Không thể bắt buộc

24/11/2017 05:35 GMT+7

Trước hết, phải thừa nhận Thông tư 33 của Bộ TN-MT quy định ghi tên đầy đủ các thành viên gia đình, thay vì chủ hộ trong “sổ đỏ”, là một tiến bộ về mặt cá thể hóa quyền sử dụng đất.

Nhưng những quy định (mang tính bắt buộc) của thông tư này đang gây ra tranh cãi lớn. Bởi lẽ nó không những không đúng với logic pháp luật dân sự về quyền tài sản mà còn có thể là tiền đề tạo ra những rắc rối trong thực tế.
Điều 197 bộ luật Dân sự đã quy định về các quyền của người sử dụng đất (bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, thừa kế, từ bỏ hoặc các hình thức định đoạt khác). Như vậy, những quyền này là quyền dân sự. Mà nguyên tắc dân sự là sự thỏa thuận, quyền lựa chọn thuộc về người dân. Nếu người dân không có nhu cầu (ghi tên cả gia đình) thì nhà nước không cần bảo hộ bắt buộc theo cách mà Bộ TN-MT giải thích cho Thông tư 33.

tin liên quan

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình
Thay vì chỉ ghi tên chủ hộ, theo quy định mới từ ngày 5.12.2017, cả gia đình sẽ đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Quy định ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình có thể đúng trong trường hợp trước đây, từ đất công, nhà nước chia cho hộ gia đình (đồng nghĩa là chia cho các thành viên trong hộ gia đình đó). Nhưng kể từ luật Đất đai 1993, cho phép đất đai có quyền chuyển nhượng, rất nhiều người có đất do nhận chuyển nhượng và việc nhận chuyển nhượng này không đương nhiên dành cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Do vậy, thông tư có thể hướng dẫn cho phép ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ, nhưng không thể là bắt buộc. Nó được làm khi hộ gia đình (hoặc chủ sử dụng đất) có nhu cầu, yêu cầu nhà nước bảo hộ và chỉ nên thực hiện khi xảy ra di biến động.
Bộ TN-MT cho rằng việc quy định ghi tên tất cả các thành viên gia đình có quyền sử dụng đất trong sổ đỏ nhằm khắc phục những mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Nhưng như đã nói, điều này chỉ đúng khi đó là lựa chọn của người dân - người có quyền sử dụng đất. Bởi lẽ trên thực tế có rất nhiều gia đình các thành viên không có nhu cầu rạch ròi, bảo chứng về quyền sở hữu tài sản. Con cái có thể hoàn toàn tin tưởng để cha mẹ đứng tên trên tài sản gia đình và ngược lại mà không xảy ra bất kỳ lo ngại tình cảm hay tranh chấp pháp lý nào. Trong những trường hợp đó, một quy định luật pháp (như Thông tư 33) không khéo sẽ gợi ý phá vỡ những rường mối bền chặt trong các gia đình Việt; tạo ra những cơ hội tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình, giữa con cái với cha mẹ...
Đó là chưa kể việc quy định bắt buộc này sẽ khiến tạo ra nhu cầu đột biến, tức thời (có thể) gây những hệ lụy cho bộ máy cơ quan cấp “sổ đỏ” vốn đã quá tải lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.