình rồi... vọt lên”.

Anh Ba nhận xét, xem ra người Solomon còn nguyên sơ lắm, dù trong không ít nhà vẫn có tủ lạnh, ti vi, điện thoại, thậm chí có cả xe hơi. Anh nói: “Thấy mấy người mẫu, hoa hậu thế giới đến Solomon du lịch, họ hỏi sao ốm vậy, suy dinh dưỡng à? Ăn nhiều vào cho nó mập, nó đẹp. Đối với người Melanesian, người đàn bà đẹp là người đẫy đà, béo tốt. Sau 8 năm làm việc ở vùng này, tôi vẫn còn ngạc nhiên về chuyện người da trắng văn minh đã lấy vợ là người Solomon hay Papua New Guinea và tỏ ra rất hạnh phúc. Đa số đã chọn người nữ mình dây, sinh ra những đứa con lai rất đẹp”.

Theo anh Ba, thiếu nữ Solomon dậy thì sớm. Quan niệm hôn nhân của họ nói theo ngôn ngữ bây giờ là hiện đại. Pháp luật quy định 18 tuổi mới được phép lập gia đình nhưng 13 tuổi họ đã biết yêu. Tại một số lễ hội, sau tiệc rượu, tiệc nhảy... chuyện từng cặp dắt nhau đi không phải hiếm.

Anh và những đồng nghiệp ngoại quốc nhìn theo, ái ngại. Ngược lại, các cô gái Solomon vốn có tinh thần tự do luyến ái, quan niệm về trinh tiết của họ có phần khác với người Việt. Họ thích có chồng ngoại. Họ có thích lấy chồng Việt Nam? Anh Ba cười: “Họ chê mình nước da nhàn nhạt, người lại không có mùi vị gì. Có thể nhờ vậy, người Việt mình đã không... bị ăn thịt nếu có đến Solomon cách nay mấy
trăm năm!”.   

Đặng Ngọc Khoa (ghi)

Kỳ 2: Sự tích trầu cau
Kỳ 1: Solomon xa xôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.