Dân không cần những bộ ấm chén

17/04/2017 06:36 GMT+7

Cái mà người dân cần và mong muốn là điện, đường, trường học cho em nhỏ, bệnh viện cho người ốm, nhà ở cho người nghèo… chứ không phải những món quà sáo rỗng, hình thức như những bộ ấm chén của Vĩnh Phúc vừa tặng.

Nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh (sau khi chia tách từ tỉnh Vĩnh Phú cũ), tỉnh Vĩnh Phúc hào phóng duyệt chi khoản kinh phí khổng lồ để mua quà tặng. Theo đó, mỗi đại biểu và hộ gia đình được tặng một bộ ấm chén men màu trắng, sản xuất trong nước, in chữ đỏ “Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc”. Tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc lên đến hàng chục tỉ đồng.
Tại sao đất nước còn nghèo, nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu... người dân còn đang phải mò cua bắt ốc, chạy ăn từng ngày, thiếu trường học và bệnh viện, chúng ta lại lãng phí một cách vô bổ như vậy? Cũng mới đây thôi, người dân cũng cảm thấy nhói lòng khi những tấm kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm thành lập Tập đoàn than khoáng sản (TKV) được trao tặng một cách rất lãng phí. Tấm huy chương ghi dấu ấn chặng đường 80 năm truyền thống ngành, với đơn giá 640.000 đồng/sản phẩm cho khoảng 120.000 lao động hiện nay của tập đoàn, tương ứng với số tiền khoảng trên 70 tỉ đồng. Trong khi tập đoàn này đang chìm trong khó khăn, nợ nần, thua lỗ.
Và còn bao mồ hôi, nước mắt, đồng tiền thuế của người dân đóng góp đã bị vung vít, ném vào các dự án “đắp chiếu”, các công trình trụ sở nghìn tỉ, nhà văn hóa, chợ bỏ hoang... Khắp nơi, lĩnh vực nào cũng thấy hô hào tiết kiệm, chống lãng phí nhưng thực tế ta chống được cái gì? Đã có ai, tổ chức hay cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm hay chưa? Đến giờ phút này câu trả lời là rất ít!
Tặng bộ ấm chén, tặng kỷ niệm chương, khánh thành trụ sở, tiệc tùng hội nghị... người dân cũng đâu có được lợi gì. Vẽ ra để phô trương, hình thức, màu mè hay vẽ ra để có cái cớ chi tiền ngân sách. Tình trạng này được dư luận lên tiếng nhiều, nhưng hiếm thấy ai, địa chỉ nào được công khai, xử lý.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bắt đầu từ ý thức của từng cán bộ, từng cơ quan đang chi tiêu ngân sách, của người dân. Tuy nhiên, cái cốt lõi vẫn phải xuất phát từ một quy trình công khai, minh bạch kèm theo trách nhiệm, chế tài rõ ràng và nghiêm minh. Trong đó, đặt trọng tâm vào trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức. Chúng ta muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả thì cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, trên có gương mẫu thì dưới mới noi theo. Nếu xử nghiêm người đứng đầu và các cá nhân, tổ chức lãng phí thì chắc chắn sẽ đẩy lùi được vấn nạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.