Để dân hiến đất, góp tiền

15/05/2016 05:23 GMT+7

Chương trình Nông thôn mới là chương trình quốc gia đã triển khai thực hiện trên tất cả các vùng nông thôn VN từ 5 năm nay. Những mặt được của chương trình này thì ai cũng đã thấy, nó góp phần làm thay đổi theo hướng tích cực bộ mặt của nông thôn VN.

Nhưng ở nước mình, nếu chương trình mục tiêu nào, dù xuất phát tốt đến đâu, mà không kiểm soát kỹ và thường xuyên, thì hay dẫn tới kiểu “thi đua hình thức”, làng này nhìn xã nọ, địa phương này muốn hơn địa phương kia ở những “thành tích kỳ lạ”, kiểu như xây to hơn, “hoành tráng” hơn nhau cái... cổng chào. Kiểu “thi đua” ấy, thì sớm muộn gì cũng... đổ nợ. Phong trào “Nông thôn mới” là một ví dụ điển hình. Từ nợ công của nhà nước tới nợ công của làng xã, bây giờ thì làng xã nợ dân, rồi nhà nước nợ dân, toàn là những món nợ mà dân rất khó đòi, do chương trình mục tiêu cũng nhằm phục vụ nhân dân là chính. Nhưng nhân dân lại không cần xây thêm chợ nông thôn, do họ đã có chợ rồi, dân cũng không cần xây cái... cổng chào thật to tốn tiền tỉ, vì không biết để làm gì. Đó là thực trạng sau 5 năm xây dựng chương trình, nó khiến phần được bị lẫn vào phần chưa được.
Mà phần được, tuy dễ nhận ra, nhưng người ta coi như chuyện bình thường phải vậy, còn phần không được thì khiến người dân bức xúc. Giá mà chương trình này đừng có đưa hàng chục “tiêu chí” để hô hào các địa phương thực hiện, mà chỉ tập trung vào xây dựng “điện đường trường trạm” thêm một mục tiêu rất quan trọng nữa là “nước sạch nông thôn”, thì đã tiết kiệm được tiền nhà nước cũng như tiền đóng góp của dân, mà hiệu quả lại thấy rõ ràng.
Nhưng ở đây lại tải ra rất nhiều mục tiêu, phải phấn đấu để được công nhận “chuẩn nông thôn mới”, vì vậy làng xã không chỉ làm đường, mà còn đua nhau xây chợ, làm nhà văn hóa, thậm chí xây... cổng chào “hoành tráng” - một “mục tiêu” mà người ta không biết nên gọi nó là gì cho đúng nghĩa. Cộng tất cả các “mục tiêu” đó lại, mỗi địa phương tự nhiên gánh nợ nhiều tỉ đồng, mà không biết lấy nguồn nào để trả.
Bản thân tôi, có nhà ở quê, ngay từ đầu tôi đã rất ủng hộ việc làm đường bê tông trong làng xóm, và đã vừa hiến đất, vừa đóng góp tiền, vừa cho làng xã... mượn tiền (chắc là hiến luôn, vì mấy năm rồi không thấy trả) để làm đường. Dù sao, tôi thấy việc làm đường vẫn có ích lợi ngay cho người dân, nên chuyện đóng góp có thể hiểu được. Nhưng nếu bắt tôi phải đóng tiền để xây... chợ, trong khi đã có chợ họp bình thường, hay xây... cổng chào, thì thú thật, dù ủng hộ chủ trương bao nhiêu, tôi cũng xin dứt khoát từ chối, không đóng góp.
Tôi nghĩ, không chỉ bản thân mình, mà nhiều hộ nông dân cũng cùng ý nghĩ như thế. Người nông dân của ta đâu giàu có gì, mỗi khi phải bỏ ra số tiền đóng góp cho công trình công ích, dù có lợi cho họ, thì họ đều phải suy nghĩ, cân nhắc, tìm “nguồn tiền dự trữ” trong nhà mình, đặng có mà đóng góp. Vì thế, những “mục tiêu” như dựng cổng chào hay xây chợ trong khi đã có nơi họp chợ làng, thì người nông dân rất không muốn đóng góp. Có thể lãnh đạo xã ưng xây dựng các mục tiêu “hoành tráng” vì nhiều lý do, nhưng người dân thì tuyệt đối không muốn. Cái gì dân không muốn, mà cứ ép dân phải làm, thì chuyện “đổ nợ” là hoàn toàn dễ hiểu.
Tại sao có những địa phương người dân sẵn sàng hiến đất, góp tiền để làm đường? Vì chủ trương ấy hợp với ý nguyện của họ, mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Còn xây chợ để... bỏ hoang, xây cổng chào để... ngắm, thì dân không ưng là chuyện đương nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.