Chậm nhất tháng 6.2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước

25/06/2021 06:25 GMT+7

Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin”.

Chiều 24.6, trong buổi thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện thành công chiến lược vắc xin có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn, Việt Nam không thể mãi đóng cửa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, các biến chủng của vi rút nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin hiện đang thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9.2021. Việc chuyển giao công nghệ vắc xin không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đòi hỏi nền tảng nghiên cứu khoa học lâu dài qua các thế hệ với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư về nguồn lực, con người… một cách căn cơ, chiến lược. Việc tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, như điều kiện bảo quản vắc xin khắt khe.

Bản tin Covid-19 ngày 24.6: TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Phú Yên… “nóng” vì dịch bệnh

Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin”. Thủ tướng yêu cầu phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin nói chung và trước mắt là vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6.2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có vắc xin Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn. Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm “vốn mồi” cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 hiện đã có gần 8.000 tỉ đồng.
Cùng ngày, theo tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trao đổi về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và WHO trong bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là vấn đề vắc xin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vắc xin tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết; khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng kịp thời và an toàn. Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Tedros đánh giá cao Việt Nam với các biện pháp chống dịch, ghi nhận các đề nghị của Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vắc xin cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vắc xin trong khu vực; khẳng định sẽ cử các chuyên gia WHO tới Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.